Bệnh lạ ‘Người đẹp ngủ’: Nữ sinh ngủ li bì 22 tiếng/ngày, lỡ cả kì thi nên mãi không được lên lớp

Đ.L, Theo Helino 08:07 25/03/2019

Cô gái cho biết mọi người thường chỉ trích mình lười biếng, nhưng họ không hiểu cô đang đối mặt với căn bệnh lạ khổ sở như thế nào.

Rhoda Rodriguez-Diaz, 21 tuổi, là sinh viên tâm lí học ở thành phố Leicester, Anh. Cô có thể ngủ đến 22 tiếng/ngày, lần ngủ dài nhất kéo dài đến 3 tuần. Trong thời gian này, Rhoda tự bước đi như người mộng du để nạp vào các loại thức ăn kém dinh dưỡng, uống nước và đi vệ sinh. Tình hình này khiến tâm trạng và chỉ số cân nặng của cô luôn bất ổn. Từ nhỏ, cô được chẩn đoán mắc chứng tăng cường ngủ (hyperinsomnia) nhưng hóa ra bác sĩ đã lầm.

Rhoda có thể ngủ đến 22h/ngày vì chứng bệnh "Người đẹp ngủ". Nó gây ra vô số phiền toái trong cuộc sống (Ảnh: SWNS)

Rhoda cho biết từ tháng 2 - 7/2018, do thường xuyên ngủ quên ngày giờ, bỏ lỡ quá nhiều kì thi nên đã bị đánh rớt, không được lên năm 3 đại học. Lúc này, cô mới đi khám tổng quát lần nữa và nhận thông báo sốc từ bác sĩ. Rhoda được chẩn đoán mắc phải hội chứng "Người đẹp ngủ" hiếm gặp với tỷ lệ là 1 trên 1 triệu người.

Hội chứng "Người đẹp ngủ" có tên khoa học là Hội chứng Kleine-Levin (KLS), là một hiện tượng rối loạn thần kinh về giấc ngủ và ăn uống. Mắc chứng bệnh này, bệnh nhân thường ngủ li bì cả ngày lẫn đêm, mỗi lần thức dậy chỉ để ăn và đi vào phòng tắm. Hiện nguyên lý phát bệnh này vẫn chưa rõ, đồng thời cũng chưa có phương pháp trị liệu hiệu quả, song căn bệnh có thể tự mất sau 8-12 năm.

Nữ sinh ngủ 22 tiếng/ngày, quên cả giờ thi vì hội chứng người đẹp ngủ kì lạ - Ảnh 3.

Căn bệnh kì lạ thường được gọi là Hội chứng "Người đẹp ngủ", lấy tên từ 1 tác phẩm truyện cổ tích

Căn bệnh khiến Rhoda vô cùng khổ sở. Cô kể: "Tôi cảm thấy rất phiền khi ai cũng nghĩ mình lười biếng, nhưng tôi không thể làm gì với căn bệnh này. Nó chỉ là 1 phần chứ không phải toàn bộ con người tôi. Dù vậy, vì nó quá hiếm gặp nên mọi người chẳng thể hiểu được".

Rhoda có thể trải qua "đợt ngủ" bình thường suốt cả tháng trời, nhưng rồi căn bệnh lại bộc phát và đánh gục cô.

"Cuộc sống vẫn tiếp tục khi tôi ngủ. Đó là điều tai hại nhất của bệnh này. Ngay từ hồi 3, 4 tuổi, tôi luôn cảm thấy mình không có đủ thời gian cho mọi thứ, ngay cả việc đi chơi với bạn bè cũng không thể thỏa mãn vì phải trải qua những giấc ngủ dài khó chịu" - nữ sinh cho biết.

Đến 21 tuổi, cô gái mới phát hiện bản thân mang căn bệnh cực hiếm.

Dù vậy, từ tháng 9 năm ngoái, khi biết chính xác bệnh hiếm mà mình gặp phải, nữ sinh 21 tuổi quyết định sẽ đương đầu với nó. Rhoda lên kế hoạch sẵn sàng và báo cho người thân khi cô cảm thấy bị giấc ngủ dài "rù quến". Đồng thời, cô gái cố trấn tĩnh lại và nhờ bạn bè cập nhật lại tình hình đã xảy ra khi cô ngủ li bì.

Thường thì bạn bè của Rhoda có thể biết lúc nào cô đang trải qua giai đoạn khó khăn, vì lúc ấy, cô gái sẽ mệt mỏi gắt gỏng hơn bình thường - một triệu chứng quen thuộc của bệnh.

Về phía nhà trường, họ thông cảm cho phép Rhoda học lại năm thứ 2, vì việc không đến lớp là do căn bệnh bất khả kháng. Dù vậy, chặng đường phía trước quả thật lắm gian nan khi Rhoda đã trễ mất 1 năm rồi.

(Theo Daily Mail)