Bản đồ việc làm Việt Nam Quý I/2025: Những gam màu khác nhau ở các tỉnh thành

Quang Vũ, Theo Thanh niên Việt 13:30 23/05/2025
Chia sẻ

Bức tranh tuyển dụng tại Việt Nam trong quý I/2025 đã được JobsGO (nền tảng tuyển dụng và tìm việc hàng đầu Việt Nam) tái hiện với những chuyển động đa chiều, đặc biệt là TP.HCM và Hà Nội. Các tỉnh công nghiệp như Bình Dương, Đồng Nai và Hải Phòng dù nhu cầu tuyển dụng tăng cao nhưng lại gặp khó khăn trong việc thu hút nguồn nhân lực.

"Điểm nóng" việc làm quý I/2025: TP.HCM "hút" nhân lực, Hà Nội tăng trưởng mạnh tin đăng

Bản đồ việc làm Việt Nam Quý I/2025: Những gam màu khác nhau ở các tỉnh thành- Ảnh 1.

Không nằm ngoài dự đoán, TP.HCM tiếp tục khẳng định vị thế là một trong những trung tâm việc làm lớn nhất cả nước. Trong quý I/2025, thành phố ghi nhận tới 25.696 tin tuyển dụng, tăng 37% so với cùng kỳ năm trước. Riêng tháng 3, số lượng tin tuyển dụng bùng nổ với mức tăng trưởng 65,3% đã phần nào thể hiện sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường lao động, đồng thời phản ánh niềm tin của các doanh nghiệp vào triển vọng kinh tế trong năm nay.

Song song với nhu cầu tuyển dụng, TP.HCM cũng thu hút 191.499 hồ sơ ứng tuyển, tăng 18,2% so với quý 1/2024. Đặc biệt, tỷ lệ ứng viên trẻ tại TP.HCM lên tới 53,8%, cao hơn mức trung bình toàn quốc (39,7%). Mức độ cạnh tranh tại đây cũng khá cao khi trung bình mỗi vị trí việc làm nhận được 7 hồ sơ ứng tuyển. Điều này đòi hỏi ứng viên cần trang bị kỹ năng và kinh nghiệm phù hợp để nổi bật giữa "biển" CV.

Trong khi TP.HCM tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu về quy mô, Hà Nội lại cho thấy một sự bứt phá mạnh mẽ về tốc độ tăng trưởng nhu cầu tuyển dụng. Tổng số tin đăng tuyển trong quý I/2025 đạt 17.570 tin, tăng 47,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng với đó, lượng hồ sơ ứng tuyển cũng tăng 13% so với quý trước. Với tỷ lệ Gen Z chiếm 48,3% tổng số ứng viên, thủ đô tiếp tục khẳng định là điểm đến hấp dẫn cho thế hệ lao động trẻ trong bối cảnh nền kinh tế Hà Nội đang được hưởng lợi từ các chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển công nghệ cao và dịch vụ tài chính.

Theo Tổng cục thống kê, GDP quý I năm nay ước tính tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước. Các thành phố lớn như TP.HCM và Hà Nội, nhờ vào quy mô và độ mở kinh tế lớn, tất yếu trở thành "thỏi nam châm" hút nhân lực trẻ – nhóm ứng viên không chỉ năng động, sáng tạo mà còn sẵn sàng thích ứng nhanh với môi trường làm việc hiện đại.

Bình Dương, Đồng Nai và Hải Phòng chưa đủ hấp dẫn với ứng viên

Bản đồ việc làm Việt Nam Quý I/2025: Những gam màu khác nhau ở các tỉnh thành- Ảnh 2.

Nếu TP.HCM và Hà Nội được ghi nhận là hai cực tăng trưởng mạnh thì bức tranh tuyển dụng tại các tỉnh thành khác như Bình Dương, Đồng Nai và Hải Phòng lại có phần trầm lắng hơn với cùng một điểm đáng chú ý đó là: tuyển dụng tăng nhưng lượng hồ sơ ứng tuyển lại sụt giảm.

Số lượng việc làm Bình Dương trong quý I/2025 tăng 20,3% so với cùng kỳ, cho thấy nhu cầu lao động cao trong bối cảnh địa phương này tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài và mở rộng sản xuất công nghiệp. Song, lượng hồ sơ ứng tuyển lại giảm 21,6% so với năm trước và hiệu quả tuyển dụng cũng thấp hơn (chỉ 4 hồ sơ trên mỗi tin đăng). Ngay cả ngành Kinh Doanh/Bán Hàng có nhu cầu tuyển dụng cao nhất tại đây (tăng 23,8%) cũng chứng kiến sự sụt giảm đáng kể về lượng hồ sơ ứng tuyển (giảm 19%) so với cùng kỳ năm ngoái, cho thấy sự thiếu hụt nguồn cung ứng viên tiềm năng cho ngành này tại địa phương.

Xu hướng tương tự cũng diễn ra tại Đồng Nai khi số tin tuyển dụng trong quý I tăng tới 39,3% so với quý trước, nhưng lượng hồ sơ ứng tuyển lại giảm 25% so với cùng kỳ. Sự phân hóa còn rõ rệt hơn ở cấp độ ngành nghề: trong khi ngành IT Phần mềm chứng kiến sự bùng nổ về lượng ứng tuyển (tăng 118,3% trong tháng 3) thì ngành Kho vận lại ghi nhận giảm 30,2% hồ sơ.

Hải Phòng cũng không ngoại lệ. Mặc dù nhu cầu tuyển dụng các vị trí việc làm Hải Phòng tăng mạnh 52,7% nhưng lượng hồ sơ ứng tuyển lại giảm nhẹ 4,2% so với cùng kỳ năm trước. Ngành Kinh doanh/Bán hàng dẫn đầu về nhu cầu, song vẫn chứng kiến cạnh tranh gay gắt để thu hút ứng viên.

Nhìn chung, bối cảnh kinh tế vĩ mô đang tạo ra sự phân hóa mạnh mẽ trên thị trường lao động. Trong khi TP.HCM và Hà Nội bùng nổ cơ hội và thu hút mạnh mẽ nguồn nhân lực trẻ, thì các tỉnh lân cận lại đang phải đối mặt với thách thức thu hút ứng viên trong bối cảnh nhu cầu lao động ngày càng tăng cao. Xu hướng này dự báo sẽ tiếp tục trong các quý tiếp theo, đặt ra yêu cầu cho các doanh nghiệp địa phương cần chú trọng đầu tư hơn vào môi trường nội bộ để thu hút lao động trẻ trong giai đoạn phục hồi kinh tế đầy cạnh tranh.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày