Báo chí về người đồng tính: Đã qua rồi cái thời “đám giả les, học đòi làm bê đê”

Minh Đức; Thiết kế: Minh thần kì, Theo kenh14 08:30 21/06/2020
Chia sẻ

Sự chuyển mình của báo chí là điều không thể phủ nhận qua từng năm. Hơn một thập kỷ qua, câu chuyện trên báo chí, truyền thông về cộng đồng LGBT, đặc biệt là người đồng tính cũng đã có những thay đổi tích cực.

“Vẫn biết quan hệ tình dục đồng tính là không an toàn nhưng Minh không thể nào kiềm chế được bản thân. Minh đã nhiều lần tự nhủ sẽ thoát khỏi những cuộc tình trăng hoa nhưng rồi bản năng đã không thắng được ý chí. Minh càng trượt dài trong những mối quan hệ đồng tính…”

Đó là đoạn trích trong bài báo mang tựa đề “Tình ảo trong thế giới thứ ba” đăng trên một trang báo mạng nổi tiếng vào năm 2008. Chỉ cần đọc tiêu đề và lướt qua một đoạn nội dung, người ta đã thấy được những vấn đề trong việc sử dụng ngôn từ: Thế giới thứ ba là thế giới nào? Người ta hay nói thế giới thứ ba cho các nước nghèo, vậy thế giới thứ ba ở đây là gì? Quan hệ đồng tính là không an toàn? Không có nghiên cứu nào chứng minh quan hệ đồng tính là không an toàn cả, “thoát khỏi” và “trượt dài”? tại sao phải thoát khỏi - liệu đó có phải một điều sai trái?

12 năm trước, báo chí vẫn còn tràn ngập những từ ngữ như vậy dành cho cộng đồng LGBT. Nếu lần hồi lại những trang báo từ trước đấy nữa, người đọc chắc chắn sẽ bắt gặp không ít cách miêu tả đồng tính như một căn bệnh, tệ nạn, hiểm họa ngầm cho xã hội… hay bất cứ từ ngữ tiêu cực nào có thể xét xử. Đồng tính đã được loại bỏ khỏi danh sách bệnh tật từ vài thập kỷ trước nhưng nhiều nhà báo, phóng viên vẫn “ưu ái” dành cho họ ngôn từ miệt thị, phiến diện, phân biệt đối xử…

Nhìn lại từ năm 2020, báo chí đã đi một chặng đường rất dài và sự khắc hoạ về người đồng tính cũng đã thay đổi. Đó không chỉ là một sự chuyển mình của nghiệp vụ báo chí mà còn là sự công nhận hiện diện của cộng đồng LGBT tại Việt Nam.

Báo chí về người đồng tính: Đã qua rồi cái thời “đám giả les, học đòi làm bê đê” - Ảnh 1.

Người ta thường bắt gặp những cụm từ như vậy trong các bài viết về cộng đồng người đồng tính từ cách đây chục năm. Cộng đồng người đồng tính được khắc họa trên báo chí với nhiều thiên kiến, sai lệch về kiến thức, sự kỳ thị trực tiếp và gián tiếp. Trong nghiên cứu của viện iSEE, chân dung người đồng tính được khắc họa trên báo chí sai lệch trên nhiều phương diện: Người đồng tính có khả năng tình dục bất thường, khó chấp nhận, người đồng tính có đời sống tình dục nhiều hiểm họa và tình yêu không bền, nhân cách - phẩm chất của người đồng tính đa phần đều không tốt, tính thiếu khách quan trong nhu cầu của nhóm đồng tính và quan hệ gia đình ít được quan tâm.

Miêu tả về các mối quan hệ đồng tính, một thế hệ phóng viên từng vẽ ra những câu chuyện như lạc vào ma trận, rằng nếu đã lỡ quan hệ đồng tính thì khó lòng có thể dứt ra và đa phần đều có kết cục không đẹp. Họ nhìn nhận vấn đề tình dục của người đồng tính như một sự bất thường, lệch chuẩn của xã hội. Một trang báo mạng nổi tiếng vào năm 2008 có bài viết về người đồng tính nữ với cách miêu tả thế giới tình yêu như hố sâu mà sa vào không rút chân ra được.

“… Ai qua tay tớ rồi thì đừng hòng thoát khỏi. Khi đó thì chồng con cũng cóc cần, một “ômôi” là nghệ sĩ nổi tiếng đã phát biểu như thế với bạn bè. Cô ta nói cũng chẳng sai...”

Báo chí về người đồng tính: Đã qua rồi cái thời “đám giả les, học đòi làm bê đê” - Ảnh 2.

