Bé sơ sinh 3 ngày tuổi là F1 đang cách ly tập trung: Nên hay không?

Ngọc Anh, Theo Doanh nghiệp và tiếp thị 12:20 27/05/2021

Theo cô giáo Đinh Hằng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Song Mai, xã Song Mai, TP. Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang hiện cơ sở cách ly của trường có bé gái sơ sinh trú tại xóm Bình An, xã Tân Tiến, TP. Bắc Giang mới chỉ 3 ngày tuổi.

Trước đó, sáng 25/5, bé được bác gái đưa vào khu cách ly tập trung đặt tại Trường Tiểu học Song Mai. Bé vừa mới sinh được 3 ngày tuổi, chưa kịp đặt tên, nên các bác sĩ trong khu cách ly gọi cháu là "bé F1".

Mẹ bé là F0, hiện được cách ly điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Bố bị ung thư đại tràng, đang chờ mổ tại Bệnh viện K. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, đang cố chạy vạy tiền bạc. Bé có một người anh trai 2 tuổi, đang cách ly tại nhà cùng người cụ năm nay đã 80 tuổi.

Theo BS Trương Hữu Khanh - Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, trường hợp này mẹ bé là F0. Cần xem xét thời gian bé ở với mẹ trong bao lâu và thời điểm có khả năng lây nhiễm cao không. Nếu bé là F1 tiếp xúc với mẹ thời gian có triệu chứng gây bệnh thì khả năng nguy cơ bé nhiễm Covid-19 cũng cao hơn.

Hiện tại, dịch bệnh phức tạp có thể phía bên BV Đa khoa tỉnh e dè việc bé ở lại cùng mẹ có nguy cơ lây chéo cao hơn nên chuyển bé ra khu cách ly tập trung.

Trường hợp này nếu nhà riêng không đủ điều kiện cách ly y tế thì khu cách ly tập trung có thể bố trí cho bé và người trông bé 1 khu vực cách ly riêng đảm bảo cho sinh hoạt cần thiết cho 1 bé sơ sinh.

Bé sơ sinh 3 ngày tuổi là F1 đang cách ly tập trung: Nên hay không? - Ảnh 1.

Cháu bé được đưa vào khu cách ly tập trung

Lãnh đạo UBND xã Tân Tiến, TP. Bắc Giang cho biết thêm, mẹ cháu bé 3 ngày tuổi là công nhân, trước đó được xác định là F1, sau chuyển thành F0 và đang được đưa đi cách ly, điều trị.

"Chúng tôi đang xin ý kiến lãnh đạo thành phố sẽ đưa cháu bé 3 ngày tuổi này về nhà cháu để chăm sóc, vì cháu còn quá bé".

Theo quy định của Bộ Y tế tại việc cách ly đối với trẻ dưới 5 tuổi: thực hiện cách ly y tế tại nhà riêng khi đảm bảo đủ các yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19.

Trước cửa nhà có biển cảnh báo nền đỏ, chữ vàng: "ĐỊA ĐIỂM CÁCH LY Y TẾ PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19".

Phải có phòng cách ly riêng, khép kín và tách biệt với khu sinh hoạt chung của gia đình. Nếu nhà có nhiều tầng thì sử dụng một tầng riêng biệt để thực hiện cách ly y tế. Trong nhà vệ sinh phải có xà phòng rửa tay, nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay có chứa ít nhất 60% cồn.

Phòng cách ly phải được vệ sinh khử khuẩn sạch sẽ, đảm bảo thông thoáng khí, tốt nhất nên thường xuyên mở cửa sổ, hạn chế dùng điều hòa (nếu dùng thì để nhiệt độ trên 26°C và tăng cường thông gió), không dùng điều hòa trung tâm, hạn chế các đồ đạc vật dụng trong phòng.

Trong và ngoài cửa phòng cách ly có thùng đựng rác màu vàng có nắp đậy, có đạp chân và có lót túi đựng chất thải lây nhiễm, có dán nhãn "CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-CoV-2".

Bắt buộc phải có người khỏe mạnh chăm sóc và giám sát trẻ trong suốt thời gian thực hiện việc cách ly.

Không ra khỏi phòng cách ly, không tiếp xúc với người trong gia đình cũng như những người khác. Không tiếp xúc với động vật nuôi. Được bố trí suất ăn riêng.

Hướng dẫn cho trẻ và bản thân thực hiện nghiêm các biện pháp vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay...

Thực hiện vệ sinh môi trường, khử khuẩn tối thiểu 2 lần/ngày tại các vị trí: Sàn nhà, sàn khu vệ sinh và bề mặt thường xuyên tiếp xúc như bàn, ghế, thành giường, tủ quần áo, tủ lạnh, tay nắm cửa, bồn cầu, lavabo, vòi nước,...

Phải làm sạch bề mặt, đồ dùng, vật dụng trước khi tiến hành khử khuẩn. Người chăm sóc trẻ phải được hướng dẫn thực hiện và đeo khẩu trang, găng tay khi thực hiện làm sạch, khử khuẩn bề mặt môi trường.

Dung dịch làm sạch và khử trùng bằng chất tẩy rửa thông thường và cồn 70 độ. Thường xuyên sử dụng cồn 70 độ để lau bề mặt các thiết bị điện, điện tử như công tắc đèn, điều khiển ti vi, điện thoại,... Trước khi lau phải tắt nguồn điện.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày