Những năm đầu của giai đoạn tiểu học là bước đệm quan trọng giúp trẻ làm quen với môi trường học tập. Tuy nhiên, đây cũng là độ tuổi mà trẻ còn ngây thơ, chưa đủ khả năng tự bảo vệ. Do đó, sự quan tâm sát sao của cha mẹ với trẻ là rất quan trọng, nếu bạn không muốn con rơi vào những trường hợp đáng tiếc.
Mới đây, một vụ việc xảy ra tại Trung Quốc đã khiến nhiều người dân nước này rất bất bình. Theo đó, một bà mẹ chia sẻ về con gái 7 tuổi đang theo học tại trường tiểu học gần nhà. Do bận rộn với công việc, vợ chồng cô ít dành thời gian cho con. Tuy nhiên, gần đây, cô nhận thấy sự thay đổi bất thường từ con gái.
Mỗi lần đi học về, bé gái đều đóng cửa phòng, không muốn ai động vào người, thậm chí cả khi đi tắm. Mặc dù cha mẹ hỏi han, bé vẫn im lặng, tỏ ra lo lắng. Cảm thấy bất an, người mẹ quyết định quan sát con kỹ hơn. Cô nhận thấy con không còn vui vẻ, hoạt bát như trước. Đặc biệt, con trở nên sợ sệt mỗi khi nhắc đến việc đi học. Điều này khiến cô vô cùng lo lắng.
Ảnh minh hoạ
Một buổi tối, sau khi con đã ngủ say, người mẹ lặng lẽ mở cặp sách. Bên trong, cô tình cờ phát hiện một cuốn nhật ký nhỏ xinh của con gái. Khi mở ra, những dòng chữ nguệch ngoạc cùng những bức tranh con gái đã khiến cô bàng hoàng. Trong nhật ký, bé kể lại việc bị các cô giáo đánh vì nhiều lý do như hay lơ đãng, không tập trung làm bài. Điều đáng sợ hơn, các cô giáo còn đe dọa con gái và các bạn học khác không được kể với bố mẹ.
Cũng vì những điều gặp phải ở trường mà con gái đã tránh bố mẹ để không ai phát hiện những vết đánh trên người. Khi nhận ra điều này, người mẹ đã không cầm được nước mắt. Cô cảm thấy hối hận vì đã không dành nhiều thời gian cho con, không sớm phát hiện ra những dấu hiệu bất thường. Ngay sáng hôm sau, cô đã liên hệ với các phụ huynh khác để thu thập chứng cứ và ý kiến của các con. Sau đó, họ sẽ tố giác hành vi này của giáo viên tiểu học tới hiệu trưởng và các đơn vị có liên quan.
Trẻ em ở độ tuổi tiểu học rất nhạy cảm và mong manh, nhưng lại chưa đủ khả năng diễn đạt hết những điều chúng trải qua. Vì vậy, khi con gặp vấn đề ở trường, thay vì nói ra, trẻ thường thể hiện qua hành vi và cảm xúc. Cha mẹ cần đặc biệt quan tâm để nhận ra những tín hiệu bất thường, bởi đôi khi, một sự thay đổi nhỏ cũng có thể là dấu hiệu của sự tổn thương sâu sắc.
Nếu con bạn đột nhiên trở nên trầm lặng, không còn hào hứng với việc đi học, thường xuyên viện cớ để ở nhà hoặc tỏ ra sợ hãi khi nhắc đến cô giáo, đó có thể là dấu hiệu cảnh báo nghiêm trọng. Một đứa trẻ từng vui vẻ, năng động bỗng trở nên khép kín, ít nói, không còn thích thú với những trò chơi quen thuộc, đó có thể là biểu hiện của sự lo lắng và sợ hãi.
Đặc biệt, nếu trẻ có phản ứng giật mình khi có ai đó chạm vào, hoặc đột nhiên phản đối những thói quen bình thường như đi tắm hay thay quần áo trước mặt bố mẹ, rất có thể con đang cố gắng che giấu điều gì đó.
Ảnh minh hoạ
Cha mẹ cần đặc biệt chú ý đến những vết bầm tím, trầy xước trên cơ thể con mà không có lời giải thích rõ ràng. Nếu bạn hỏi con về những vết thương này và bé có thái độ lảng tránh, im lặng hoặc tỏ ra sợ hãi, đây có thể là dấu hiệu của bạo hành.
Một số trẻ còn có xu hướng không muốn thay quần áo trước mặt bố mẹ hoặc từ chối đi tắm để giấu đi vết thương. Những vết thương nhỏ, lặp đi lặp lại, dù không nghiêm trọng nhưng cũng có thể là lời cảnh báo rằng trẻ đang chịu đựng điều gì đó mà chưa thể nói ra.
Nếu trẻ đột nhiên biếng ăn, mất ngủ, hay giật mình trong đêm, thường xuyên cáu gắt hoặc quấy khóc không rõ lý do, cha mẹ không nên chủ quan. Đặc biệt, nếu con bạn tỏ ra sợ hãi khi đi vệ sinh hoặc tránh né những góc khuất trong lớp học, đó có thể là những dấu hiệu cho thấy con đang chịu áp lực hoặc tổn thương tinh thần nghiêm trọng. Một số trẻ còn có biểu hiện rối loạn tiêu hóa, đau bụng, nôn mửa không rõ nguyên nhân, điều này có thể liên quan đến căng thẳng tâm lý mà bé đang phải chịu đựng.
Theo Sohu