Bí ẩn về "bệnh nhân Berlin" - bệnh nhân HIV đầu tiên trong lịch sử được chữa khỏi sắp được giải mã

Oct, Theo Trí Thức Trẻ 16:04 11/11/2017
Chia sẻ

Sau gần 10 năm, chúng ta đã đến gần hơn lời giải về bí ẩn của "bệnh nhân Berlin" - người tình cờ thoát khỏi HIV sau một ca ghép tủy.

Gần 10 năm trước, thế giới lần đầu tiên được chứng kiến một nạn nhân HIV được chữa khỏi. Đó là Timothy Brown, một nam giới trung niên người Mỹ. Ông phát hiện ra bệnh vào năm 1995, ngay trước thời điểm nhập học tại ĐH Berlin.

Nhưng đến năm 2008, sau khi thực hiện 2 ca ghép tủy xương cho Brown, các bác sĩ tại bệnh viện Berlin không còn nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào của virus HIV nữa. Ông trở thành trường hợp nhiễm HIV đầu tiên trong lịch sử được chữa lành, nhưng đồng thời cũng là ca bí hiểm nhất. Các bác sĩ không hiểu tại sao Brown khỏi bệnh, và trường hợp của ông được lưu lại với cái tên "bệnh nhân Berlin".

Bí ẩn về bệnh nhân Berlin - bệnh nhân HIV đầu tiên trong lịch sử được chữa khỏi sắp được giải mã - Ảnh 1.

Timothy Brown - bệnh nhân Berlin, người đầu tiên trong lịch sử được chữa khỏi HIV hoàn toàn

Và đến nay, có vẻ như đã có nhóm nghiên cứu sắp tìm ra lời giải đáp cho bí ẩn "bệnh nhân Berlin". Các chuyên gia từ ĐH Khoa học và Sức khỏe Oregon (Mỹ) đã thực hiện một nghiên cứu có quy mô rất lớn trên các loài khỉ, và kết quả đưa ra được đánh giá là cực kỳ tiềm năng để giải quyết vấn đề.

"Tôi chắc chắn rất muốn biết thứ gì đã giúp tôi khỏi bệnh," - "Bệnh nhân Berlin" Brown chia sẻ. "Từ thời điểm thoát khỏi HIV, tôi có thể chọn giữ kín danh tính của mình. Tuy nhiên, tôi muốn chia sẻ, vì tôi không muốn mình là người duy nhất được chữa trị."

Bệnh nhân Berlin bí ẩn

Được biết, ca phẫu thuật cho Brown vào năm 2006 là để chữa trị căn bệnh bạch cầu tủy xương cấp tính (một dạng của ung thư máu). Khi ấy, các bác sĩ điều trị tại Berlin cho rằng cơ hội sống sót duy nhất của Brown là ghép tủy xương, qua đó thay thế hệ miễn dịch đã "nát" của người bệnh bằng tế bào gốc của người khỏe mạnh.

Bí ẩn về bệnh nhân Berlin - bệnh nhân HIV đầu tiên trong lịch sử được chữa khỏi sắp được giải mã - Ảnh 2.

Virus HIV rất nguy hiểm

Ca phẫu thuật ấy đòi hỏi tay nghề rất vững vì rủi ro đem lại quá cao, nhất là khi hệ miễn dịch của Brown đã bị phá hủy bởi virus HIV. Nếu như không phù hợp, tủy ghép sẽ gây xung đột miễn dịch, khiến bệnh nhân phải chết. Và kể cả khi tìm ra tủy phù hợp, rủi ro vẫn là 50/50.

Nhưng dù vậy, Brown đã sống sót sau ca phẫu thuật đầu tiên vào năm 2006, và thậm chí các bác sĩ còn công bố anh đã khỏi cả HIV vào năm 2008. Có điều, khoa học không thể tìm ra lý do, và mọi cố gắng mô phỏng lại ca phẫu thuật của anh đều biến thành thảm họa.

Theo một báo cáo được công bố vào năm 2014, đã có 6 trường hợp HIV được chữa trị bằng phương pháp cấy tế bào gốc, nhưng tất cả đều không thể sống sót quá 1 năm. Điều này đòi hỏi các chuyên gia phải thí nghiệm trên động vật, và nay ĐH Oregon đã quyết định đứng ra thực hiện điều đó.

Vì sao thí nghiệm của ĐH Oregon lại có tiềm năng? Và nó mang lại điều gì

Tiến sĩ Jonah Sacha - chủ nhiệm nghiên cứu cho biết, trước kia các thí nghiệm ghép tủy cho khỉ nâu đã thành công rồi. Tuy nhiên, khỉ nâu có một bộ gene quá đa dạng, khiến kết quả thí nghiệm không còn đáng tin cậy. Khi áp dụng lên con người, tất cả đều thất bại.

Bí ẩn về bệnh nhân Berlin - bệnh nhân HIV đầu tiên trong lịch sử được chữa khỏi sắp được giải mã - Ảnh 3.

Lần này, các chuyên gia sẽ sử dụng khỉ đuôi dài

Vậy nên lần này, họ xét nghiệm trên một nhóm khỉ đuôi dài - loài có bộ gene ổn định và không quá đa dạng, nhằm dễ dàng tìm được những tủy xương phù hợp. Theo như báo cáo gần đây từ do ĐH Oregon công bố, họ đã cấy ghép thành công tế bào gốc vào 2 con khỉ, và chúng đã sống khỏe mạnh trong hơn 1 năm.

Theo tiến sĩ Sacha, kết quả của thí nghiệm cho thấy chúng ta hoàn toàn có thể mô phỏng lại ca phẫu thuật của bệnh nhân Berlin trong tương lai, nhưng cần đến ít nhất 10 năm. Tuy vậy, nếu như thành công, chúng ta có thể giúp bệnh nhân HIV làm lại cuộc đời mà không cần phụ thuộc vào thuốc nữa.

Ngoài ra, ứng dụng của phương pháp còn dành cho các bệnh về bạch cầu hoặc tủy xương.

Nguồn: News Science

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày