Sau khi kết thúc hội nghị sơ kết học kì I năm học 2022 -2023 vừa qua, hơn 170 cán bộ giáo viên, nhân viên trường THCS Giảng Võ ra lấy xe thì đã thấy các phần quà được chằng buộc rất cẩn thận, gọn gàng ở yên xe của mình.
Thầy Nguyễn Ngọc Hân - giáo viên Toán (trường THCS Giảng Võ) bày tỏ, cùng với nhiều giáo viên khác rất vui và cảm động khi nhận được phần quà Tết đầy trang trọng và độc đáo từ Ban Giám hiệu và công đoàn nhà trường.
Giáo viên ghi lại hình ảnh khi bất ngờ ra xe nhận được quà từ Ban giám hiệu trường THCS Giảng Võ.
Cô Nguyễn Thị Thanh Hà - Phó hiệu trưởng trường THCS Giảng Võ cho biết, thay vì tặng quà Tết cho cán bộ giáo viên và người lao động theo cách truyền thống, Ban giám hiệu đã quyết định làm theo một cách khác biệt, độc đáo nhưng không thiếu phần trang trọng.
"Trường THCS Giảng Võ cảm ơn đồng chí vì đã tận hiến. Kính chúc đồng chí và gia đình một năm mới an lành và hạnh phúc. Đó là lời chúc cùng phần quà nhỏ gửi đến giáo viên và người lao động nhà trường...", cô Thanh Hà chia sẻ.
Phần quà được Ban giám hiệu trường THCS Giảng Võ chuẩn bị cho giáo viên dịp Tết.
Còn cô Tô Thị Hải Yến - Hiệu trưởng trường THCS Giảng Võ cho biết, không chỉ có ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Tết Nguyên đán cũng là dịp để nhiều người bày tỏ lòng biết ơn đến thầy cô giáo. "Với thầy cô được nghe các thế hệ học trò nói về kỷ niệm, bước trưởng thành sẽ khiến họ rất vui và cảm động. Bởi Tết trong suy nghĩ của người Việt là dịp để mọi người sum vầy 'ôn cố tri tân'...", cô Tô Thị Hải Yến - Hiệu trưởng trường THCS Giảng Võ (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ.
Lời chúc Tết và phần quà trên yên xe của mỗi giáo viên được Ban giám hiệu trường THCS Giảng Võ chuẩn bị.
Trở thành nét đẹp truyền thống của Trường THCS Giảng Võ, mỗi dịp Tết đến xuân về, nhà trường chuẩn bị những phần quà nhỏ hay tấm thiệp chúc mừng năm mới để gửi tặng đến các thế hệ thầy cô giáo nhà trường, đặc biệt là thế hệ cựu giáo chức.
Cô Tô Thị Hải Yến bày tỏ, việc chăm sóc cho cán bộ giáo viên, nhân viên nói chung và những cán bộ, nhân viên hưu trí là việc làm cần thiết, ý nghĩa. Đây là một trong những nét đẹp truyền thống văn hoá ở Việt Nam. "Đó là những câu chuyện của người đi sau biết ơn người đi trước, người được thụ hưởng những cái đẹp biết ơn những người đã kiến tạo và xây dựng lên nó. Nó đặc biệt có ý nghĩa với người làm giáo dục...", cô Tô Thị Hải Yến chia sẻ.
Theo cô Tô Thị Hải Yến, việc chăm lo đời sống cho giáo viên hưu trí hay giáo viên có hoàn cảnh khó khăn mỗi dịp Tết đến xuân về, không chỉ là yêu cầu của công việc mà còn xuất phát từ nhu cầu của chính những người đang công tác và làm việc tại trường. Đó không chỉ là chỉ đạo, định hướng của các cấp lãnh đạo mà phù hợp với mong mỏi và truyền thống của mỗi nhà trường.
"Với những phần quà nhỏ hay những tấm thiệp gửi tặng các thầy cô giáo gửi gắm sự trân trọng, tình cảm ấm áp của nhà trường. Những phần quà đó đến đúng thời điểm nhân lên niềm vui của cán bộ hưu trí. Đồng thời, tăng sự kết nối giữa thế hệ đi trước với thế hệ hiện tại...", cô Tô Thị Hải Yến nhấn mạnh.
Trường THCS Giảng Võ với chặng đường hơn 30 năm xây dựng và phát triển, nhiều thế hệ cán bộ, giáo viên đã nghỉ hưu nhưng họ vẫn luôn dõi theo nhà trường. "Cán bộ cựu giáo chức với những kinh nghiệm, kiến thức có được để truyền lại cho những giáo viên mới. Đặc biệt, họ sẵn sàng cùng nhà trường tổ chức những hội nghị cần thiết, tràn ngập niềm vui, nên mới có câu nói “Giảng Võ là nhà”...", cô Tô Thị Hải Yến nhấn mạnh.