Liên quan đến vụ 8 nạn nhân tử vong khi chạy thận, vừa qua Công an tỉnh Hòa Bình đã ra quyết định khởi tố vụ án và bắt tạm giam 3 người, trong đó có bác sỹ Hoàng Công Lương, khoa Hồi sức tích cực - Đơn nguyên thận nhân tạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.
Quyết định này nhanh chóng gây sự chú ý đặc biệt trong dư luận, liên tiếp sau đó, Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam cùng các chuyên gia đầu ngành và lâu năm trong ngành y tế đã ký đơn kiến nghị gửi lên Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Công an về việc khởi tố, bắt giam bác sỹ Hoàng Công Lương là không thỏa đáng và gây hoang mang cực độ cho nhân viên y tế.
Bác sĩ Hoàng Công Lương bị Cơ quan CSĐT khởi tố về hành vi vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác. Ảnh: PV
Mới đây, bà Vũ Thị Thủy (Lương Sơn, Hòa Bình, vợ ông Đỗ Quang Năng, bệnh nhân từng chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình) đã có đơn gửi tới Công an tỉnh, TAND và VKSND tỉnh Hòa Bình chia sẻ về sự việc.
Trong đơn, bà Thủy nêu rõ: “Bác sĩ Lương đã quan tâm, chăm sóc, coi bệnh nhân như người nhà của mình. Chúng tôi mong các cơ quan chức năng điều tra vụ việc một cách công minh và cho bác sĩ Lương được tại ngoại, tiếp tục công việc cứu chữa bệnh nhân và chăm sóc bệnh nhân”.
Bà Thủy kể, ngày 21/9/2016, ông Năng đột ngột trở bệnh lâm vào tình trạng nguy kịch, gia đình phải đưa tới bệnh viện huyện Lương Sơn cấp cứu. Tuy nhiên, do bệnh nặng nên ông Năng được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cấp cứu.
Tại đây, chồng bà Thủy được chỉ định vào cấp cứu tại khoa cấp cứu hồi sức tích cực. Trong 6 ngày nằm tại khoa, chồng bà Thủy trong tình trạng nguy kịch, hôn mê sâu.
Tuy nhiên, nhờ có sự chăm sóc tận tình của bác sĩ Lương và đội ngũ y bác sĩ bệnh viện nên bệnh tình của chồng bà Thủy tiến triển tốt, tinh thần phấn chấn hơn.
Đơn kiến nghị của bà Vũ Thị Thủy, vợ bệnh nhân Đỗ Quang Năng. Ảnh: PV
"Trong thời gian này, tôi có thời gian dài tiếp xúc với bác sĩ Lương. Tôi cảm nhận tình cảm bác sĩ Lương cùng các y, bác sĩ ở bệnh viện dành cho các bệnh nhân chạy thận như người thân thiết. Có lúc chồng tôi nguy kịch, hôn mê sâu nhưng bác sĩ thăm khám rất tận tình, rồi hướng dẫn điều trị rất chu đáo.
Do đó, sự cố vừa qua cũng chỉ là ngoài mong muốn nên chúng tôi mong các cơ quan chức năng xem xét, giảm nhẹ hình phạt với bác sĩ", bà Thủy đề nghị.
Bệnh nhân Trần Văn Quang (SN 1966, TP.Hòa Bình, 1 trong 10 nạn nhân sống sóng sau sự cố chạy thận tại Bệnh viện đa khoa Hòa Bình) cũng xác nhận, ông đã cùng nhiều bệnh nhân, người nhà ký đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho bác sĩ Lương.
Ông Quang cho hay, bác sĩ Lương đã tận tâm chăm sóc các bệnh nhân và cứu chữa kịp thời, giúp nhiều bệnh nhân sống sót sau sự cố y khoa vừa qua nên cá nhân ông cùng các bệnh nhân, người nhà mong cơ quan chức năng sẽ xem xét khách quan, chính xác trách nhiệm từng người.
Nếu bác sĩ Lương có trách nhiệm thì đề nghị các cơ quan chức năng giảm nhẹ hình phạt cho bác sĩ.
