Câu chuyện được chính người mẹ có tên Hy Hoa (35 tuổi, ở Tân Cương, Trung Quốc) đăng tải lên mạng xã hội Xiaohongshu. Tiêu đề “Sai lầm với con” ngay lập tức thu hút đông đảo sự quan tâm từ netizen.
Người phụ nữ mở đầu: “Hôm đó là thứ 3, khi đang ở nhà xếp đồ đạc và làm nốt vài việc còn dang dở, tôi bất ngờ nhận được cuộc gọi từ cô giáo của An Long (5 tuổi), báo muốn mời tôi lên trường để trao đổi về tình hình học tập của học sinh. Tôi lặng đi một lúc vì không hiểu đã có chuyện gì xảy ra với con trai vì nó là đứa rất ngoan, hiểu chuyện, đi học chưa bao giờ khiến bố mẹ phiền lòng”.
Cậu bé 5 tuổi cứ đến giờ ăn là khóc to, nhịn ăn. Ảnh minh họa.
Thế rồi, đúng 5h chiều đến đón con, Hy Hoa cùng con lên phòng gặp cô giáo. “Cô giáo nói rằng đã 3 ngày nay con trai tôi không chịu ăn cơm, dù có những ôm bụng kêu òng ọc. Thậm chí, khi cô giáo nịnh, thúc ép để ăn thì bé lại khóc thật to, lấy tay đẩy đi. Bé cũng không có biểu hiện của ốm hay gặp vấn đề gì về sức khỏe. Cô giáo có hỏi lý do thì bé không nói. Đây thật sự là điều bất thường vì An Long trước đó đều tự ăn rất ngoan.
Cô giáo còn nói thêm rằng định trao đổi vấn đề này với phụ huynh qua điện thoại song theo quan sát khoảng 1 tuần trở lại đây thấy bé trầm hẳn đi, không ra chơi cùng các bạn nữa, nghi ngờ bé đang gặp vấn đề về tâm lý hoặc sức khỏe”, Hy Hoa nhớ lại lời cô giáo.
Lúc này chính Hy Hoa cũng hoang mang không hiểu chuyện gì xảy ra bởi thấy ở nhà con vẫn rất ngoan, thậm chí ăn rất giỏi. Những ngày vừa qua, sức khỏe con trai của cô cũng bình thường, không bị ốm,... “Lúc đó tôi đã chuyển sang hoài nghi về thực đơn bữa trưa ở trường hoặc có ai đó đe dọa con không. Nhưng cô giáo nói rằng cơm trưa vẫn nấu như thường lệ, đó đều là các món quen thuộc và bé đã ăn rất nhiều lần rồi. Ở trường An Long cũng nổi tiếng hòa đồng, hoạt bát nên càng không có chuyện gặp vấn đề với bạn bè ở trường”, người phụ nữ chia sẻ.
Cả cô và phụ huynh đều loay hoay mãi không tìm được đáp án nên đã quyết định sẽ hỏi An Long. Cậu bé ban đầu ngập ngừng, nói rằng con không đói nhưng sau đó lại bật khóc và thú nhận: “Con không ăn nhiều đâu, con không ăn trưa cũng được, mẹ đừng bỏ con nha”.
Những lời của đứa con trai nhỏ như “cứa” vào tim Hy Hoa. Cô nhận ra bản thân sai quá, không làm tròn nghĩa vụ của một người mẹ, làm con trai phải đau lòng như vậy. Hóa ra Hy Hoa là một bà mẹ 2 con, An Long là cậu con trai út, tuy nhiên cô và chồng đang có ý định ly hôn. Trong lúc bàn bạc chuyện phân chia tài sản và ai sẽ nuôi con, An Long đã vô tình nghe được. Điều này khiến cậu bé lo lắng, đến mức không dám ăn trưa, buổi tối ở nhà cũng ăn rất ít.
“Tôi tàn ác quá phải không cô giáo. Tôi tính sẽ để lại các con cho bố nó nuôi, còn tôi sẵn sàng ra đi tay trắng. Lúc cãi nhau, tôi cũng vô tình buông ra câu ‘tôi không có tiền cho chúng nó ăn cơm đâu’. Chắc An Long nghe được nên con mới không dám ăn. Ở nhà, nó quấn tôi nhiều hơn. Mấy hôm nay con cũng luôn nói với tôi là muốn đi theo mẹ. Thậm chí hôm nay khi đi học nó còn hỏi tôi là mẹ có ở nhà nữa không, cứ lo mẹ không đến đón nữa…”, Hy Hoa nói.
Vợ chồng cãi nhau làm ảnh hưởng tới con cái. Ảnh minh họa.
Nói đến đây Hy Hoa bật khóc chia sẻ thêm rằng nhiều năm qua cô chỉ ở nhà nội trợ, ông chồng gia trưởng, cả hai nhiều lần bất hòa nên quyết định “đường ai nấy đi”. Cô không phải không thương con mà vì rất thương nên mới quyết định để con ở lại cho bố nuôi, không muốn con đi cùng mình để chịu khổ.
“Ly hôn chồng xong tôi tính đi đến thành phố khác thuê 1 phòng trọ nhỏ để ở, sau đó xin việc làm. Nhiều năm qua tôi không đi làm, nên cũng chẳng có nhiều tiền tích trữ. Chồng tôi anh ấy có công việc ổn định và thương con lắm, nên tôi cũng rất yên tâm”, Hy Hoa chia sẻ thêm.
Cô không ngờ điều này vô tình khiến con tổn thương, trở thành một vết sẹo tâm lý trong lòng con.
“Hai mẹ con tôi ôm nhau khóc”, Hy Hoa nhớ lại.
Cô giáo thấy thế cũng xúc động vô cùng nên liền khuyên phụ huynh nên suy nghĩ kỹ trước khi đưa ra quyết định, trách để lại “vết thương tinh thần” cho con.
“Đôi lúc chúng ta nghĩ điều đó là tốt cho con nhưng cũng không hẳn là như vậy. Đi đến cùng, điều những đứa trẻ cần nhất là tình yêu thương của bố mẹ. Đừng để chuyện của người lớn làm con cái đau lòng”, một netizen bình luận.
Đừng để những đứa trẻ phải rơi nước mắt vì sai lầm của bố mẹ. Ảnh minh họa.
Theo tờ Sohu, con cái đã vô tình trở thành nạn nhân khi bố mẹ ly hôn. Ly hôn không sai nhưng nếu ly hôn mà để những đứa trẻ gánh hậu quả khi đó là một cái tội. Thế nên, bên dưới bài đăng, nhiều người khuyên Hy Hoa nên đưa ra giải pháp thích hợp, cân nhắc trên nguyện vọng của con hoặc giải thích để con hiểu.
“Không phải khuyên là đừng ly hôn vì bản chất con cái sống trong gia đình bố mẹ không hạnh phúc nó cũng không thể vui vẻ nổi. Nhưng, ly hôn cũng đừng bỏ rơi con cái, để con cái chịu tổn thương. Con của bạn xứng đáng với những điều tốt hơn và bạn cũng phải có trách nhiệm với nó, vì bạn là người đưa nó đến với thế giới này mà”, một bình luận của netizen thu hút lượng tương tác cao.