Đã qua rồi cái thời khán giả nhắc đến phim truyền hình Việt Nam với thái độ vô cùng hoài nghi, thậm chí là lạnh nhạt, qua luôn cái thời ngồi trước TV để chờ đón một bộ phim là "rỗi hơi" vì rảnh đâu mà xem phim Việt. Hơn 2 năm trở lại đây, chính xác là kể từ sau hai cú hit mang tên Người Phán Xử và Sống Chung Với Mẹ Chồng, phim truyền hình Việt, đặc biệt là những bộ phim trên sóng VTV đã thực sự sống lại, mạnh mẽ và có sức lan tỏa đến nhiều đối tượng khán giả.
Dường như 2 năm trở lại, các nhà làm phim truyền hình nói chung và ông lớn VFC nói riêng đã thực sự tìm ra một công thức lý tưởng mới cho những bộ phim của họ. Họ thật sự hiểu được gu của khán giả đương thời, biết được rằng điều gì đủ sức để khiến người xem của họ cảm thấy đã. Và hơn thế nữa, các nhà làm phim của vũ trụ phim ảnh VTV đã thoải mái hơn trong việc học hỏi, tiếp cận và áp dụng những cách làm phim mới của các ông lớn trong nền điện ảnh châu Á và trên toàn thế giới.
1. Mạnh dạn tiếp cận những đề tài táo bạo
Thời điểm trước năm 2010, truyền hình Việt Nam ngập tràn những bộ phim thuộc thể loại tâm lý gia đình, tình yêu đôi lứa và cảnh sát hình sự,... Dĩ nhiên đây đều là những đề tài ăn khách, có điều việc khai thác một cách ồ ạt những đề tài quá an toàn này khiến cho khán giả dần cảm thấy nhàm chán, thậm chí là bị ngợp.
Khoảng 2 năm trở lại đây, phim truyền hình của VFC có một cú lột xác đầy mạnh mẽ. Vẫn là những đề tài quen thuộc (đi kèm một số đề tài mới mẻ) nhưng được khai thác một cách triệt để hơn, gai góc và gần gũi với đời sống. Tuyến nhân vật cũng đa dạng và phong phú hơn trước, thuộc đủ các tầng lớp xã hội khác nhau giúp cho mỗi bộ phim có thể nêu bật được những góc khuất trong xã hội mà phim ảnh trước đây chưa dám hoặc chưa muốn khai thác. Lần đầu tiên, khán giả được nhìn thấy loạt chân dung nhân vật với đời sống vô cùng phong phú cùng cách nghĩ, cách giao tiếp giống hệt với ngoài đời thật. Đó là các cô gái làng chơi chính hiệu với lối ăn mặc và cách nói chuyện rất "ngành". Là một ông trùm quyền năng vô hạn, đại diện cho phe phản diện nhưng lại lên hàng nam chính. Hoặc chỉ đơn giản là một ông bố quốc dân còn lắm những khuyết điểm nhưng yêu thương con cái vô điều kiện.
Gái làng chơi với cách ăn mặc đúng chất "ngành"
Bố Sơn với những nét tính cách tiêu biểu của một người đàn ông Việt Nam
Cách tiếp cận, triển khai đề tài và nhân vật của VFC hiện nay vô tình khiến khán giả nhớ đến những bộ phim ngập tràn drama của màn ảnh Thái. So với các quốc gia châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng, phim Thái tuy không quá nổi trội nhưng lại ghi dấu ấn đậm nét bởi sự táo bạo trong cách xây dựng đề tài. Ai đời trong một bộ phim chiếu trên TV lại có thể tẩy trắng nhiệt tình cho tiểu tam giật chồng cô ruột (phim Chiếc Lá Bay) như phim Thái bao giờ. Thêm vào đó, trên màn ảnh Thái, những tình tiết giật gân, gây sốc như đánh ghen thậm chí là cảnh nóng cũng được sử dụng triệt để. Và quả thật cách làm phim này đã và đang được VFC sử dụng một cách hợp lý, phù hợp với văn hóa xem phim của người Việt.
Nira của Chiếc Lá Bay là một nhân vật vô cùng gai góc
Hoa Hồng Trên Ngực Trái hiện đang là bộ phim được đánh giá là có nhiều tình tiết kịch tính ngang ngửa phim Thái
2. Khai thác triệt để dàn diễn viên toàn cực phẩm nhan sắc
Ngoài việc tiếp cận những đề tài táo bạo, các ông lớn của VFC hiện nay cũng tích cực chơi chiêu dùng cái đẹp để rù quến cả thiên hạ như cách mà các nhà làm phim Hàn Quốc, Trung Quốc,... đã khai thác triệt để. Dĩ nhiên không có ý chê bai gì nhan sắc của dàn diễn viên VFC trước đây nhưng quả thật một vài năm trở lại đây, vấn đề ngoại hình được các nhà làm phim đặc biệt coi trọng. Dàn diễn viên trẻ thuộc cả hai miền Nam Bắc hiện đang oanh tạc vũ trụ phim ảnh VTV đều là có ngoại hình tương đối ưa nhìn trở lên, thậm chí nhiều người còn có xuất thân từ người mẫu, hoa hậu, hot girl,...