Các bài viết về người đồng tính trước đây thường quy chụp rằng tình yêu của người đồng tính không lâu bền, không phải tình yêu đích thực. Tình yêu với người đồng tính thường được kể như một câu chuyện mang nhiều hiểm họa và sự nguy hiểm hơn là lãng mạn, tình cảm thực sự. Báo chí thường kể những câu chuyện hẹn hò với người đồng tính và kèm theo cái kết như “bị cướp, bị sát hại, bị lừa đảo…”. Những cách miêu tả về cách hẹn hò của người đồng tính thường được miêu tả mang tính khác thường, nguy hiểm.

Nghiên cứu từ viện iSEE trong vấn đề truyền thông báo chí với người đồng tính cũng chỉ ra rằng, trong số 502 bài báo phân tích, có tới 88 bài đề cập tới nhân cách và đạo đức của người đồng tính. Những bài báo trên thường gán người đồng tính với tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm, tội phạm, “buôn thần bán thánh”. Bên cạnh những bài viết đề cập trực tiếp, có những bài viết gián tiếp nhắc tới phẩm chất đạo đức của người đồng tính thông qua việc miêu tả những vụ trộm cắp, hành vi lệch chuẩn… Họ thường được miêu tả với phẩm chất kỳ quặc như trong bài báo “Thân phận bị giời đày”, phóng viên kể như sau.

“... Một nửa người đàn bà trong họ lợi khẩu đến mức chua ngoa, thích làm điệu, lẳng lơ. Hay dỗi hờn, mau nước mắt, thất thường, đồng bóng bởi vì họ vẫn nghĩ mình là "nàng" chứ không phải là "chàng"”.

Sự sai lệch trong hình ảnh người đồng tính trên báo chí ngày trước tồn tại với nhiều lý do. Dễ nhận thấy nhất với độc giả chính là việc sử dụng ngôn ngữ làm tăng định kiến với người đồng tính. Những cách gọi tên mang tính kỳ thị thường thấy như pê đê, đồng cô bóng cậu, bóng, bóng lộ, bóng kín, thế giới thứ 3, giới tính thứ 3, xăng pha nhớt, hai thì, hifi, đa hệ, đồng cô, lưỡng tính, tám vía, má mì, bống, ômôi… Dù với mục đích gây sự tò mò, tăng lượt click thì những cách dùng từ trên đều thể hiện thái độ kỳ thị với người đồng tính. Những cái tít như “Dân gay và kỹ nghệ săn tình”; “Nữ sinh tuổi teen chơi trò đồng tính”; “Bị đâm chết vì yêu đồng tính”... là những hạt sạn có thể tìm thấy nhiều trong các bài viết về đồng tính chỉ cách đây hơn chục năm tại Việt Nam.


Nhiều phóng viên, nhà báo luôn cố gắng tìm cách đi tìm “nguyên nhân” cho căn bệnh đồng tính của nhân vật trong câu chuyện. Đáng buồn thay, sự thiếu kiến thức trong một lĩnh vực khá “đặc thù” dễ dẫn đến những nhận định sai lệch.

“… Nguyên nhân chính là do sự thiếu quan tâm của gia đình, nhà trường, xã hội đã tạo nên những con người trẻ tuổi không có lý tưởng sống, chỉ biết đua đòi theo những trào lưu mà không phân biệt đúng sai, không có khả năng miễn nhiễm trước cái xấu”

Báo chí của những năm trước đây thường coi đồng tính chỉ là yếu tố để “hút view” cho câu chuyện chứ không đi sâu vào phân tích câu chuyện thực sự của họ. Cũng giống như người dị tính, người đồng tính cũng có câu chuyện cuộc sống, tình yêu, công việc… đa sắc màu nhưng đáng tiếc thay, nhiều phóng viên chỉ tập trung vào lớp bọc đồng tính và những khía cạnh tiêu cực đi kèm.

Báo chí về người đồng tính: Đã qua rồi cái thời “đám giả les, học đòi làm bê đê” - Ảnh 4.

Một vài năm trở lại đây, câu chuyện về người đồng tính trên báo chí đã có nhiều thay đổi theo hướng tích cực, đặc biệt sau những thành công gặt hái được của phong trào LGBT tại Việt Nam. Song hành cùng những chuyển biến trong xã hội như việc Việt Nam công nhận quyền chuyển đổi giới tính của người chuyển giới, không cấm (nhưng không công nhận) hôn nhân đồng giới… các bài báo về người đồng tính cũng bớt dần những vấn đề như trước đây.

