Tuần trước, nhiều nhà khoa học đã đưa ra các cảnh báo khắc nghiệt hơn cho tương lai của Greenland.
Cảnh báo được đưa ra trong bối cảnh cư dân ở thung lũng Aosta tại Italy được yêu cầu sơ tán do lo ngại rằng, một phần lớn diện tích sông băng Mont Blanc với kích thước tương đương nhà thờ Milan có thể bị sụp đổ. Sau đó, thềm băng Milne, thềm băng nguyên vẹn cuối cùng ở Bắc Cực thuộc Canada, đã sụp đổ, khiến một diện tích băng lớn hơn Manhattan bị tan chảy vào đại dương.
Vào tháng 4, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí The Cryosphere cho rằng, các mô hình hoàn lưu trong khí quyển đã góp phần đáng kể vào việc băng tan nhanh chóng tại Greenland. Theo đó, dự báo lượng băng tan trong tương lai không thể thấp hơn một nửa lượng băng hiện hữu.
Lượng tuyết rơi không thể bù đắp lượng băng tan ở Greenland. (Ảnh: AP)
Theo một bài báo mới được công bố trên tạp chí Nature Communications Earth and Environment, các sông băng ở Greenland đã bị thu hẹp nhiều đến mức ngay cả khi hiện tượng ấm lên toàn cầu dừng lại, tảng băng sẽ tiếp tục bị nhỏ dần đi.
Dữ liệu vệ tinh từ 40 năm qua cho thấy, các sông băng của Greenland đã vượt qua một số điểm tới hạn, nơi tuyết rơi bổ sung cho tảng băng mỗi năm không thể theo kịp lượng băng từ các sông băng đang tan chảy vào đại dương.
Michalea King, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Khí hậu và Địa cực thuộc Đại học bang Ohio (Mỹ) và là tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: "Chúng tôi đang nghiên cứu những quan sát viễn thám này để nghiên cứu quá trình xả và tích tụ băng đã thay đổi như thế nào. Những gì chúng tôi phát hiện được là lượng băng đang thải ra đại dương vượt xa lượng tuyết đang tích tụ trên bề mặt của tảng băng".
Các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu vệ tinh từ hơn 200 sông băng lớn đang chảy ra đại dương xung quanh Greenland và đo lượng băng vỡ hoặc tan từ các sông băng chảy vào đại dương. Sau đó, họ đối chiếu kết quả với lượng tuyết rơi mỗi năm để bổ sung cho lượng băng của các sông băng.
Một tảng băng lớn đang trôi ở phía Đông Greenland. (Ảnh: AP)
Sau khi phân tích các dữ liệu thu thập trong 40 năm qua, các nhà khoa học nhận thấy, trong thập niên 80 và 90 của thế kỷ trước, tổng lượng băng mất đi ở Greenland là khoảng 450 tỷ tấn/năm, nhưng được lượng tuyết rơi bù lại. Tuy nhiên, băng đã tan nhanh hơn trong thế kỷ 21 với lượng băng mất đi lên tới 500 tỷ tấn/năm và không còn khả năng bù lại bằng tuyết rơi.
Đảo Greenland có diện tích 2 triệu km2 với 85% bề mặt được bao phủ bởi băng. Lớp băng ở Greenland, hiện chứa lượng nước đủ để khiến mực nước biển toàn cầu dâng thêm 6m, đang tan chảy với tốc độ cực nhanh, gấp 6 lần so với thời điểm năm 1990.