Bị 400 gã đàn ông quấy rối tình dục, cô gái chịu bi kịch thảm thương, vạch trần mảng tối đáng sợ ở nơi coi phụ nữ như "cỏ dại"

Diệp Lục, Theo Pháp luật & Bạn đọc 17:14 05/03/2022

Những người phụ nữ đều trở thành "kẻ tội đồ", phải hứng chịu sự trừng phạt của các đấng mày râu thậm chí là chính người thân trong gia đình.

Vào cuối tháng 8/2021, Ayesha Akram, nữ TikToker nổi tiếng người Pakistan đã trải qua cơn ác mộng kinh hoàng khi bị 400 gã đàn ông sờ soạng, quấy rối tình dục tập thể kéo giờ 2 tiếng rưỡi đồng hồ. Sự việc xảy ra khi TikToker đang quay video với nhóm bạn tại công viên Greater Iqbal trong dịp lễ Quốc khánh.

Vào thời điểm đó, nhiều nam thanh niên tiến lại gần trêu chọc và chụp ảnh cô mà không có sự đồng ý. Sự việc càng trở nên tồi tệ hơn khi những người này có hành vi sàm sỡ, đụng chạm thô bạo với cô gái kèm theo lời lẽ xúc phạm. Sau sự việc, thay vì thương cảm và đấu tranh bảo vệ cho nạn nhân thì một bộ phận người dân Pakistan lại quay ra chỉ trích Ayesha Akram vì họ cho rằng cô đang cố gắng dàn dựng mọi chuyện để câu views. Ayesha Akram nhận về muôn vàn chỉ trích, quá khứ của cô cũng bị đem ra đào bới.

Bị 400 gã đàn ông quấy rối tình dục, cô gái chịu bi kịch thảm thương, vạch trần mảng tối đáng sợ ở nơi coi phụ nữ như cỏ dại - Ảnh 1.

Ayesha Akram bị quấy rối tình dục tập thể

Cảnh sát đã bắt giữ hàng chục nghi phạm nhưng sự việc cứ như vậy bị chìm dần vào quên lãng. Trên thực tế, có hàng trăm phụ nữ bị giết ở Pakistan hàng năm và hàng ngàn người khác là nạn nhân của bạo lực và tấn công tình dục. Tuy nhiên, các nạn nhân hiếm khi được lên tiếng hoặc được bảo vệ công lý chỉ bởi thực trạng đáng buồn ở quốc gia này khi phụ nữ bị xem là "cỏ dại", nam giới có quyền chà đạp và quyết định mạng sống của họ.

Mạng sống của phụ nữ như "cỏ dại"

Vào hôm 24/2 vừa qua, "cậu ấm" Zahir Jaffer, con của một trong những gia đình giàu có nhất Pakistan đã nhận mức án tử hình sau khi xâm hại và sát hại dã man Noor Mukadam, 27 tuổi, con gái của một nhà ngoại giao.

Được biết, nạn nhân và hung thủ vốn là bạn bè thời thơ ấu. Vì không có được tình yêu của cô gái, gã Zahir Jaffer đã sử dụng bạo lực để cưỡng ép và kiểm soát nạn nhân gây ra bi kịch đẫm máu. Hành vi của gã Zahir Jaffer đã bị dư luận lên án dữ dội và tiếp tục khoét sâu thêm nỗi đau của phụ nữ Pakistan, làm rõ hơn vấn nạn đã tồn tại từ rất lâu của quốc gia này.

Nhà hoạt động nhân quyền Tahira Abdullah cho biết Noor Mukadam vốn thuộc tầng lớp ưu tú trong xã hội nên cái chết của cô mới được nhiều người chú ý đến. Có một thực tại chua chát rằng, phần lớn phụ nữ Pakistan là nạn nhân của bạo lực thì thuộc tầng lớp trung lưu và nghèo nhất của đất nước. Cái chết của họ thường không được báo cáo hoặc thường bị bỏ qua.

Bị 400 gã đàn ông quấy rối tình dục, cô gái chịu bi kịch thảm thương, vạch trần mảng tối đáng sợ ở nơi coi phụ nữ như cỏ dại - Ảnh 2.

Con gái nhà ngoại giao bị bạn thời thơ ấu xâm hại và giết chết dã man

"Tôi có thể cung cấp cho các bạn một danh sách dài hơn cánh tay tôi, chỉ trong 1 tuần. Tội phạm tình dục và bạo lực đối với phụ nữ ở Pakistan là một đại dịch thầm lặng. Không ai nhìn thấy nó. Không ai nói về nó", Tahira Abdullah cho biết.

Dữ liệu thu thập từ các đường dây nóng về bạo lực gia đình trên toàn quốc cho thấy bạo lực gia đình đã gia tăng 200% trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 3 năm ngoái, theo báo cáo của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền công bố đầu năm nay. Vào năm 2020, Pakistan ở gần cuối bảng xếp hạng chỉ số bình đẳng giới toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, đứng thứ 153 trong số 156 quốc gia, chỉ trước Iraq, Yemen và Afghanistan.

"Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ nhỏ - bao gồm cưỡng hiếp, giết người, tấn công bằng axit, bạo lực gia đình và cưỡng ép hôn nhân - vẫn là một vấn đề nghiêm trọng trên khắp Pakistan", Tổ chức nhân quyền Human Rights Watch có trụ sở tại Mỹ lưu ý trong báo cáo thường niên năm 2021.

Theo số liệu khảo sát của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), ít nhất 85% phụ nữ Pakistan "từng bị bạo lực thể xác hoặc tình dục từ người bạn đời vào một thời điểm nào đó trong đời", con số cao nhất trên toàn thế giới.

Bị 400 gã đàn ông quấy rối tình dục, cô gái chịu bi kịch thảm thương, vạch trần mảng tối đáng sợ ở nơi coi phụ nữ như cỏ dại - Ảnh 3.

Tháng 9/2020, một người phụ nữ bị cưỡng hiếp tập thể ở lề đường cao tốc tại tỉnh Punjab sau khi xe của cô hết xăng. Ngay sau vụ việc gây chấn động, một sĩ quan cảnh sát cấp cao đổ lỗi cho nạn nhân bị phục kích và cưỡng hiếp tập thể trước mặt hai đứa con của mình, nói rằng cô ấy không nên đi vào ban đêm và không có đàn ông đi cùng. Có thể thấy rằng, người phụ nữ không chỉ là nạn nhân của các cuộc tấn công, bạo lực mà họ còn bị đổ lỗi, bị coi thường như "cỏ dại".

Bị sát hại vì "danh dự gia đình"

Nhiều vụ tấn công ở Pakistan được gọi là "giết người danh dự" trong đó hung thủ là anh em, cha hoặc người thân là nam giới. Mỗi năm, hơn 1.000 phụ nữ bị giết theo cách này, nhiều người trong số họ không được báo cáo, theo các nhà nhân quyền. Thống kê của Ủy ban nhân quyền Pakistan cho thấy, có 1.276 vụ giết người "vì danh dự" xảy ra trong khoảng thời gian từ tháng 2/2014 đến tháng 2/2016.

Các nhà hoạt động nhân quyền cho biết, hơn 1.500 vụ giết người vì lý do tương tự đã xảy ra ở Pakistan từ năm 2016 đến 2018. Con số này cũng được Asad Butt, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân quyền Pakistan xác nhận.

"Nạn nhân bị giết hại vì vi phạm các quy tắc gia trưởng trong gia đình tiếp tục tăng. Tội ác giết người vì danh dự được coi như "một cách trị an" hoặc kỷ luật phụ nữ, các bé gái. Nhiều người Pakistan cho rằng, các vấn đề liên quan đến gia đình phải được giải quyết bằng các thành viên trong gia đình. Không ít trường hợp nạn nhân cố gắng tìm đến sự trợ giúp của các cơ quan chức năng nhưng không thành công", Nida Kirmani, Phó Giáo sư trường Đại học Lahore nói.

Vào năm 2016, Qandeel Baloch, người mẫu và ngôi sao mạng xã hội, đã bị anh trai mình giết chết vì làm trái với niềm tin của hắn ta. Trong đoạn video tung lên mạng sau khi giết chết em gái, hắn không tỏ một chút hối hận nào: "Tôi tự hào vì điều tôi đã làm. Tôi đã đánh thuốc mê nó trước, sau đó giết nó sau".

Bị 400 gã đàn ông quấy rối tình dục, cô gái chịu bi kịch thảm thương, vạch trần mảng tối đáng sợ ở nơi coi phụ nữ như cỏ dại - Ảnh 4.

Qandeel Baloch bị chính anh trai mình sát hại

Bộ phim tài liệu "Cô gái trên sông: Cái giá của sự tha thứ" của tác giả Sharmeen Obaid-Chinoy nói về những vụ giết người vì danh dự ở Pakistan đã được trao giải Oscar 2016. Bộ phim kể về trường hợp Mohammad Rehmat, ở Lahore đã giết con gái 18 tuổi của mình sau khi cô không nói cho ông ta biết cô đã ở đâu trong 5 tiếng đồng hồ rời khỏi nhà. Ngày hôm sau tại làng Noorshah, Mohammad Asif đã bắn hai chị gái của mình vì "anh ta nghi ngờ tính cách của họ và chống lại lối sống của họ".

