Bệnh viện quá tải, Đức phải chuyển bệnh nhân Covid-19 sang nước khác điều trị

Mai Trang, Theo VOV 22:38 18/11/2021

Đức đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm SARS-CoV-2 nghiêm trọng khiến các bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải và phải chuyển bệnh nhân sang các nước EU khác để điều trị.

Áp lực đè nặng lên các bệnh viện

Khi các giường chăm sóc đặc biệt chật kín và thiếu nhân viên y tế, một bệnh viện ở Freising, bang Bayern đã đưa ra quyết định chưa từng có là chuyển một bệnh nhân mắc Covid-19 đến miền Bắc Italy để điều trị.

Trong 18 tháng thăng trầm của đại dịch Covid-19 vừa qua, Đức đã nhiều lần tiếp nhận bệnh nhân từ các nước láng giềng khi bệnh viện ở những nơi đó hết chỗ.

Tuy nhiên, một đợt bùng phát dịch nghiêm trọng đã khiến số ca nhiễm SARS-CoV-2 mới tại Đức tăng cao kỷ lục, làm cho các bệnh viện ở nhiều khu vực trên đất nước rơi vào tình trạng quá tải và buộc nhà chức trách phải tìm đến các cơ sở y tế khác trong EU để được giúp đỡ.

Mặc dù số lượng bệnh nhân cần điều trị trong phòng chăm sóc đặc biệt vẫn ở dưới mức đỉnh điểm so với một năm trước, nhưng do tình trạng thiếu hụt nhân sự trầm trọng suốt thời gian qua, khả năng ứng phó trước đại dịch của ngành y tế Đức bị cản trở nghiêm trọng.

“Tuần trước, chúng tôi phải chuyển một bệnh nhân bằng trực thăng đến Merano, Italy. Chúng tôi không còn khả năng tiếp nhận bệnh nhân và các bệnh viện lân cận của bang Bayern cũng đã kín chỗ”, Thomas Marx, quan chức y tế tại bệnh viện ở Freising - một thị trấn có 50.000 dân, cho biết.

Bệnh viện này cũng đã phải đưa một bệnh nhân khác đến thị trấn Regensburg vào cuối tuần qua.

“Chúng tôi đã làm việc hết khả năng của mình, đó là lý do tại sao chúng tôi phải thực hiện những cách trên”, ông Marx nói.

Bệnh viện ở Freising hiện đang có 13 trường hợp phải điều trị trong phòng chăm sóc đặc biệt, nhiều hơn 3 ca so với công suất của bệnh viện. Năm người trong số đó mắc Covid-19, tất cả đều chưa được tiêm chủng.

Theo dữ liệu từ Worldometers, tới nay, Đức ghi nhận hơn 5,1 triệu ca mắc Covid-19 và hơn 98.000 ca tử vong do dịch bệnh.

Khi tỷ lệ tiêm chủng của Đức đang trì trệ ở mức dưới 70% trong những tuần gần đây, các quan chức y tế đang nỗ lực để có thể thúc đẩy nhiều người đi tiêm vaccine hơn.

Thủ tướng Angela Merkel hôm 17/11 đã kêu gọi những người chưa tiêm vaccine hãy đi tiêm chủng. “Khi đủ số người được tiêm chủng, chúng ta có thể đẩy lùi đại dịch”, bà Merkel nói.

Trong một nỗ lực để tăng tỷ lệ tiêm chủng, Quốc hội Đức đã sẵn sàng bỏ phiếu thông qua các quy định mới bổ sung biện pháp hạn chế đối với những người chưa tiêm chủng. Theo đó, những người chưa tiêm vaccine sẽ phải xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 khi sử dụng phương tiện công cộng hoặc di chuyển đến văn phòng.

Tình trạng do dự tiêm chủng

Tại đơn vị chăm sóc đặc biệt của phòng khám Munich Clinic Schwabing, bác sĩ Niklas Schneider đã bày tỏ sự thất vọng về tình trạng do dự tiêm chủng của người dân trong thời gian gần đây.

“Tôi thực sự ngạc nhiên khi việc tiêm chủng không nhận được sự ủng hộ của công chúng dù chúng tôi hoàn toàn có đủ điều kiện tiêm cho họ. Tôi không hiểu tại sao nhiều người lại tin vào những thông tin sai lệch về vaccine như thế”, ông Schneider nói.

Giống như bệnh viện ở Freising, phòng khám Munich Clinic Schwabing cũng đang hoạt động hết công suất.

“Chúng tôi vẫn cố gắng làm việc hết sức, nhưng vô cùng thất vọng khi nhận ra rằng các bệnh nhân Covid-19 đã không tiêm chủng. Điều này không chỉ gây tổn thương với bản thân họ mà còn khiến hệ thống y tế trở nên quá tải trong khi hoàn toàn có thể thay đổi được điều đó”, ông Schneider nói.

Bên cạnh tỷ lệ tiêm chủng tương đối thấp so với khu vực Tây Âu, các nhân viên y tế ở Đức cũng phàn nàn rằng chính phủ cần làm nhiều hơn nữa để nâng cao năng lực khám chữa bệnh của họ.

Theo tạp chí Spiegel, hiện chỉ có 1/4 bệnh viện ở Đức có thể duy trì dịch vụ chăm sóc đặc biệt thường xuyên. Nhiều bệnh viện nói rằng họ đang thiếu nhân lực được đào tạo để thực hiện nhiệm vụ này.

Bên cạnh đó, ngành y tế Đức còn đối mặt với nhiều vấn đề đã có từ lâu, ngay cả trước khi đại dịch chưa bùng phát. Lương thấp và những căng thẳng trong quá trình chống dịch đã khiến nhiều người làm trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bỏ việc. Bác sĩ Schneider lưu ý rằng số lượng nhân viên y tế ở Đức hiện nay thấp hơn so với đợt bùng phát dịch đầu tiên./.