Từ cây bút pastel, sticker vintage, cho đến máy khuếch tán tinh dầu, cốc giữ nhiệt cute - chúng đều có một điểm chung: bạn mua vì nghĩ rằng chúng sẽ giúp mình làm việc chăm chỉ hơn.
Nhưng sự thật là gì? Deadline thì vẫn trễ. Mood làm việc thì vẫn hên xui. Mấy món đồ kia chỉ nằm đó, đẹp, xịn và phủ bụi.
Chi tiền để tạo động lực nghe có vẻ hợp lý, nhưng nếu cái bạn mua là cảm giác sắp sửa chăm chỉ chứ không phải hiệu quả thật sự thì đó là một khoản đầu tư không lời cả về tiền lẫn năng suất.
Ảnh minh hoạ
Sinh nhật đồng nghiệp hồi tháng 3, voucher spa tặng 8/3, bao lì xì từ Tết vẫn nằm chình ình ở góc bàn. Giữ lại những thứ này chỉ khiến góc làm việc trông như một cái hộp ký ức của thói quen tiêu xài cũ kỹ.
Khi bạn không dọn đi những thứ đã hết hạn sử dụng dù là về mặt vật lý hay tinh thần, bạn cũng đang mặc định giữ lại những tư duy cũ kỹ: tiếc của, tiếc tiền, tiếc luôn cả những lần chi sai.
Bạn không thể bắt đầu tiêu tiền thông minh hơn khi vẫn sống giữa những dấu vết của các quyết định tài chính tệ hại.
Ảnh minh hoạ
Một thứ quen mặt trên bàn làm việc của dân văn phòng: các tờ hóa đơn đặt hàng online. Cái đáng nói là bạn chẳng nhớ mình đã mua gì nhưng hóa đơn thì còn đó như một bằng chứng ngầm: bạn đã tiêu tiền một cách rất bốc đồng.
Có người giữ lại hóa đơn để kiểm soát chi tiêu. Nhưng nếu bạn giữ toàn những bill linh tinh, không món nào thật sự cần thiết thì chúng chẳng phải công cụ theo dõi tài chính mà là gương phản chiếu lối sống tiêu xài không kiểm soát.
Một chiếc bàn làm việc tốt nên giúp bạn kiếm tiền, không phải trưng bày mớ quyết định khiến ví tiền rỗng tuếch.
Ảnh minh hoạ
Tổng kết: Bạn không thể kiểm soát tài chính khi nơi làm việc của mình còn rối ren
Dọn lại bàn làm việc không giúp bạn giàu lên ngay. Nhưng nó là bước đầu để nhắc bạn sống tỉnh táo, gọn gàng cả trong suy nghĩ lẫn cách tiêu tiền.
Vì nếu nơi bạn kiếm tiền còn không gọn gàng, thì làm sao tiền vào mà ở lại?