Gia đình càng đông con thì tất nhiên cha mẹ sẽ vui, và những đứa trẻ sẽ mừng vì có nhiều anh chị em. Tuy nhiên, gánh nặng tài chính cũng đặt lên vai cha mẹ rất nhiều, đặc biệt là khi những đứa trẻ bước vào giai đoạn đến trường. Như mới đây, một người mẹ đã chia sẻ về hoàn cảnh gia đình có 4 người con của mình (đang bầu bạn thứ 4) và nhận được rất nhiều sự đồng cảm.
Cụ thể, người vợ chia sẻ trong một group chuyên về chi tiêu như sau:
"Lương 5 triệu mà ăn tiêu như 50 triệu là có thật. Nhà nghèo nhưng lại đẻ lắm đây ạ. Thu nhập 2 vợ chồng cũng chỉ tầm 30 triệu/tháng thôi. Một tháng nhà mình tiêu khoảng tầm như này, chưa kể tiền ăn học ở trường và tiền học thêm của 3 bạn nhỏ. Mình muốn vén quá mà không biết vén khoản nào cho hợp lý. Các bác tư vấn giúp em với".
Đính kèm cùng dòng tâm sự là những khoản chi tiêu của gia đình này:
- Điện nước: 1 triệu.
- Xăng xe vợ (đi làm đưa đón con đi học): 1,5 triệu.
- Dầu xe chồng (nhà làm nhôm kính): 3 triệu.
- Muối dầu ăn: 500k.
- Ăn sáng: 1,5 triệu.
- Ăn tối, hoa quả: 8 triệu.
- Ăn ngoài (thỉnh thoảng): 1 triệu.
- Mua linh tinh (quần áo cho con, thuốc cho mẹ đang bầu bạn thứ 4): 2 triệu.
- Tiền phát sinh không cố định như tiền sữa, tiền cho nội ngoại, hiếu hỷ, cho con đi chơi: 2 triệu.
Tổng cộng: 20,5 triệu".
Bảng chi tiêu của gia đình có 4 người con.
Bên dưới bài đăng, nhiều người đã nhận xét về bảng chi tiêu này. Đa phần đều cho rằng gia đình có 4 con, nên mức chi tiêu này đã vén lắm rồi, khó thể bớt các khoản chi tiêu. Nhiều người cũng nhận xét cặp vợ chồng nên cố gắng gia tăng thu nhập thêm, khi gia đình đón chào thêm thành viên mới thì sẽ phát sinh rất nhiều chi phí.
Dưới đây là một số bình luận nổi bật:
- "Ăn sáng 5 người mà có 1,5 triệu, ăn tối, hoa quả và cả ăn ngoài có 2,3 triệu là vén quá đỉnh rồi mẹ cháu ạ!".
- "Thu nhập 30 triệu sinh 4 bé, đỉnh nóc! Thôi không phải vén đâu, tính sao nuôi đủ cho con ăn no, mặc ấm là được rồi bác ạ".
- "Này mới tính chi phí chưa xuất hiện bạn thứ 4 (đang bầu). Nên là to be continued nhé. Thêm bạn thứ 4 thì lại cần tiền đẻ, ti tỉ loại cho bé, tiền tiêm phòng, thuốc men khám chữa vì trẻ con hay ốm. Chưa kể mẹ bị giảm thu nhập sau sinh. Giờ chỉ cố tìm cách gia tăng thu nhập chứ vén như thế nào được nữa. Quá can đảm rồi."
- "Giống nhà mình, vẫn rủng rỉnh và thoả mái bạn ơi. Nhà mình cả 4 không học thêm, chỉ học ở trường, học hết trường công nên bé cấp 3 hết có 5-6 triệu/năm học, cấp 2 và 1 mỗi bé hết 1-1,2 triệu. Tổng tiền học 5 triệu/tháng. Các con không học thêm vì mình dạy được, trộm vía cả 4 học sinh giỏi bằng thực lực. Cố lên bạn"
- "Thu nhập 30 triệu mà 4 đứa con và 1 chiếc ô tô (xe tải chồng đi làm thì không tính). Muốn vén nữa chắc chỉ có nước cho con ăn cơm muối vừng thôi. Nhà mình thu nhập hơn 100 triệu/tháng mà còn không dám nghĩ đến đứa thứ 4. 3 đứa con mà tháng nào cả nhà cũng chi 50-60 triệu rồi ".
Ảnh minh hoạ.
