Bạn hẳn sẽ rất bất ngờ khi rất nhiều thứ vật dụng thông thường xung quanh bạn có nguồn gốc từ hàng nghìn năm trước. Chúng là phát minh của những người Ai Cập, Hy Lạp, La Mã cổ đại, cũng như nhiều nền văn minh khác đã tuyệt diệt từ lâu. Đó là những ý tưởng mang tính chất cách mạng, góp phần thay đổi hoàn toàn cuộc sống của những nền văn minh cổ xưa ấy, cũng như cuộc sống của con người hiện đại. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu xem đó là những phát minh gì qua bài viết dưới đây.
Giấy
Giấy đã ra đời từ khoảng những năm 3000TCN, khi người Ai Cập cổ đại phát minh ra công nghệ chế tác giấy từ cây papyrus, một loại cây rất phổ biến dọc lưu vực sông Nile.
Những dải gỗ dài được cuốn cùng nhau, sau đó được nén chặt để tạo ra thớ giấy tuy mỏng nhưng khá bền. Người Ai Cập cổ đại cũng đã phát minh ra bút từ ngọn cây, và mực từ các vật liệu hữu cơ khác.
Và những phát minh ấy vẫn bền vững cho đến tận ngày nay, khi nhiều văn bản của người Ai Cập cổ đại hầu như vẫn được bảo quản nguyên vẹn qua hơn 5000 năm lịch sử.
Chính quyền dân chủ
Từ khóa “dân chủ” xuất phát từ một từ Hy Lạp cổ đại “demokratia”, có nghĩa “người dân làm chủ”. Khái niệm này được hình thành vào năm 507 TCN, và cha đẻ của nó là Cleisthenes - người thống lĩnh thành phố Athens, Hy Lạp. Mô hình chính phủ này bao gồm ba bộ phận riêng biệt: Hội đồng lập pháp, Hội đồng hành pháp và Tòa án.
Tuy nhiên, trên thực tế, chỉ một phần nhỏ cư dân Athen được tham dự vào nền dân chủ sơ khai này. Độ tuổi ứng cử cũng như bỏ phiếu bị giới hạn chỉ ở các nam giới trên 18 tuổi. Nô lệ và nữ giới hoàn toàn không có quyền can thiệp vào các chính sách của nhà nước.
Tuy chỉ tồn tại trong khoảng thời gian ngắn ngủi cho đến năm 460 TCN, nhưng ý tưởng về nền dân chủ cũng như cách thức vận hành của bộ máy nhà nước dân chủ này đã trở thành tiền đề cho nhiều chính phủ và chính trị gia tiếp tục duy trì đường lối tự do dân chủ ngày nay.
Xi măng
Vật liệu xây dựng này thực ra đã có mặt từ cách đây 2100 năm, dưới thời kỳ La Mã cổ đại. Người La Mã cổ đại trộn đá vôi với tro núi lửa để tạo ra một loại vữa, sau đó dùng hỗn hợp này đệm giữa các lớp gạch để từ đó tạo ra vô số các công trình kiến trúc vĩ đại.
Công thức xi măng cổ đại này, mặc dù được đánh giá là yếu hơn so với hợp chất xi măng hiện đại, nhưng lại bền vững hơn rất nhiều. Bằng chứng là các công trình La Mã cổ đại vẫn tồn tại gần như y nguyên cho tới ngày nay, mặc cho sự tàn phá của hàng nghìn năm lịch sử.
Báo chí
Khái niệm “Acta Diurna”, có nghĩa tin vắn hàng ngày, đã xuất hiện từ khoảng năm 131 TCN, như một loại hình cung cấp các thông tin chính trị và xã hội cho cư dân La Mã cổ đại. Các thông tin về các sự kiện như chiến thắng quân sự, lịch thi đấu ở các võ đài hay các loại tin vắn khác, được khắc trên kim loại hoặc đá, và trưng bày tại những nơi đông người qua lại.
Dưới thời kỳ Julius Ceasar, loại hình báo chí cổ xưa này bắt đầu cung cấp cả những thông tin trong hội đồng chính trị quốc gia. Acta Diurna tiếp tục tồn tại cho tới tận hậu thời kỳ đế chế La Mã, và nó được coi như là nguồn gốc của báo chí hiện đại.
Số 0
Với vai trò không thể thay thế trong toán học, số 0 dường như là nền móng cho tất cả những công nghệ tân tiến mà loài người sở hữu hiện nay. Khởi nguồn từ khoảng năm 300 TCN, người Babylon khi đó bắt đầu áp dụng hệ đếm của vùng Lưỡng Hà và bắt đầu có khái niệm về số 0. Hơn 600 năm sau, người Maya cũng bắt đầu sử dụng số 0 một cách độc lập, nhưng cũng như người Babylon, họ vẫn chưa đưa số 0 vào trong những tính toán hay các phương trình toán học của mình.
Mãi cho tới thế kỷ thứ 7, khái niệm về số 0 mới trở nên hoàn chỉnh, khi nhà toán học người Hindu Brahmagupta trình bày các quy tắc về sử dụng số 0 trong các phương trình toán học. Lúc này, số 0 mới được nhìn nhận với tư cách số học, thay vì chỉ biểu hiện cho sự vắng mặt như cái cách mà người Babylon và người Maya vẫn dùng.
Tham khảo: History