Bạn hãy thử đọc đoạn văn tiếng Anh có vẻ rất phức tạp sau:
(Ảnh: Twiiter)
I cdn'uolt blveiee taht I cluod aulaclty uesdnatnrd waht I was rdanieg: the phaonmneel pweor of the hmuan mnid. Aoccdrnig to a rseearch taem at Cmabrigde Uinervtisy, it deosn’t mttaer in waht oredr the ltteers in a wrod are, the olny iprmoatnt tihng is taht the frist and lsat ltteer be at the rghit pclae. The rset can be a total mses and you can sitll raed it wouthit porbelm. Tihs is bcuseae the huamn mnid deos not raed ervey lteter by istlef, but the wrod as a wlohe. Amzanig huh? Yaeh and I awlyas tghuhot slpeling was ipmorantt! If you can raed this SHARE IT
Đoạn văn này được giải mã thành:
I couldn't believe that I could actually understand what I was reading: the phenomenal power of the human mind. According to a research team at Cambridge University, it doesn’t matter what orders the letters in a word are, the only important thing is that the first and last letter be in the right place. The rest can be a total mess and you can still read it without a problem. This is because the human mind does not read every letter by itself but the word as a whole. Amazing huh? Yeah and I always thought spelling was important! If you can read this SHARE IT.
Tạm dịch:
Tôi không thể tin được là tôi thật sự có thể hiểu những gì mình đang đọc: sức mạnh phi thường của tâm trí con người. Theo một nhóm nghiên cứu của Đại học Cambridge, trật tự các chữ cái trong một từ không phải là vấn đề, điều quan trọng duy nhất là chữ cái đầu tiên và chữ cái cuối cùng nằm ở đúng chỗ. Phần còn lại có thể là một đống hoàn toàn lộn xộn, và bạn vẫn có thể đọc chúng mà không gặp rắc rối nào. Đó là vì tâm trí con người không đọc từng chữ cái mà đọc từ như một khối tổng thể. Ngạc nhiên không? Vâng, và tôi luôn nghĩ rằng chính tả là quan trọng! Hãy chia sẻ nếu bạn có thể đọc cái này.
Theo Howstuffworks, đoạn văn này trích dẫn một nghiên cứu của đại học Cambridge nhưng trong thực tế, không tồn tại nghiên cứu đó và đoạn văn cũng có những chỗ không chính xác.
Một vài bình luận từ đại học Nottingham sẽ giúp chúng ta hiểu rõ đề tài này:
Trong một lá thư gửi tạp chí New Scientist năm 1999, tiến sĩ tốt nghiệp Nottingham Graham Rawlinson nhắc tới luận văn tiến sĩ của ông năm 1976. Nghiên cứu của Graham đã cho thấy, việc xáo trộn ngẫu nhiên các chữ cái ở giữa từ "có ảnh hưởng rất ít hoặc không có ảnh hưởng gì" đến khả năng hiểu văn bản của những người đọc thành thạo. Một người đọc nhanh chỉ mắc 4-5 lỗi trong một văn bản lộn xộn dài cỡ một trang A4. Theo Graham, để nhận ra những thay đổi trong ý nghĩa văn bản thì chúng ta chỉ cần các chữ cái đầu tiên và cuối cùng phải chính xác.
Matt Davis-nhà nghiên cứu cao cấp tại Đơn vị Khoa học Não bộ và Nhận thức của đại học Cambridge cũng đồng quan điểm với tiến sĩ Graham. Ông cho rằng đoạn văn trên có một phần sự thật đến "từ các nghiên cứu trong đó, mọi người đọc các từ hiển thị rất nhanh trên màn hình máy tính, các chữ cái bên ngoài của từ dễ xác định hơn các chữ cái ở giữa", lời Matt được trang tin Treehugger trích dẫn.
Các tiến trình nhận thức đằng sau việc đọc văn bản nói trên là một hiện tượng thuộc lĩnh vực tâm lý ngữ học, được gọi là typoglycemia trong tiếng Anh. Typoglycemia được ghép từ hai chữ "typo" (lỗi in ấn) và "hypoglycemia" (tình trạng hạ đường huyết).
(Ảnh: Twiiter)
Ngoài ý kiến vừa nêu thì đoạn văn ở đầu bài có nhiều chi tiết không chính xác.
Với những người mới bắt đầu, trật tự chữ cái rất quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến khả năng đọc văn bản. Howstuffworks trích dẫn một nghiên cứu nhỏ theo dõi cử động mắt của 30 sinh viên đại học được cho xem các câu có chữ bị xáo trộn. Kết quả cho thấy: các chữ cái nằm lộn xộn đã làm cho khả năng đọc hiểu giảm đi 12% so với các chữ cái bị thay đổi ở giữa từ. Tỉ lệ này sẽ tăng lên 26% nếu các chữ cái bị thay đổi nằm ở cuối từ, và tới 36% nếu các chữ cái bị trộn lẫn nằm ở đầu từ.
Nhà thần kinh học nhận thức Matt cho biết, các chữ cái ở giữa càng lộn xộn thì chúng ta càng gặp khó khăn hơn để đọc chúng. "Rõ ràng, chữ cái đầu tiên và cuối cùng không phải là thứ duy nhất bạn sử dụng khi đọc văn bản. Nếu đó chính là trường hợp này, làm cách nào mà bạn nêu được sự khác biệt giữa các cặp từ như "salt" (muối) và "slat" (thanh gỗ mỏng)?".
Khả năng rút ra ý nghĩa văn bản của chúng ta đến từ đâu?
Theo Howstuffworks, khả năng hiểu nghĩa các từ bị xáo trộn ở giữa liên quan đến khả năng suy luận ngữ cảnh - một điều mà trí tuệ nhân tạo vẫn chưa thực hiện được, khiến chúng vẫn gặp khó khăn trong xử lý ngôn ngữ.
Tiến sĩ Marta Kutas, giám đốc trung tâm nghiên cứu Ngôn ngữ đại học California (San Diego, Mỹ), cho biết, ngữ cảnh giúp chúng ta kích hoạt các vùng não tương ứng với những gì chúng ta kỳ vọng. Khi chụp ảnh não một người trong lúc họ nghe một âm thanh, họ sẽ dự báo được âm thanh kế tiếp. Kết quả cho thấy não người hành động như thể nó đã nghe âm thanh kỳ vọng rồi.
Khái niệm tương tự cũng được áp dụng cho các chữ cái và từ. Bộ não của chúng ta xử lý tất cả chữ cái trong một từ cùng lúc và sử dụng các chữ cái làm ngữ cảnh cho nhau. Đó là lý do vì sao chúng ta có thể đọc được các từ có cả chữ lẫn số: NUMB3RS 1NST3AD 0F L3773RS (NUMBERS INSTEAD OF LETTERS, nghĩa là các con số thay vì các chữ cái). Hình dạng của các chữ số cũng tương tự các chữ cái, và ngữ cảnh tổng thể vượt lên vị trí riêng lẻ là các chữ số của chúng.
(Ảnh: Why the brain is so cool)
Chúng ta có thể đọc các từ bị xáo trộn, chỉ là chúng ta cần nhiều thời gian hơn một chút để nghĩ ra chúng là gì.
Tham khảo Howstuffworks, Audiopedia