Nhà làm phim Obaid-Chinoy đã nêu bật một thực tại đáng buồn rằng, các nạn nhân thường bị buộc phải tha thứ cho thủ phạm của họ thông qua áp lực gia đình và công lý vẫn còn lỗ hổng. Tờ Aljazeera từng nhận xét rằng: "'Cái tội' của Obaid-Chinoy là cởi bỏ lớp áo choàng và để lộ những vết sẹo của một vùng Pakistan bị bao phủ bởi bóng tối. 'Trọng tội' của cô là vạch trần các phần tử của xã hội Pakistan sử dụng tôn giáo và văn hóa để khiến phụ nữ phải chịu những hành vi tàn bạo dã man".

Tương lai nào cho phụ nữ bị coi thường?

Ở những vùng xa xôi và kém phát triển của Pakistan, nơi vẫn còn tồn tại tư tưởng gia trưởng, phụ nữ phải gánh chịu sự đối xử bất công, các cô gái là nạn nhân chủ yếu của các vụ "giết người vì danh dự", thậm chí vì những lý do không đáng như ăn mặc theo cách được coi là không phù hợp hoặc thể hiện hành vi được coi là không vâng lời hoặc có bất kỳ mối quan hệ nào với nam giới.

Mặc dù mạng xã hội đang giúp khuếch đại các trường hợp bạo lực đối với phụ nữ, nâng cao ý thức và sự hiểu biết của một bộ phận người dân nhưng nó không thể làm cầu nối cho sự phân chia giai cấp và sắc tộc đã tồn tại từ lâu trong nước. Ngoài ra, phần lớn phụ nữ ở Pakistan vẫn không sử dụng mạng xã hội. Có khoảng cách 65% trong tiếp cận kỹ thuật số giữa phụ nữ và nam giới ở Pakistan, khoảng cách giới cao nhất trên thế giới, và những phụ nữ có quyền truy cập nói chung thuộc tầng lớp thượng lưu và trung lưu.

Gần đây nhất, Dự luật Bạo lực Gia đình - mặc dù đã được Quốc hội thông qua để đảm bảo bảo vệ pháp lý và cứu trợ cho các nạn nhân - đã bị đình trệ sau khi một cố vấn của Thủ tướng đề nghị gửi nó đến Hội đồng Tư tưởng Hồi giáo để xem xét. Các nạn nhân của bạo lực gia đình và các vụ tấn công vô cớ tiếp tục chờ đợi để tìm ra những kênh pháp lý dành cho họ.

Bị 400 gã đàn ông quấy rối tình dục, cô gái chịu bi kịch thảm thương, vạch trần mảng tối đáng sợ ở nơi coi phụ nữ như cỏ dại - Ảnh 5.

Phụ nữ Pakistan đang tìm lại tiếng nói của mình mỗi ngày

Mặc dù vậy, hiện nay, phụ nữ Pakistan đang cố gắng từng ngay để tìm lại tiếng nói và chỗ đứng đáng lẽ họ xứng đáng có được trong xã hội hiện đại. Trong các chương trình trò chuyện trên truyền hình, mặc dù phần lớn do các nhà bình luận là nam giới chiếm ưu thế, các nhà báo nữ ngày càng lên tiếng phản đối bạo lực và không chịu im lặng trước các bình luận viên nam.

Các sinh viên đại học cũng đã cởi mở và thảo luận sôi nổi về thực trạng quấy rối và bạo lực. Tuy vậy, với tỷ lệ nữ học đại học chỉ chiếm 8,3% thì những cuộc trò chuyện này vẫn chỉ giới hạn trong một bộ phận nhỏ của xã hội. Song, đã có có những dấu hiệu tích cực cho thấy phụ nữ, đặc biệt là những người trẻ tuổi và có học thức, đang trở nên ý thức hơn và lên chống lại thực tại nghiệt ngã.

Gọi đây là một cuộc cách mạng về giới có thể là quá sớm, nhưng một sự thay đổi chắc chắn đang diễn ra. Cuộc đấu tranh giành quyền bình đẳng cho phụ nữ vẫn còn một chặng đường dài phía trước nhưng chỉ cần không bỏ cuộc, kiên trì mỗi ngày, họ sẽ dần thay đổi được thực tại đáng buồn trong quá khứ.

Nguồn: Aljazeera, USA Today

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày