Châu Á chịu tác động nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu

Quỳnh Chi, Theo VTV News 11:07 17/08/2020
Chia sẻ

Đây là kết quả từ nghiên cứu mới đây do Viện nghiên cứu toàn cầu McKinsey thực hiện.

Theo các nhà nghiên cứu của McKinsey & Co., các đợt nắng nóng gây chết người, hạn hán, lũ lụt và bão sẽ trở nên phổ biến hơn ở châu Á - Thái Bình Dương, khu vực đang phải đối mặt với các tác động ngày càng nghiêm trọng hơn từ biến đổi khí hậu so với nhiều nơi trên thế giới.

Viện nghiên cứu toàn cầu McKinsey cho biết, châu Á đang chịu rủi ro đặc biệt vì có số lượng người nghèo cao, những người có xu hướng phụ thuộc nhiều hơn vào công việc ngoài trời, sống ở những khu vực dễ bị tổn thương nhất do nhiệt độ và độ ẩm tăng cao. Đến năm 2050, các rủi ro đối với nhóm lao động trên có thể khiến khu vực này thiệt hại tới 4.700 tỷ USD/năm trong GDP.

Báo cáo cũng nhấn mạnh tới những rủi ro kinh tế của việc trì hoãn các khoản đầu tư nhằm giảm thiểu hoặc thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo McKinsey, khả năng bị thiệt hại trên diện rộng từ biến đổi khí hậu sẽ không kém so với đại dịch COVID-19 trong thời điểm hiện nay.

Châu Á chịu tác động nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu - Ảnh 1.

Dòng sông bùn sau những cơn mưa lớn tại Ấn Độ. (Ảnh: AP)

Các dự báo dựa trên một kịch bản, trong đó thế giới không cắt giảm được lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và nền nhiệt tại châu Á tăng thêm 2 độ C. Dự báo chỉ ra rằng, vào năm 2050, 500 - 700 triệu người sống ở những quốc gia như Ấn Độ, Bangladesh và Pakistan có thể trải qua những đợt nắng nóng vượt quá giới hạn.

Theo kết quả nghiên cứu, việc mất lao động ngoài trời trong thời gian này có thể làm giảm 7% - 13% GDP ở 3 quốc gia trên, dẫn đến thiệt hại trung bình từ 2.800 - 4.700 tỷ USD trên toàn châu Á mỗi năm.

McKinsey dự báo, số lượng các trận mưa lớn có thể tăng gấp 3 - 4 lần vào năm 2050 ở các khu vực của Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Indonesia. Tình trạng lũ lụt gia tăng có thể gây thiệt hại 1.200 tỷ USD ở châu Á, chiếm tỷ lệ khoảng 75% trong tổng thiệt hại toàn cầu.

Châu Á chịu tác động nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu - Ảnh 2.

Hạn hán dẫn đến cháy rừng tại Australia. (Ảnh: AP)

Ngược lại, khi Trái đất nóng lên, các khu vực phía Tây Nam Australia có thể trải qua hơn 80% thời gian trong điều kiện hạn hán vào năm 2050. Các khu vực của Trung Quốc có thể bị hạn hán từ 40% - 60% thời gian. Biến đổi khí hậu cũng sẽ gia tăng khả năng xảy ra các cơn bão dữ dội từ Philippines và Việt Nam sang Đông Bắc Á, làm tăng lượng nước bề mặt ở các vùng phía Bắc Ấn Độ và Trung Quốc, trong khi gây cạn kiệt nước tại các hồ chứa ở Australia.

Viện này cho biết, các quốc gia đang nổi lên tại châu Á gồm Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Thái Lan và Việt Nam được dự báo sẽ chứng kiến nhiệt độ và độ ẩm gia tăng. Đến năm 2050, các nền kinh tế này có thể phải chịu thiệt hại tương đương 8 - 13% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) do những tác động này. Tại Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh có thể sẽ thiệt hại từ 500 triệu - 1 tỷ USD trong trận lụt lớn tác động trực tiếp tới cơ sở hạ tầng vào năm 2050.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày