Cơn bão đổ bộ từ đêm muộn ngày 10/11 (giờ địa phương), có sức gió lên đến 120km/giờ, buộc các cảng biển và sân bay ở cả hai quốc gia phải đóng cửa.
Nhiều ngôi nhà bị hư hại ở khu vực Koyra, Bangladesh sau cơn bão Bulbul vào ngày 10/11. Ảnh: AFP
Đại diện chính quyền địa phương quận Masud Alam Siddiqui cho biết, có 5 người mất tích sau khi một tàu đánh cá bị chìm trong thời tiết gió giật mạnh trên sông Meghna, gần phía nam đảo Bhola.Theo hãng thông tấn Press Trust của Ấn Độ, 10 người đã thiệt mạng ở bang Tây Bengal, Ấn Độ. Hai người khác chết ở bang Odisha gần đó. Tại Bangladesh, 8 người đã thiệt mạng và ít nhất 20 người bị thương.
Ở ven biển Khulna, khu vực chịu thiệt hại nặng nề nhất ở Bangladesh, cây cối rung lắc dữ dội và bị bật tung khỏi mặt đất trong cơn bão gây cản trở giao thông.
Ông Enamur Rahman, Bộ trưởng Bộ Quản lý và Cứu trợ Thảm họa cho biết, một số khu vực trũng thấp của quận đã bị ngập lụt, tuy nhiên cơn bão đã suy yếu dần khi di chuyển vào đất liền.
Cơn bão đã đánh vào bờ biển tại Sundarbans, khu rừng ngập mặn lớn nhất thế giới, nằm giữa Ấn Độ và Bangladesh. Đây là nơi sinh sống của các loài có nguy cơ tuyệt chủng như hổ Bengal và cá heo Irrawaddy.
Bão Bulbul cũng làm hư hại khoảng 4.000 ngôi nhà. Khoảng 2,1 triệu người dân trên khắp Bangladesh đã được sơ tán đến nơi trú ẩn an toàn. Quân nhân đã được điều đến các huyện ven biển và hàng chục nghìn tình nguyện viên đã đến tận nhà để kêu gọi mọi người sơ tán.
Khoảng 1.500 khách du lịch bị mắc kẹt trên đảo Saint Martin ngoài khơi phía Đông Nam Bangladesh sau khi các dịch vụ tàu thuyền ngừng hoạt động.
Tại Ấn Độ, gần 120.000 người dân đã bắt đầu trở về nhà khi cơn bão suy yếu, các nhà chức trách cho biết.
“Cơn bão Bulbul đã để lại nhiều thiệt hại khi nó càn quét qua bờ biển Tây Bengal”, Bộ trưởng Phát triển Đô thị bang Tây Bengal, ông Firhad Hakim chia sẻ.
Bờ biển trũng thấp của Bangladesh, nơi sinh sống của 30 triệu người và phía Đông của Ấn Độ thường xuyên phải hứng chịu hậu quả của bão. Hàng trăm ngàn người sống quanh Vịnh Bengal đã thiệt mạng do bão trong những thập kỷ gần đây.
Trong khi tần suất và cường độ của các cơn bão ngày càng tăng lên, một phần do biến đổi khí hậu, thì số người thiệt mạng đã giảm xuống bởi công tác sơ tán người dân nhanh chóng và hàng ngàn nhà tạm trú ven biển được xây dựng.
Trước đó, Fani là cơn bão lớn nhất đã tấn công khu vực này trong nhiều năm, lần gần nhất vào hồi tháng 5, khiến 12 người thiệt mạng./.
Theo CNA