Chi tiêu sao cho hợp lý, tối ưu để tiết kiệm được tiền vốn là bài toán không đơn giản, đặc biệt là với những người thu nhập chưa cao, chưa ổn định. Gỡ được “thế khó” trong chi tiêu rồi, nhiều người sẽ cảm thấy thế là ổn. Nhưng thực tế thì không, vì chi tiêu tiết kiệm chỉ là bước 1, đôi khi còn chẳng phải “nước đi lâu dài”. Lý do thì dễ hiểu thôi, chúng ta có thể thắt lưng buộc bụng vài tháng chứ không thể sống dè sẻn suốt cả đời.
Thế nên nếu chỉ dừng lại ở bước 1 đó, cuộc sống sẽ rất bí bách. Tâm sự của cô vợ trong câu chuyện dưới đây là một trường hợp như vậy. Nhiều người bức xúc, không đồng tình dù chi tiêu của gia đình hiện tại chẳng có gì để chê…
Đó là bình luận và cũng là lời khuyên mà phần lớn mọi người đều đồng tình. Hiện tại, cô đang thất nghiệp, mỗi tháng chồng đưa 10 triệu để trang trải chi tiêu. Ở Hà Nội, cầm 10 triệu trong tay, đến cuối tháng vẫn dư được 2,4 triệu đồng nhưng đầu óc không lúc nào được thư thái vì suy nghĩ “làm sao cắt giảm thêm được bây giờ?”.
Bảng chi tiêu hàng tháng do cô vợ chia sẻ
“Con đã đi học rồi thì bạn đi làm đi, làm gì cũng được, giờ lao động phổ thông cũng kiếm được 6-7 triệu đỡ vào chi phí sinh hoạt gia đình rồi. Ở Hà Nội thì đi làm dọn nhà, giúp việc theo giờ có khi còn kiếm cả chục triệu hoặc hơn. Phải tìm cách mà kiếm tiền chứ sao chỉ nghĩ đến cắt giảm chi tiêu trời?” - Một người bình luận.
“Than thở mãi nghe đến chán, kêu muốn tiết kiệm nhưng không đi làm dù con đã đi học, rồi làm gì mà mỹ phẩm tốn cả triệu bạc 1 tháng? Bớt khoản đó đi thì dư thêm được 1,1 triệu. Chừng đó mua 1 lần dùng có khi được 8 tháng” - Một người thẳng thắn.
“Tiền mỹ phẩm bằng 10% ngân sách chi tiêu cả tháng mà không thấy vô lý thì mình cũng chịu. Cắt giảm nó chỉ là phương án tạm thời thôi, giảm được 1 triệu/tháng khoản mỹ phẩm thì thực ra cũng không đáng là bao nhiêu cả, nên thời gian đau đầu nghĩ cách cắt giảm chi tiêu thì kiếm việc mà làm mom ạ” - Một người chung quan điểm.
Có nhiều lý do để một người chưa thể đa dạng thu nhập ở thời điểm hiện tại, khi bối cảnh thị trường việc làm có phần "đìu hiu" do làn sóng cắt giảm nhân sự. Nhưng đó chưa bao giờ là lý do để chúng ta cứ ngồi yên than thở và chẳng làm gì. Vì rõ ràng, khó khăn là tình hình chung nhưng vẫn không ít người có nhiều hơn 1 nguồn thu, 1 công việc ngay lúc này.
Ảnh minh họa
Thế nên thiết nghĩ việc không có thu nhập, hoặc chưa thể đa dạng thu nhập chỉ là 1 giai đoạn, không phải tình cảnh không thể thay đổi nếu làm được những việc dưới đây.
1 - Có ngoại ngữ và kỹ năng mềm
Ở Việt Nam nhưng làm việc từ xa cho công ty nước ngoài là một trong những cách kiếm tiền của không ít dân văn phòng hiện nay. Và để làm được điều đó, giỏi ngoại ngữ là điều bắt buộc.
Bên cạnh đó, ngoài kỹ năng chuyên môn, việc có kỹ năng mềm - là kỹ năng giao tiếp, kỹ năng đàm phán,... cũng rất quan trọng. Tất cả đều phục vụ mục đích kiếm được việc lương cao và chứng minh năng lực làm việc của bản thân.
2 - Không ngừng học hỏi, không ngại nâng cấp “cần câu cơm”
Tùy vào lĩnh vực bạn đang theo đuổi mà việc nâng cấp dụng cụ làm việc có thể là cần thiết, hoặc không. Tuy nhiên, việc nâng cấp kiến thức, kỹ năng chuyên môn cũng như các kỹ năng phụ liên quan, là điều bắt buộc nếu muốn có mức thu nhập cao. Lĩnh vực nào cũng vậy.
Ảnh minh họa
Người thành công tìm được “job phụ” có mức lương tốt và thành công duy trì công việc ấy, hay nói chung, là duy trì mức thu nhập cao ổn định chính là người không đi chậm hơn sự phát triển của xã hội, của ngành nghề mà họ đang theo đuổi.
3 - Phải chấp nhận sự vất vả
Mọi lựa chọn đều là sự đánh đổi. Muốn có thu nhập cao, phải chấp nhận bớt thời gian vui chơi, đôi khi là “bận bù đầu” đến mức thiếu ngủ. Ngược lại, muốn có thời gian rong chơi, trải nghiệm khám phá cuộc sống, đồng nghĩa với giảm thời gian làm việc, bạn phải chấp nhận mức thu nhập không vượt trội so với mặt bằng chung.
Quyết định ra sao, lựa chọn thế nào, đương nhiên là tùy người, tùy hoàn cảnh. Chỉ có 1 điều chắc chắn: Không bao giờ có công việc hợp pháp nào “việc nhẹ, lương cao”!