Sự hiện diện của người đồng tính nói riêng và cộng đồng LGBT trên báo chí và truyền thông đã nhiều hơn trước. Trên sóng truyền hình, các chương trình dành cho cộng đồng LGBT nhiều hơn trước. Các tờ báo cũng tiếp cận thông tin về cộng đồng LGBT đa chiều, không chỉ tập trung vào những điều tiêu cực, yếu tố câu view mà đưa đến những góc nhìn đa chiều. Không ít trang tin, trang báo có những chuyên mục dành riêng cho cộng đồng LGBT với tần suất xuất hiện dày đặc. Nếu như trước đây, người ta chỉ biết nhiều tới người đồng tính nam thì những nhóm như đồng tính nữ, song tính, dị tính, người chuyển giới… cũng xuất hiện nhiều hơn trên báo chí. Câu chuyện về bé lưỡng tính trên trang Soha với tựa đề “Mẹ ơi! Con là quỷ thật sao…” đã nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng, khai thác về người lưỡng tính vốn ít được nhắc trên báo chí.

Báo chí về người đồng tính: Đã qua rồi cái thời “đám giả les, học đòi làm bê đê” - Ảnh 5.

“... Hơn cả nước mắt, một sự đau đớn không lời khiến chị đứng dậy, quệt sạch nước mắt, cãi lại: "Dù nó là gái hay trai, thì nó vẫn là con của tôi, tôi tự khắc biết nuôi thế nào".

Báo chí ngày càng trở thành người đồng hành tích cực của người LGBT trong việc vận động, hỗ trợ thúc đẩy các quyền dành cho cộng đồng. Trong bài báo “Đề nghị cho phép hôn nhân đồng tính để trẻ em được bảo vệ” trên báo Tuoitre, phóng viên có trích dẫn lời của các chuyên gia.

“Hôn nhân đồng tính vẫn đang bị đặt ngoài vòng pháp luật khiến mức độ rủi ro của con các cặp đôi này rất cao trước nạn xâm hại tình dục”.

Điều quan trọng nhất không chỉ nằm ở sự hiện diện và xuất hiện nhiều hơn, sự đồng hành của báo chí trong việc vận động hỗ trợ quyền cho người LGBT; báo chí đã thực sự có những cách tiếp cận mới, sử dụng diễn ngôn chuẩn xác, giảm dần định kiến với người đồng tính, xóa bỏ khuôn mẫu, không quy chụp khái quát hóa người đồng tính theo những tính chất tiêu cực, hạn chế việc lôi người đồng tính ra làm trò cười, các phóng viên đã có những kiến thức tốt hơn về giới và tính dục.

Người đồng tính được trả lại bằng cái tên “người đồng tính”, không còn nhiều những cô “ô môi, cậu bóng”. Đời sống tình dục, tình dục của người đồng tính cũng bình thường và quan trọng như người dị tính. Những diễn ngôn “lề hóa” người LGBT như “cô nàng chuyển giới nhưng thành công…” cũng ít hẳn trên báo chí. Người ta thấy được sự tôn trọng dành cho người đồng tính. Giờ đây, nhiều tổ chức hoạt động về quyền của cộng đồng LGBT còn có giải thưởng hàng năm để trao cho những tác phẩm báo chí đã đồng hành cùng người LGBT, mang đến những điều tích cực cho xã hội nhằm xóa bỏ sự kì thị.

Báo chí về người đồng tính: Đã qua rồi cái thời “đám giả les, học đòi làm bê đê” - Ảnh 6.

Sự thay đổi tích cực của một cộng đồng sẽ đem lại chuyển biến tích cực cho cả xã hội như một sự đồng vận. Nếu nhìn lại 10 năm qua, báo chí về người LGBT đã có nhiều điểm tích cực như cách vấn đề LGBT thay đổi tại Việt Nam. Mượn lời anh Lương Thế Huy, viện trưởng viện iSEE trong bài viết “LGBT Việt sau 10 năm đấu tranh và đi tìm bản ngã: Một thập kỷ tự hào - Chúng ta có quyền nói như vậy!”, tôi xin khép lại câu chuyện.

“Bây giờ, một thập kỷ rưỡi sau lời kêu gọi xem đồng tính như tệ nạn xã hội và đề nghị “giáo dục nam nữ thanh niên không nên đồng tính”, năm 2020 này, chắc một điều rằng hiện nay không một cán bộ, nhà khoa học, nhà báo nào có thể dám tự tin nói những lời tương tự như thế. Những người phản đối tự biết rằng ý kiến của mình là lạc hậu. Những người ủng hộ không sợ rằng ý kiến của mình là lập dị. Những tiêu chuẩn, giá trị mới được xác lập.

Không ai có thể ngờ trong vòng chỉ 1 thập kỷ, từ việc phủ bỏ, Việt Nam đã đưa chủ đề LGBT lên bàn nghị sự, và thật sự thảo luận nghiêm túc về nó. Quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới được công nhận là quyền con người và cần phải bảo vệ bởi pháp luật.”

* Bài viết có sử dụng tư liệu tham khảo từ nghiên cứu “Thông điệp truyền thông về đồng tính luyến ái trên báo giấy và báo mạng” của viện iSEE.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày