Trường tiểu học ở Tiên Du, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc
Ngôi trường tiểu học này chỉ có duy nhất một thầy một trò là bé gái Zhang Siqi (8 tuổi) và thầy giáo Zhang Wanjia. Làn sóng di cư ồ ạt của người dân nông thôn lên thành phố là nguyên nhân khiến ngôi trường vắng tanh như vậy.
Được biết, học sinh duy nhất của trường từ khi sinh ra đã bị khiếm khuyết đĩa đệm ở xương sống và đây cũng là lý do khiến ngôi trường vẫn tiếp tục mở cửa vì em không thể di chuyển một đoạn đường quá xa để đến các trường tiểu học khác. Chương trình dạy học tuân theo chương trình chuẩn của quốc gia và công việc kéo cờ đầu tuần cũng do chính bé Siqi phụ trách.
Hai thầy trò trong giờ thể dục
Siqi rất thích đi học mặc dù chỉ có em là học sinh trong ngôi trường rộng lớn.
Thầy Wanjia chia sẻ: “Dạy học một thầy một trò không đơn giản như mọi người nghĩ. Đôi lúc tôi muốn có người trò chuyện nhưng không thể kiếm được một ai.”
Trường tiểu học ba thành viên tại tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc
Ngôi trường khang trang được xây dựng năm 2005 với ba tầng và 24 lớp học. Năm 2010, học sinh trong trường vẫn trên dưới 80 em. Sang năm tiếp theo, số lượng học sinh giảm xuống còn 17. Cho đến năm ngoái, trường chỉ còn một học sinh và hai thầy giáo thay phiên đứng lớp.
Một thầy một trò tích cực theo đuổi con chữ.
Hằng ngày, cậu học trò nhỏ Hu Yang vẫn đều đặn đến lớp, ngồi vào chiếc bàn duy nhất trong phòng học và chăm chú nghe thầy giảng bài. Dù chỉ có một học sinh nhưng giáo án của Bộ giáo dục vẫn được các thầy tuân thủ nghiêm ngặt.
Thầy giáo và học sinh vẫn đều đặn đến lớp mỗi ngày.
Thầy giáo Zheng Zhixiong giải thích, để mưu sinh, người dân nơi đây phải rời khỏi quê hương để làm việc và kiếm sống ở những thành phố lớn, học sinh cũng phải bỏ học để đi theo gia đình.
Trường tiểu học của thị trấn nhỏ Alpette, Italia
Ngôi trường này trước đây là trụ sở của tòa Thị Chính. Năm ngoái trường cũng có 4 học sinh, nhưng năm nay các em đó đã tốt nghiệp sau 5 năm học tiểu học. Vì thế mà chỉ còn mình Sofia Viola (8 tuổi) là học sinh được dìu dắt với sự tận tâm của cô Isabella Carvelli.
Mặc dù số lượng học sinh rất ít, nhưng các nhà chức trách Ý vẫn quyết định duy trì ngôi trường này miễn là có ít nhất một học sinh đi học. Cô Isabella chia sẻ: “Giờ học vẫn được duy trì theo giáo trình dành cho lớp học 20 học sinh. Tuy nhiên, chỉ dạy duy nhất một học trò khiến tôi cảm thấy rất cô đơn. Tôi và Sofia phải tưởng tượng ra những học sinh khác trong lớp bằng cách bày sách vở trên những bàn học trống để giảm bớt không khí vắng lặng.”
Ba mẹ của Sofia lại rất thích ngôi trường này, họ cảm thấy phương pháp học “một thầy một trò” như vậy thì càng hiệu quả. Mỗi tuần, cô bé sẽ được đưa đến trường lớn trong thành phố để học hỏi và giao lưu với các bạn. Được biết, năm sau trường sẽ có thêm nhiều học sinh từ mẫu giáo chuyển lên.
Trường tiểu học ở Liêu Ninh, Trung Quốc
Vào những năm của thập niên 60, ngôi trường tiểu học tại Trung Quốc này đã từng là nơi học tập của hàng trăm học sinh. Tuy nhiên, vào năm 2012, trường ghi nhận chỉ còn bốn học sinh theo học dưới sự dạy dỗ của thầy Zhang Baohua.
Thầy Zhang Baohua và bốn học trò trong buổi chào cờ đầu tuần.
Thầy giáo cho biết đây từng là ngôi trường tốt nhất trong vùng và thầy đã gắn bó với nơi này từ hơn 30 năm về trước. “Con đường dẫn tới trường quá lầy lội vào những ngày mưa. Do đó, giáo viên và học sinh dần chuyển đến ngôi trường nội trú ở gần thị trấn. Bốn học sinh vẫn tiếp tục theo học ở ngôi trường tồi tàn này vì các em không có điều kiện để chuyển sang các trường khác.”
Không chỉ dạy các môn học chính, thầy còn dạy thêm âm nhạc và giáo dục thể chất. Môn học duy nhất mà thầy không thể dạy đó là tiếng Anh. Chính quyền địa phương đã cố gắng đóng cửa trường học nhiều lần, nhưng các bậc phụ huynh không đồng tình. Họ tin thầy sẽ luôn hết mình giảng dạy cho học sinh đạt điểm cao nhất có thể trong mỗi kỳ thi.