Nhiều bệnh nhân và người nhà ký đơn kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét, giảm nhẹ hình phạt với bác sĩ Lương. Ảnh: PV
Ở diễn biến liên quan, trong đơn kiến nghị gửi tới Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, GS Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam cho rằng: Sự cố xảy ra tại đơn vị Thận nhân tạo thuộc Khoa hồi sức cấp cứu - chống độc bệnh viện đa khoa Hòa Bình làm 8 người bệnh tử vong và buộc phải chuyển hơn trăm bệnh nhân lọc máu đi nơi khác là rất nghiêm trọng.
Kết quả điều tra của cơ quan công an cho thấy nguyên nhân tử vong của các bệnh nhân là do nhiễm độc các hóa chất tồn dư trong hệ thống máy lọc nước dẫn vào máy lọc thận.
GS Bình cũng nhấn mạnh, khi sự cố xảy ra, bác sĩ Lương, các đồng nghiệp đã làm việc hết mình, xử trí nhanh và chính xác, cấp cứu kịp thời 18 bệnh nhân khi chờ đồng nghiệp tới trợ giúp nên đã làm giảm thiểu số bệnh nhân tử vong.
"Chúng tôi đánh giá rất cao tinh thần, trách nhiệm cũng như chuyên môn trong tình huống này bởi đây là tình huống chưa từng có trên thế giới. Như vậy, lẽ ra bác sĩ Lương và đồng nghiệp phải được động viên, khen thưởng thì lại bị coi là tội phạm thì không thỏa đáng, gây hoang mang cho đồng nghiệp chúng tôi.
Chúng tôi mong Bộ trưởng Bộ Công an quan tâm, chỉ đạo để có điều tra, kết luận khách quan, tránh oan sai để nhân viên y tế yên tâm phục vụ người bệnh", Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam kiến nghị.
GS.TS Nguyễn Thanh Liêm – Nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương
Mấy hôm nay hình ảnh bác sỹ Hoàng Công Lương bị áp tải giữa hai chiến sỹ công an cứ nhói mãi trong tim tôi. Khuôn mặt khôi ngô, phúc hậu có chút gì đó ngơ ngác của em làm dấy lên câu hỏi của rất rất nhiều cán bộ ngành Y tế: Tại sao em bị bắt?
Tôi thực sự không có đủ hết thông tin nhưng qua phân tích của các đồng nghiệp chuyên ngành hồi sức cho thấy em không có tội.
(…) Những người có trách nhiệm chắc đang vô cùng cân nhắc, đắn đo khi kí quyết định điều trị, quyết định phẫu thuật cho người bệnh.
Để đảm bảo an toàn cho thầy thuốc, các bệnh nhân nặng có thể sẽ được chuyển lên tuyến trên thay vì điều trị tại chỗ mặc dù tình trạng bệnh nhân có thể xấu đi trên đường vận chuyển, các thầy thuốc có thể sẽ né tránh những bệnh nhân nặng nhiều rủi ro…
Những phẫu thuật tạm thời nhưng an toàn cho thầy thuốc có thể sẽ được sử dụng thay cho các phẫu thuật triệt để quá nhiều nguy cơ…
Cần làm đúng quy trình nhưng trong ngành y đôi khi cũng phải linh hoạt.
Điều gì có thể xảy ra nếu bác sỹ ngoại chung có thể từ chối phẫu thuật cho một bệnh nhi 15, 16 tuổi bị viêm ruột thừa hoặc chấn thương bụng đang chảy máu cấp chỉ vì không có chứng chỉ hành nghề Ngoại Nhi hoặc không được cấp đặc quyền làm phẫu thuật Nhi?
Tính mạng người bệnh quan trọng hơn cả quy trình. Mong các cơ quan pháp luật sẽ có một cái nhìn thấu tình hợp lí trong việc xử lí bác sỹ Lương, để không ảnh hưởng đến tinh thần nhiệt huyết của nhiều cán bộ y tế cũng như sức khỏe của nhiều người bệnh…
Võ Thu (lược ghi)