Nằm ngay trung tâm quận 1, TP.HCM, Công viên Tao Đàn được ví như "lá phổi xanh" của thành phố, nhưng ít ai biết rằng, trong lòng "lá phổi xanh" này cất giữ những điều bí ẩn, có phần ma mị thu hút nhiều người, trong đó không ít du khách nước ngoài. Đó là ngôi mộ cổ đã án ngữ hàng trăm năm.
Năm 2021, Tạp chí du lịch Travel Leisure nổi tiếng của Mỹ đã xếp hạng địa điểm này là một trong những nơi du lịch ám ảnh nhất thế giới. Bảng xếp hạng được cập nhật đến tháng 9 năm 2023, Công viên Tao Đàn xếp hạng thứ 17/35 địa điểm du lịch ám ảnh nhất trên thế giới. Địa điểm này được chuyên viên "Fact Checker" Elizabeth MacLennan của Travel Leisure kiểm chứng.
Theo như thông tin được đăng tải trên Travel Leisure, Công viên Tao Đàn được mô tả rằng: "Những khu vườn tuyệt đẹp của Công viên Tao Đàn có thể trông tươi tốt và thư giãn vào ban ngày, nhưng một số người nói rằng nơi này mang một cảm giác hoàn toàn khác vào ban đêm. Đó là lúc, theo những đô thị, hồn ma của một chàng trai trẻ bị giết trong một vụ tấn công vẫn lang thang trong công viên, tìm kiếm tình yêu đã mất của mình".
Trên thực tế, năm 1989, báo Công an TP.HCM đã đăng tải vụ án về thanh niên tên Tuấn mất tích vào tối ngày 5/7/1989 và xác được tìm thấy vào sáng ngày hôm sau trong Công viên Tao Đàn. Vụ việc được dẫn rằng Tuấn bị cướp xe máy và giết chết để phi tang. Điều "hy hữu" người phát hiện ra thủ phạm giết chết Tuấn chính là chị gái tên Hạnh của mình. Trong quá trình công an điều tra, Hạnh bất ngờ nhìn thấy người khác đi xe của em trai mình, chính vì thế thủ phạm nhanh chóng bị bắt.
Bởi vậy, nhiều người cho rằng những câu chuyện đồn thổi về việc hồn chàng trai trẻ bị giết vẫn lang thang trong công viên, tìm kiếm tình yêu của mình chỉ để thu hút du lịch mà thôi. Dẫu cho sự việc này không có cơ sở, nhưng sự bí ẩn ở Công viên Tao Đàn không chỉ nằm ở vụ việc chàng trai trẻ bị sát hại năm 1989. Điều người ta tò mò hơn cả là ngôi mộ cổ đã án ngữ trong Công viên Tao Đàn hàng trăm năm.
Công viên Tao Đàn (hay Công viên văn hóa Tao Đàn) là công viên nổi tiếng nhất Thành phố Hồ Chí Minh, tọa lạc ngay tại Quận 1 sầm uất. Công viên rộng 10ha này được giới hạn bởi 4 tuyến đường gồm Nguyễn Thị Minh Khai, Huyền Trân Công Chúa, Nguyễn Du và Cách Mạng Tháng Tám.
Hiện nay, công viên là điểm đến thư giãn, vui chơi lý tưởng của người dân thành phố. Nơi đây không chỉ có các công trình kiến trúc độc đáo mà quan trọng hơn là không gian thiên nhiên xanh mát của Công viên Tao Đàn trở thành nơi "di dưỡng tinh thần" của nhiều người.
Xưa kia, Công viên Tao Đàn vốn là một khu vườn thuộc khuôn viên Dinh Toàn quyền Pháp. Năm 1869, người Pháp cho làm con đường Miss Clavell, khu vườn được tách ra khỏi Dinh và được đặt tên là Jardin de la Ville. Ba mặt còn lại là rue Chasseloup-Laubat phía Bắc, rue Verdun phía Tây, và rue Taberd phía Nam.
Người Việt mình quen gọi là Vườn Ông Thượng hay Vườn Bồ-Rô (có lẽ dịch theo phiên âm từ préau - tiếng Pháp nghĩa là "sân lát gạch"). Theo học giả Vương Hồng Sển, bởi người dân ngưỡng mộ và kính trọng ông Lê Văn Duyệt làm Thượng công nên lấy khu đất trước thuộc chỗ ông ngự trị để đặt tên Vườn Ông Thượng.
Sau đó, một số cơ sở được xây dựng thêm trong khu vườn như Hội Hiếu Nhạc (1896), Hội Tam Điểm (1897), Câu lạc bộ Thể thao Sài Gòn (1902) và Viện Giáo dục Trẻ em (Viện Dục nhi) năm 1926. Sau khi Pháp rút khỏi Việt Nam, khu vườn được đổi thành Vườn Tao Đàn. Sau năm 1975, Vườn Tao Đàn được đổi tên là Công viên Văn hóa Tao Đàn, thường gọi là Công viên Tao Đàn.
Không gian xanh mát và rộng lớn của Công viên Tao Đàn là nơi trưng bày triển lãm hoa xuân mỗi dịp trước Tết Nguyên đán. Năm 1992, một ngôi đền tưởng niệm các Vua Hùng đã được xây dựng trong công viên và được trùng tu vào cuối năm 2011.
Trong khuôn viên của Công viên Tao Đàn cũng có tượng đài cờ lau Đinh Bộ Lĩnh và tháp Chăm. Tháp Chăm tại đây là bản sao thu nhỏ của ngôi đền Po Nagar nổi tiếng ở Nha Trang. Kiến trúc của tháp toát lên vẻ đẹp huyền bí, độc đáo của kiến trúc tháp Chăm, rất nhiều du khách đến đây thường check-in với công trình này.
Hiện tại, Công viên Tao Đàn là công viên lớn nhất tại Thành phố Hồ Chí Minh, thường được ví như "lá phổi xanh" của thành phố không ngủ này. Công viên không chỉ thu hút cư dân thành phố với nhiều hoạt động khác nhau như trưng bày triển lãm, chơi thể thao, tập thể dục, tổ chức sự kiện mà còn hấp dẫn khách du lịch trong lẫn ngoài nước tham quan các công trình.
Rộng khoảng 10ha, là nơi sinh sống của hơn nghìn loại thực vật cùng nhiều cổ thụ lâu năm, Công viên Tao Đàn còn trở thành nơi huyền bí và nổi tiếng bởi ngôi mộ cổ án ngữ lâu năm.
Theo Danh mục kiểm kê Di tích lịch sử-văn hóa trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2010-2020 của Sở Văn hóa Thể thao Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, ngôi mộ cổ này được xây dựng năm Ất Mùi (1895). Tính đến nay, ngôi mộ này khoảng 129 năm tuổi.
Những ngôi mộ cổ này nằm chếch về phía Tây Bắc của Công viên Tao Đàn - cách đường Trương Định khoảng 35m về phía bên phải. Người đi lại qua giao lộ Nguyễn Thị Minh Khai và Trương Định có thể dễ dàng nhìn thấy mộ cổ nằm ở vị trí này.
Nhiều người dân xung quanh khu vực mộ cổ hầu như không ai biết lai lịch ngôi mộ, cũng như có từ khi nào. Chính vì vậy, mộ cổ trong công viên càng gây nên sự tò mò và bí ẩn cho nhiều người. Khu mộ cổ này xây dựng theo cấu trúc lăng song táng khép kín cầu kỳ.
Trước ngôi mộ có tấm biển đồng ghi: "Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố: Mộ cổ họ Lâm được công nhận năm 2014". Mộ cổ có các vòng tường cẩn thận, tạo thành ba lớp vào lăng, từ phần tiền sảnh, sân thờ và nhà mộ. Ngay lối vào có các trụ cột nụ sen hình khối chữ nhật. Phía sân trước có bức bình phong hình cuốn thư đặt trên bệ đỡ. Khu vực nhà bia dựng kiểu nhà một gian hai chái. Mái ngói dựng kiểu ngói ống đổ trước - 11 ống ngói, dọc đòn nóc còn có hai khối tượng voi phục chầu về mộ. Qua một rãnh nước sẽ là nhà mồ, mái lợp 10 ống ngói, phần bờ nóc có đắp hình đầu rồng và voi phục cách điệu.
Vào năm 2013, theo Phó giáo sư - tiến sĩ Phạm Đức Mạnh (Trưởng Bộ môn Khảo cổ học, Khoa Lịch sử, trường ĐH KHXH-NV, ĐH Quốc gia TP.HCM) lúc đó, cho rằng mộ được xây dựng bằng chất liệu ô dước - loại nhựa cây đặc trưng của rừng Trường Sơn và nông thôn Việt Nam. Ô dước là hợp chất được tạo thành từ vôi sống, cát mịn, bột vỏ sò trộn với mật mía và nước nhớt của một loại cây rừng. Đồng thời, ông xác định đây là loại hình mộ phổ biến trong giai đoạn thế kỷ XV - đầu thế kỷ XX.
Kiểu táng mộ này ở phía Bắc dành cho cung đình như vua, hoàng hậu, công chúa. Còn ở phía Nam Bộ, kiểu mộ này xuất hiện trong các lăng hoàng gia (Gò Công, Tiền Giang), Lăng Mạc Cửu (Hà Tiên, Kiên Giang), Lăng Thoại Ngọc Hầu (Châu Đốc, An Giang). Tại TP.HCM, dạng mộ này cũng phổ biến với nhiều danh tướng, danh nhân thời vua chúa nhà Nguyễn, kiến trúc này cũng bắt gặp ở mộ anh em Tổng đốc Lê Văn Duyệt - Lê Văn Phong, Phó Tổng trấn Gia Định Huỳnh Công Lý,...
Căn cứ những chữ còn sót lại trên tấm bia chữ Hán, đây là mộ của ông Lâm Tam Lang (tự "Nguyên Thất", mất vào mùa thu năm Ất Mão 1795) và bà Mai Thị Xã (vợ ông). Họ Lâm người gốc Quảng Đông, Trung Quốc. Hậu duệ của ông đáng chú ý có: Phó lãnh binh Lâm Quang Ky (đời thứ 4) - phó tướng của anh dùng dân tộc Nguyễn Trung Trực và Lâm Đình Phùng (tức nhạc sĩ Lam Phương, đời thứ 7).
Đây cũng là một trong những mộ cổ có diện tích lớn và kiến trúc đẹp còn tồn tại ở thành phố. Sự tồn tại của ngôi mộ cổ mang họ Lâm này cũng đóng góp cho ngành khảo cổ nghiên cứu về loại hình mộ cổ ở Việt Nam. Ngày 10/4/2014, UBND TP.HCM quyết định công nhận mộ cổ họ Lâm là Di tích lịch sử cấp thành phố để bảo tồn, giữ gìn.
Hơn hết, đây cũng là một trong những dấu tích xưa còn lại của bậc tiền nhân trong quá trình xây dựng đất nước. Mặc dù không thân thích nhưng nhiều người dân vẫn nhang khói, thể hiện cho truyền thống uống nước nhớ nguồn tốt đẹp của dân tộc ta.