Theo thông tin từ Trung tâm dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, vào khoảng 22h ngày 21/7, vị trí tâm bão bão số 3 ở khoảng 20.8 độ Vĩ Bắc; 108.2 độ Kinh Đông, cách Quảng Ninh khoảng 80 km về phía Đông Nam, cách Hải Phòng khoảng 180 km về phía Đông, cách Hưng Yên khoảng 190 km, cách Ninh Bình khoảng 220 km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất: Cấp 10 (89-102 km/h), giật cấp 13.
Dự báo, trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, tốc độ khoảng 10 km/h.
Theo dự báo, khoảng trưa đến chiều 22/7, vùng tâm bão số 3 Wipha sẽ đi vào đất liền các tỉnh từ Hải Phòng đến Bắc Thanh Hóa.
Trước diễn biến phức tạp của bão số 3, nhiều người dân bày tỏ lo lắng về tác động của bão số 3 sẽ đối với TP. Hà Nội. Liên quan đến vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Hiệp - phó giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Bắc Bộ đã có những chia sẻ tại buổi thông tin về diễn biến bão số 3 (bão Wipha), do Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia tổ chức chiều tối 21/7.
Vị trí và đường đi của bão số 3
Theo thông tin trên báo Tuổi trẻ, ông Hiệp đưa ra dự báo, từ ngày 22-7 Hà Nội chịu ảnh hưởng của gió và mưa do bão số 3.
"Trưa và chiều 22.7, khả năng ở Hà Nội có gió cấp 5-6, gió giật cấp 7-8. Tuy nhiên ở Hà Nội có gió rất mạnh, xảy ra cục bộ trong phạm vi nhỏ do dông bão phát triển.
Đặc biệt, những khu vực có nhà cao tầng sẽ tạo ra hiệu ứng gió mạnh hơn gió quan trắc ở các trạm rất nhiều, người dân cần chú ý để tránh nguy hiểm", ông Hiệp nhấn mạnh.
Về mưa, ông Hiệp cho biết dự báo trong ba ngày tới Hà Nội có mưa 100-200mm, có nơi trên 300mm.
Nguy cơ ngập úng ở các vùng trũng, thấp do mưa lớn cục bộ, nguy cơ cao xảy ra ngập úng tại một số khu đô thị, nhiều tuyến phố nội thành Hà Nội, với độ sâu ngập 0,2-0,5m, có nơi trên 0,5m, thời gian duy trì ngập 30-60 phút, có nơi thời gian ngập lâu hơn.
Về lũ trên các sông, theo ông Hiệp với lượng mưa dự báo nói trên, đỉnh lũ trên sông Đáy, các sông suối nhỏ, sông nội tỉnh như sông Bùi, sông Tích, sông Cà Lồ… có khả năng ở mức báo động 1 đến trên báo động 2, có thể gây ngập úng, sạt lở tại các vùng trũng thấp, ven sông. Còn các sông Đà, sông Hồng, sông Đuống (đoạn qua Hà Nội) có khả năng ở mức dưới báo động 1.
Bên cạnh đó, trong bản tin dự báo tối ngày 21/7, cơ quan khí tượng cũng đưa ra nhận định về tình hình mưa lớn tại khu vực Bắc Bộ và Thanh Hoá đến Hà Tĩnh.
Theo đó, trong ngày 21/7, khu vực Bắc Bộ, từ Thanh Hóa đến Quảng Trị có mưa rào và dông, cục bộ mưa to đến rất to. Vùng ven biển Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to. Lượng mưa một số nơi đáng chú ý: Cô Tô (Quảng Ninh) 180mm, Cát Bà (Hải Phòng) 110mm, Xuân Thủy (Nam Định) 77.6mm, Cấm Sơn (Lạng Sơn) 89.3mm, Sơn Động (Bắc Giang) 76mm.
Dự báo, từ tối 21/7 đến ngày 23/7, khu vực Đông Bắc, đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An mưa to đến rất to, tổng lượng phổ biến 200–350mm, có nơi trên 600mm. Các nơi khác của Bắc Bộ và Hà Tĩnh có mưa vừa, mưa to, cục bộ rất to (100–200mm, có nơi >300mm). Cảnh báo mưa cường suất lớn trên 150mm/3h. Trong mưa dông có thể xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Đêm 21 và ngày 22/7, khu vực từ Quảng Trị đến Đà Nẵng, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ mưa to (10–30mm, có nơi >70mm, mưa tập trung chiều và tối). ⚡ Nguy cơ lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh trong mưa dông.
Chuyên gia khí tượng cũng đưa ra khuyến cáo, từ đêm 23 đến 25/7, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Cần đề phòng hiện tượng thời tiết nguy hiểm kèm theo.