Bangladesh và Ấn Độ sơ tán hơn 2 triệu người do bão Bulbul

Phương Hoa, Theo TTXVN 12:38 10/11/2019

Cơn bão Bulbul kèm lốc xoáy đổ bộ vào Ấn Độ và khu vực miền Nam Bangladesh ngày 9/11 đã khiến 2 người thiệt mạng. Nhà chức trách hai nước này đã ra lệnh sơ tán hơn 2 triệu người ra khỏi đường đi của bão.

Theo Cơ quan khí tượng Bangladesh, bão Bulbul, với sức gió lên tới 120 km/giờ, đã yếu đi khi bắt đầu đi qua khu vực Tây Bengal của Ấn Độ và khu vực ven biển Khulna của Bangladesh vào lúc 9h tối 9/11. Bão có thể di chuyển theo hướng Đông Bắc và tiếp tục suy yếu.

 Bangladesh và Ấn Độ sơ tán hơn 2 triệu người do bão Bulbul  - Ảnh 1.

Nhà chức trách kêu gọi người dân sơ tán tránh bão Bulbul tại Khulna, Bangladesh, ngày 9/11/2019. Ảnh: AFP/TTXXVN

Các sân bay và hải cảng nằm trong khu vực đường đi của bão đã phải đóng cửa. Khoảng 1.500 du khách đang mắc kẹt trên đảo Saint Martin, phía Nam Bangladesh sau khi các dịch vụ tàu thuyền tạm ngừng hoạt động. Ngoài hai cảng lớn nhất của Bangladesh là Mongla và Chittagong phải ngừng hoạt động, các chuyến bay tới sân bay Chittagong cũng bị hoãn hủy do thời tiết xấu.

Tại Ấn Độ, nhà chức trách cho biết 1 người đã thiệt mạng do cây đổ tại thủ phủ Kolkata của bang Tây Bengal và 1 người khác thiệt mạng do một bức tường sập vì gió mạnh tại bang Odisha.

Các chuyến bay đi và đến sân bay ở Kolkata bị đình chỉ trong 12 giờ do bão. Tại đảo Mousouri ở Tây Bengal, người dân phải trú trong các trường học và các tòa nhà chính phủ. Các máy bay quân sự và nhiều tàu được lệnh sẵn sàng cứu hộ trong các trường hợp cần thiết.

Hơn 60.000 người phải sơ tán khỏi khu vực bờ biển phía biên giới Ấn Độ, trong khi phía Bangladesh phải sơ tán hơn 2 triệu người tới 5.500 điểm tránh trú.

Bangladesh đã triển khai binh sĩ tới một số làng cùng khoảng 55.000 tình nguyện viên giúp đưa người dân ra khỏi những khu vực nguy hiểm.

Bão Bulbul đổ bộ bờ biển ở Sundarbans, rừng đước lớn nhất thế giới bắc ngang từ Banladesh sang khu vực miền Đông Ấn Độ và là nơi sinh sống của nhiều loài động vật có nguy cơ tuyệt chuyển, trong đó có hổ Belgal.

Vùng duyên hải trũng của Bangladesh là nơi sinh sống của khoảng 30 triệu người và thường hứng chịu những cơn bão mạnh gây thiệt hại nghiêm trọng. Các cơn bão với tần suất ngày càng cao và sức tàn phá ngày càng lớn xảy ra tại những vùng này trong vài thập kỷ qua đã khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng.

Kể từ sau cơn bão Sidr năm 2007 làm hơn 3.000 người thiệt mạng, Bangladesh đã nỗ lực cải thiện công tác phòng chống bão giúp hạn chế thiệt hại về người. Tháng 5 vừa qua, Bangladesh đã hứng chịu bão Fani, cơn bão mạnh nhất ở nước này trong 5 năm qua. Có 12 người thiệt mạng do cơn bão này.