Với nhiều thành viên, chi phí cho thực phẩm, giáo dục, quần áo, và chăm sóc sức khỏe tăng lên đáng kể, đòi hỏi cha mẹ phải quản lý chi tiêu một cách khoa học và hiệu quả. Dưới đây là một số tips mà các bậc phụ huynh có đông con có thể tham khảo để quản lý tài chính của gia đình mình!
Để quản lý chi tiêu hiệu quả, gia đình đông con cần bắt đầu bằng việc đánh giá tổng quan về thu nhập và chi phí. Hai vợ chồng nên cùng ngồi lại, tính toán tất cả nguồn thu – từ lương chính, làm thêm, đến hỗ trợ từ người thân – và liệt kê các khoản chi cố định lẫn biến đổi như tiền nhà, thực phẩm, học phí, và đồ dùng cho các con.
Ví dụ, nếu gia đình có 4 người con và chi 15 triệu/tháng chỉ riêng cho ăn uống, việc ghi chép sẽ giúp nhận ra đâu là khoản cần tối ưu. Dùng bảng tính hoặc ứng dụng tài chính sẽ hỗ trợ việc theo dõi dễ dàng hơn, từ đó ưu tiên những nhu cầu thiết yếu cho cả nhà.
Ảnh minh hoạ.
Với gia đình đông con, lập ngân sách là bước quan trọng để kiểm soát chi tiêu. Một cách tiếp cận phù hợp là mô hình 70/20/10: 70% thu nhập cho nhu cầu cơ bản (nhà ở, thực phẩm, học phí, y tế), 20% để tiết kiệm hoặc trả nợ, và 10% cho giải trí hoặc dự phòng.
Chẳng hạn, với thu nhập 30 triệu/tháng, 21 triệu có thể dùng cho sinh hoạt gia đình, 6 triệu để tiết kiệm, và 3 triệu cho các nhu cầu khác. Vì chi phí cho con cái thường chiếm phần lớn, hãy ưu tiên thực phẩm đủ dinh dưỡng và giáo dục cơ bản, cắt giảm những khoản như du lịch xa hoặc mua sắm không cần thiết.
Gia đình đông con có thể tiết kiệm đáng kể bằng cách chi tiêu thông minh trong sinh hoạt hàng ngày. Mua thực phẩm, tã, hoặc đồ dùng học tập số lượng lớn từ chợ sỉ hoặc siêu thị có khuyến mãi sẽ rẻ hơn nhiều so với mua lẻ. Tái sử dụng cũng là cách hiệu quả: quần áo, sách vở, đồ chơi từ anh chị lớn có thể chuyển cho em nhỏ, giảm chi phí mua mới.
Ví dụ, thay vì mua 5 bộ đồng phục mới mỗi năm (khoảng 2 triệu), dùng lại đồ cũ còn tốt có thể tiết kiệm được nửa số tiền. Tự nấu ăn số lượng lớn thay vì mua đồ sẵn cũng giúp cắt giảm hàng triệu đồng mỗi tháng.
Giáo dục là khoản chi lớn trong gia đình đông con, nhưng có thể quản lý hợp lý bằng cách đầu tư thông minh. Thay vì cho tất cả các con học trường quốc tế đắt đỏ, có thể chọn trường công lập chất lượng tốt và bổ sung lớp học thêm chỉ khi cần thiết. Mua sách cũ, mượn thư viện, hoặc chia sẻ tài liệu giữa các anh em cũng là cách giảm chi phí.
Nếu có điều kiện, lập quỹ tiết kiệm giáo dục từ sớm – như gửi 2 triệu/tháng vào tài khoản lãi suất cao – sẽ giúp cha mẹ đỡ áp lực khi con vào đại học. Điều này vừa đảm bảo tương lai cho con, vừa không làm kiệt sức tài chính hiện tại.
Cuối cùng, quản lý chi tiêu trong gia đình đông con đòi hỏi sự đồng lòng từ cả cha mẹ lẫn các con. Hai vợ chồng cần thống nhất kế hoạch tài chính, phân chia trách nhiệm – như một người quản lý ngân sách, người kia giám sát mua sắm.
Đồng thời, dạy các con lớn hơn hiểu giá trị tiền bạc, khuyến khích chúng tiết kiệm tiền tiêu vặt hoặc phụ giúp việc nhà để giảm gánh nặng. Nếu thu nhập biến động hoặc chi phí tăng đột biến (như con ốm), gia đình cần linh hoạt điều chỉnh, có thể nhờ hỗ trợ từ người thân hoặc tìm thêm nguồn thu nhập phụ. Sự phối hợp này không chỉ giúp tài chính ổn định mà còn xây dựng tinh thần trách nhiệm trong gia đình.