Khi đó bé Đ.H.A (8 tuổi) cùng nhóm bạn đang chơi ở sân chung cư thì bất ngờ một vật cứng (giống với bát đĩa sứ) từ căn hộ trên cao rơi trúng đầu. Cháu bé sau đó bị chảy nhiều máu ở vùng đầu và có dấu hiệu hoảng loạn.
Anh Đặng Xuân Trịnh chia sẻ: "Tình hình sức khỏe của con gái tôi vẫn chưa được bình phục. Tâm lý thì hoảng loạn”.
“Lúc đó tôi thật sự hốt hoảng. Chân tay bủn rủn bởi nhìn thấy con đầu đầy máu. Lúc đó tôi chỉ biết bế con đi cấp cứu”.
Sau khi bị thương khoảng 4 ngày, bé Đ.H.A có biểu hiện đau đầu, buồn nôn, anh Trịnh đã cho con đi khám. Kết quả cho thấy bé đã bị lõm hộp sọ khoảng 7 mm.
Bố bé gái cũng cho biết đây không phải là lần đầu tiên có các đồ vật từ căn hộ cao rơi xuống đất. “Nhiều khi là cái thớt, dao chặt thịt, kéo hay các vật như bỉm, sữa…”, anh Đặng Xuân Trịnh cho biết.
Đại diện chung cư Gelexia Riverside Yên Sở (quận Hoàng Mai, Hà Nội) xác nhận sự việc trên xảy ra ngày 13/9 vừa qua. Hiện tại đơn vị đang phối hợp với chính quyền địa phương để xử lý vấn đề này và xây dựng các biện pháp để đảm bảo an toàn cho cư dân.
Theo luật sư Nguyễn Văn Nam - Đoàn luật sư TP.Hà Nội, ném đồ từ tầng cao chung cư là hành vi nghiêm cấm trong việc sử dụng nhà chung cư theo quy định tại khoản 3 Điều 2 phụ lục 1 Thông tư 02/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng ban hành Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư.
Người thực hiện hành vi làm rơi đồ từ nhà chung cư cao tầng xuống đất mà có tính chất "cố tình" ném chất thải, chất bẩn vào người khác thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm e khoản 4 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP. Người thực hiện hành vi có thể bị phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng.
Nếu cố tình ném/vứt đồ vật từ ban công/cửa sổ xuống đất mà làm tổn hại sức khỏe cho người khác từ 11% trở lên thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về "Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác" theo quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Trường hợp vô tình làm rơi đồ vật mà gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% thì cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 138 Bộ luật Hình sự 2015 về "Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác".
Trong trường hợp xấu hơn là làm chết người thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về "Tội giết người" theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015 hoặc "Tội vô ý làm chết người" Điều 128 Bộ luật Hình sự 2015, và việc truy cứu theo tội danh nào còn phải tùy thuộc vào tính chất và mức độ của hành vi đó và đặc biệt theo ý thức chủ quan của người ném đồ.
Ngoài ra, người thực hiện hành vi này còn có trách nhiệm, nghĩa vụ bồi thường toàn bộ các thiệt hại do hành vi của mình gây ra theo các quy định của Bộ luật dân sự nếu làm ảnh hưởng đến tài sản, sức khỏe, tính mạng của người khác.