Bộ ba nữ chính xinh đẹp của VTV
Những cái tên sở hữu nhan sắc nổi bật phải kể đến như cặp bài trùng Hồng Đăng - Mạnh Trường, thế hệ diễn viên đang nổi như Huỳnh Anh, Thu Quỳnh, Bảo Thanh, Phương Oanh, Doãn Quốc Đam, Quốc Trường, Bảo Hân,... Những cái tên này (và nhiều cái tên khác nữa, nhiều tới độ kể không xuể) đều sở hữu một lượng fan hâm mộ đông đảo vì tài năng và cả nhan sắc của họ. Họ giúp cho những bộ phim của VTV có được một lượng khán giả nhất định xem phim theo phong cách: kể cả phim có không hay thì cũng cố cày cho bằng hết để ngắm nhan sắc các anh chị đẹp.
Quốc Trường
Hồng Đăng - Mạnh Trường
3. Quay phim kiểu cuốn chiếu và tích cực tương tác với khán giả qua mạng xã hội
Truyền hình Hàn Quốc lâu nay vẫn có truyền thống quay phim theo kiểu cuốn chiếu (quay đến đâu phát đến đấy), rất hiếm khi quay xong trọn vẹn cả bộ rồi mới lên sóng. Khoảng 1 năm trở lại đây, phim Việt Nam cũng đã bắt kịp xu thế này và khai thác lợi ích của nó một cách triệt để. Đối với xứ Hàn, mục tiêu lớn nhất mà mọi công ty sản xuất phim hướng tới khi chọn cách quay cuốn chiếu là làm sao để thu hút càng nhiều khán giả càng tốt. Với vũ trụ phim ảnh VTV, mục tiêu của họ là gì thì chẳng ai biết được nhưng rõ ràng chính nhờ cách làm phim này mà những dự án như Về Nhà Đi Con và hiện tại là Hoa Hồng Trên Ngực Trái đã thu hút được sự quan tâm đáng kể của cộng đồng mạng.
Về Nhà Đi Con vừa quay vừa phát sóng
Hoa Hồng Trên Ngực Trái lên sóng khi mới chỉ quay xong 7 tập
Chính việc vừa quay vừa phát sóng đã khiến cho ekip của Về Nhà Đi Con và Hoa Hồng Trên Ngực Trái dễ dàng hơn trong các các hoạt động quảng bá và tuyên truyền. Sức hút của những bộ phim này quá lớn, đến đâu quay là y như rằng ở đó người dân tụ tập vô cùng đông đúc, việc bị phát tán hình ảnh là điều khó tránh khỏi. Nhưng chính việc khán giả tự ý phát tán hình ảnh hậu trường này đã giúp các bộ phim nóng hơn bao giờ hết. Ekip chỉ việc ngồi không hưởng lợi và nhìn khán giả đang bàn tán xôn xao về những hình ảnh bị tiết lộ rồi đoán già đoán non về loạt tình tiết sau này. Dĩ nhiên việc để lộ hậu trường có nằm trong chiến dịch PR phim của các nhà sản xuất hay không thì khán giả không biết được nhưng rõ ràng cả khán giả lẫn ekip làm phim đều được lợi từ việc này.
Về Nhà Đi Con nóng hơn cũng nhờ việc lộ hậu trường
Chưa kể việc quay phim theo kiểu quấn chiếu cũng giúp khán giả và ekip làm phim có thể tương tác qua lại với nhau một cách dễ dàng hơn. Thời điểm mạng xã hội bùng nổ, mỗi bộ phim đều có một fanpage riêng cập nhật đủ những tin tức mới nhất xoay quanh dự án. Khán giả có thể tương tác với ekip, thậm chí là với các diễn viên qua fanpage, góp ý về cách diễn xuất, nội dung phim hay giúp ekip dọn sạch sạn. Cũng nhờ việc tương tác này mà không ít dự án phim đã quyết định thay đổi kịch bản, sửa lại cái kết cho phù hợp với mong muốn của khán giả.
