Mới đây, một phát ngôn từ Shark Hùng Anh đưa ra về nghề môi giới bất động sản gây tranh cãi. "Các bạn trẻ làm đất thời kỳ bây giờ làm rất khó khăn nhưng ngay cả trước đây, như bạn bè anh biết, làm môi giới bất động sản, nghĩ nó thơm nhưng thực chất được bao nhiêu tiền?
Đặc biệt làm đất, chất xám trong đó, nói thẳng là thấp, thấp chứ không phải không có. Nên tại sao người ta không gọi là cò ô tô, cò điện thoại mà gọi là cò đất? Bởi vì tất cả các thành phần đều có thể làm được. Khi mà lực lượng lao động đối tượng nào cũng tham gia được thì chứng tỏ thị trường lao động đó kém bền vững. Thị trường nào càng dễ tham gia thì càng dễ thay đổi và mất đi!", ông nói.
Trước phát ngôn này, một chuyên gia cho hay, ít ai biết rằng, mỗi giao dịch bất động sản thành công không chỉ là câu chuyện mua bán - mà còn tác động đến dòng chảy của vốn, tín dụng, thu ngân sách và việc làm, góp phần nuôi dưỡng cả một hệ sinh thái kinh tế đa ngành.
Nghề môi giới bất động sản mở cửa cho nhiều người, nhưng để đi được đường dài, người làm nghề cần: Am hiểu sâu về thị trường, quy hoạch, pháp lý; Thành thạo kỹ năng tài chính, tư vấn, thương lượng, chốt giao dịch; Bản lĩnh vững vàng trước áp lực từ khách hàng, thị trường, đối thủ và cả dư luận.
Ảnh minh hoạ
Môi giới bất động sản là một trong những lĩnh vực hoạt động của ngành Bất động sản. Tên ngành là Bất động sản nhưng sinh viên học ngành này ra trường có thể làm ít nhất 20 đầu việc liên quan.
Hiện nay có khá nhiều trường đại học chính quy đang đào tạo chuyên ngành Bất động sane. Những năm qua, nhiều người giàu có đi lên từ việc kinh doanh bất động sản khiến nghề này đang trở thành thời thượng. Có thể hiểu đây là việc đầu tư nguồn vốn nhằm mục đích thực hiện mua hoặc bán, xây dựng hay chuyển nhượng, thực hiện dịch vụ tư vấn, sàn giao dịch, quản lý bất động sản nhằm mục đích sinh lợi ích.
Bên cạnh những kiến thức đại cương và các kỹ năng mềm cơ bản thì sinh viên theo ngành Bất động sản sẽ được cung cấp kiến thức nền tảng đa dạng về tình hình kinh tế - tài chính quốc gia, nắm bắt được các điều luật trong lĩnh vực kinh doanh và đầu tư bất động sản. Trang bị thêm cho mình những kỹ năng về quản lý tài chính và quản lý bất động sản trong bối cảnh hội nhập và mở rộng phát triển như hiện nay.
Hơn nữa khi học ngành này, sinh viên được trang bị kỹ năng thu thập, xử lý thông tin, biết phân tích thị trường bất động sản từ đó triển khai các dịch vụ sàn giao dịch bất động sản và môi giới bất động sản, thực hiện thẩm định giá và quản lý bất động sản…
Cụ thể, sinh viên tốt nghiệp ngành bất động sản có thể tự hoạt động như một môi giới bất động sản độc lập; hoặc ứng cử vào vị trí nhân viên, quản lý của các văn phòng giao dịch, các công ty về bất động sản (chủ đầu tư, phân phối, môi giới, sàn giao dịch, quản lý tòa nhà, nghiên cứu thị trường, đầu tư và định giá...) với vị trí: Chuyên gia thẩm định giá trị bất động sản; Phát triển kinh doanh và đầu tư; Chuyên gia môi giới...
Ảnh minh hoạ
Đặc biệt, các nhà giáo dục nghề nghiệp, hướng nghiệp đều đánh giá kinh doanh bất động sản sẽ phát triển thành một nghề chuyên nghiệp trong tương lai. Khi thị trường phát triển theo hướng chuyên nghiệp thì các quy định quản lý sẽ càng chặt chẽ, cần những nhân sự chuyên nghiệp có chuyên môn và kiến thức pháp lý.
Trong khi đó, thị trường lao động trong lĩnh vực bất động sản vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu cả về số lượng và chất lượng, người làm nghề này nhiều nhưng nhân sự được đào tạo bài bản rất ít.
Một số trường đào tạo ngành Bất động sản có thể kể đến: Đại học Kinh Tế Quốc Dân; Đại học Lâm Nghiệp; Đại học Tài Nguyên và Môi Trường Hà Nội; Học viện Nông Nghiệp Việt Nam; Đại học Nông Lâm – Đại học Huế; Đại học Kinh Tế TP.HCM; Đại học Tài Chính Marketing; Đại học Nông Lâm TP.HCM; Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM; Đại học Dân lập Văn Lang...