4. Giải quyết tình huống dứt khoát, twist liên tục
Nếu trước đây các nhà làm phim VFC còn bị "cả nể" trong cách giải quyết tình huống thì ở thời điểm hiện tại, cách giải quyết đã dứt khoát hơn, thậm chí phim còn được đan xen cả rổ twist khiến khán giả thật sự choáng ngợp nhưng cũng có cảm giác "cực đã". Với mỗi bộ phim có độ dài trung bình trên dưới 30 tập (cho thời lượng 45 phút/tập), khán giả được dịp trải nghiệm đủ thứ cảm xúc, từ vui buồn, hờn giận, phẫn nộ, thậm chí là rùng mình ám ảnh. Riêng với Quỳnh Búp Bê, twist phim nhiều đến độ đến tận tập cuối khán giả vẫn chẳng biết nhân vật Cảnh Soái Ca (Doãn Quốc Đam) còn sống hay đã chết.
5. Đầu tư mạnh cho ngoại cảnh và những dự án hợp tác nước ngoài
Nếu như những bộ phim đình đám của VTV thời điểm trước năm 2010 như Cô Gái Xấu Xí, Lập Trình Cho Trái Tim,... đều khai thác triệt để các cảnh nội thì thời điểm hiện tại, các nhà làm phim VFC đã mạnh tay hơn trong việc đầu tư cho quay ngoại cảnh. Như dự án Ngày Ấy Mình Đã Yêu, ngoài bối cảnh chính tại Sài Gòn, ekip còn cất công đến Phú Yên để ghi hình và cho ra đời những thước phim vô cùng ấn tượng. Thực chất việc đầu tư mạnh cho phần ngoại cảnh này vốn dĩ đã được các ông lớn trong nền phim ảnh thế giới thực hiện từ rất lâu rồi.
Một số cảnh phim của Ngày Ấy Mình Đã Yêu được thực hiện tại Phú Yên
Khán giả được dịp choáng ngợp với phần ngoại cảnh trong phim
Ngoài việc khai thác triệt để các cảnh quan hùng vĩ của Việt Nam, nhà sản xuất phim của VFC còn bắt tay với các ekip nước ngoài để cho ra đời những bộ phim thú vị. Một số bộ phim có sự nhúng tay của ekip nước ngoài phải kể đến như Tuổi Thanh Xuân (hợp tác với Hàn Quốc), Khúc Hát Mặt Trời (hợp tác với Nhật Bản), Tình Khúc Bạch Dương (hợp tác với Nga),... Chính nhờ những màn hợp tác này mà đối tượng khán giả của phim ảnh VTV ngày càng mở rộng và người xem cũng có nhiều trải nghiệm thú vị hơn.
Khúc Hát Mặt Trời là bộ phim hợp tác với Nhật Bản
Thế nhưng vẫn còn không ít những hạn chế
Tuy đã tích cực học tập và áp dụng một cách khéo léo cách làm phim của nước ngoài nhưng phim ảnh của vũ trụ VTV vẫn còn một số nhược điểm nhất định cần khắc phục. Không ít những dự án phim đình đám, chất lượng như Quỳnh Búp Bê, Người Phán Xử, thậm chí là cả Về Nhà Đi Con,... đều có cái kết chưa đủ thuyết phục. Suốt hành trình mấy tháng gắn bó với phim của khán giả đôi khi lại kết thúc bởi một trải nghiệm không quá hấp dẫn. Dường như dù có mạnh tay đến đâu thì các nhà làm phim VFC vẫn bị cả nể và luôn sợ hãi trước những phản ứng tiêu cực của khán giả. Họ sẵn sàng sửa đổi cái kết theo phong cách trả bài, để cho nhân vật chính có "happy ending" vì nghĩ khán giả muốn vậy. Nhưng sự thật không phải thế, thứ khán giả muốn là một cái kết đủ sốc nhưng vẫn phải hợp tình, hợp lý.
Quỳnh Búp Bê có cái kết theo phong cách trả bài
Cả Về Nhà Đi Con cũng vậy
Đó là chưa kể đến việc quảng cáo chiếm sóng quá nhiều thậm chí là cực kì... vô duyên khiến khám giả cảm thấy khó chịu. Ai đời một bộ phim dài chưa đến 30 phút lại có tới 2 lần quảng cáo, mỗi lần dài tới gần 5 phút. Dĩ nhiên quảng cáo giữa giờ chiếu phim là một việc làm cần thiết, nó giúp ekip làm phim thu về lợi nhuận nhưng quảng cáo chiếm sóng quá nhiều quả thật khiến trải nghiệm và cảm xúc xem phim của khán giả liên tục đứt đoạn.
Thanh xuân như một ly trà, xem xong quảng cáo hết giờ chiếu phim
Dù sao cũng phải khẳng định phim ảnh của VTV một vài năm trở lại đây đã thực sự tiếp thu một cách hiệu quả và có chọn lọc cách làm phim của nhiều quốc gia trên thế giới, nhờ vậy mà đa phần các sản phẩm đều chỉn chu, chất lượng và thu hút khán giả nhiều hơn. Tuy còn một vài điểm thiếu sót nhưng suy cho cùng các nhà làm phim của VFC đã thực sự vực dậy thời kì vàng son của phim truyền hình Việt rồi.