Dù không lập kỷ lục nào về doanh số nhưng HTC Dream đã khởi động một cuộc cách mạng trong ngành công nghiệp điện thoại di động để rồi đưa Android trở thành hệ điều hành phổ biến nhất thế giới.
Nhưng HTC Dream trông như thế nào? Các tính năng, thông số kỹ thuật nào được trang bị trên chiếc smartphone này? Người ta nói gì về nó trong năm 2008 và nó đã ảnh hưởng gì tới smartphone Android?
Vào ngày sinh nhật thứ 10 của Dream và Android, mời các bạn cùng chúng tôi đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi trên.
Trước khi tìm hiểu về HTC Dream, chúng ta hãy xem nó được phát triển như thế nào.
Mặc dù Android được sáng lập từ trước nhưng câu chuyện của Dream chỉ thực sự bắt đầu từ năm 2005 khi Google mua lại Android với giá khoảng 50 triệu USD.
Khi đó, được sự hậu thuẫn mạnh mẽ và có nguồn tài nguyên khổng lồ của Google, Andy Rubin và các sáng lập Android khác bắt đầu làm việc một cách nghiêm túc để biến Android trở thành đối thủ đáng gờm của Symbian, Windows Mobile và iPhone OS (sau này là iOS). Android là hệ điều hành di động dựa trên nhân Linux.
Sooner
Cuối năm 2007, nguyên mẫu điện thoại Android đầu tiên với tên mã "Sooner" đã lộ diện. Ngay lập tức, người ta so sánh nó với các mẫu điện thoại BlackBerry.
Mặc dù một tính năng chính của Sooner là bàn phím QWERTY được trang bị trên Dream nhưng thực tế phần lớn thiết kế của Sooner đã bị loại bỏ sau khi Apple trình làng iPhone. Với iPhone, Apple mở ra kỷ nguyên của thiết bị màn hình cảm ứng và vì thế Sooner đã không được thương mại hóa.
Trong khi nhiều người đang chờ đợi chiếc điện thoại Google đầu tiên thì gã khổng lồ tìm kiếm lại có một kế hoạch bí mật, lớn hơn nhiều.
Là một nền tảng mở, chuẩn mực, Android nhanh chóng thu hút sự chú ý của các hãng phần cứng. Đỉnh điểm của mối quan tâm tới Android là sự ra đời của Open Handset Alliance (OHA), bao gồm các hãng sản xuất, nhà mạng và hãng sản xuất chip, mỗi hãng đều cam kết phát triển các tiêu chuẩn mở cho các thiết bị di động.
Một trong những thành viên sáng lập OHA là HTC và nhờ HTC trong những năm tiếp theo doanh thu và thị phần của HTC đã tăng trưởng mạnh. HTC cũng được hợp tác lâu dài với Google bao gồm cả dự án phát triển Nexus One, chiếc smartphone Google đầu tiên.
Nhưng mối quan hệ đó bắt đầu bằng smartphone Android đầu tiên, ra mắt ngày 23/9/2009, chiếc HTC Dream. Chưa đầy một tháng sau, ngày 22/10, chiếc điện thoại này được bán tại Mỹ với tên gọi T-Mobile G1, giá 179 USD.
Tất nhiên, chúng ta không thể đánh giá thiết kế của Dream theo tiêu chuẩn hiện tại. Thế nhưng trong năm 2008 nó cũng không được coi là một chiếc điện thoại có thiết kế đẹp.
Dream không có sự hấp dẫn, bóng bẩy như iPhone 3G, Sony Ericson Xperia X1, Nokia N96 hay BlackBerry Bold 9000. Tuy nhiên, nó có kiểu dáng độc đáo và trải nghiệm hệ điều hành hoàn toàn mới.
Máy có màn hình cảm ứng điện dung TFT 3.2 inch với độ phân giải 320 x 480 pixel. Khác với những smartphone không viền hiện tại, màn hình Dream chỉ chiếm dưới 50% so với thân máy và tỷ lệ màn hình 3:2.
Ẩn bên dưới màn hình là bàn phím QWERTY cho những ai chưa quen dùng màn hình cảm ứng.
Thực tế, lúc ra mắt Dream chưa có bàn phím ảo, đồng nghĩa với việc người dùng muốn gõ bất cứ thứ gì đều phải dùng tới bàn phím QWERTY. Rất may, bản cập nhật phần mềm sau đó đã bổ sung thêm bàn phím ảo.
Chiếc điện thoại này cũng có 5 nút vật lý. Ngoài nút gọi và gác máy tiêu chuẩn ở thời điểm đó, Dream còn có nút home, nút back và nút menu.
Tất cả các nút này đều nằm ở cái cằm của Dream, phần có thiết kế hơi cong để đưa mic tới gần miệng hơn khi gọi điện. Đây là một thiết kế kì cục, tạo ra sự vướng víu khi người dùng gõ phím.
Và như thể 5 nút vật lý là chưa đủ, Dream còn có nút chụp ảnh chuyên dụng, nút âm lượng và trackball có thể nhấn được. Ngoài một loa ở phía sau, điểm thiết kế đáng chú ý khác của Dream chính là không có cổng kết nối được rất nhiều người ưa thích đó là jack cắm tai nghe 3.5 mm.
Dream yêu cầu người dùng cắm vào một adapter để sử dụng tai nghe tương thích với cổng ExtUSB (cổng kết nối này cũng tương thích với Mini USB). Nhiều năm sau này, các mẫu smartphone Android đều có jack cắm tai nghe 3.5 mm. Gần đây, một số hãng cũng quyết định loại bỏ kết nối này sau khi Apple khai tử nó từ iPhone 7 trở đi.
Mặc dù thiết kế hơi khó hiểu nhưng nhờ Android, Dream cung cấp rất nhiều tính năng đáng chú ý. Ngay cả phiên bản nguyên thủy 1.0, Goolge chỉ thêm biệt danh từ Android 1.1 Petit Four, Android đã có nhiều tính năng mà đối thủ không có.
Màn hình chính có thể tùy chỉnh (tối đa ba màn hình ở thời điểm ra mắt), widget, copy và paste, đa nhiệm cho tất cả các ứng dụng (bao gồm cả ứng dụng của bên thứ ba) là một vài tính năng tốt nhất trên Dream và cho tới hiện tại vẫn là xương sống của Android. Khay thông báo gọn gàng dụng của Android thời điểm đó vượt trội hoàn toàn so với kiểu thông báo lộn xộn của iPhone OS. Và cho tới trước khi iOS 12 mới ra mắt gần đây, Android vẫn hiển thị thông báo một cách gọn gàng, dễ quản lý hơn iOS.
Dream cũng tạo ra nền tảng cho mô hình dịch vụ và ứng dụng của Google, thứ mang về hàng tỷ USD trong thập kỷ sau đó.
Google Maps (hỗ trợ bởi GPS và la bàn tích hợp đầu tiên trên thế giới), Gmail, YouTube được cài đặt sẵn trên Dream. Một trình duyệt HTML cơ bản mà khi mở sẽ tải trang chủ tìm kiếm Google cũng được trang bị.
Tuy nhiên, quan trọng nhất chính là Android Market, một cửa hàng kỹ thuật số mở cửa chỉ với khoảng chục ứng dụng của các nhà phát triển bên thứ ba, tiền thân của Play Store hiện tại. Nó từ từ phát triển, ngày càng thu hút nhiều nhà phát triển viết ứng dụng cho Android, cung cấp cho người dùng Dream nguồn ứng dụng và game vô tận.
Xét theo tiêu chuẩn hiện tại, thông số của Dream yếu ớt lạc hậu nhưng năm 2008 nó là một thiết bị mạnh mẽ. Dream dùng SoC Qualcomm MSM7201A với GPU Adreno 130, có 192 MB RAM và dung lượng 256 MB (có thể mở động tối đa 16 GB) và pin 1.150 mAh có thể tháo rời.
Về camera, Dream có camera sau 3.15 MP với khả năng tự động lấy nét khi chụp ảnh. Khả năng quay video được thêm vào trong bản cập nhật Android 1.5 Cupcake.
Tại Mỹ, T-Mobile bán được 1 triệu chiếc G1 trong sáu tháng đầu tiên. Trong khi đó, nó đã giúp Android chiếm vị trí thứ 4 trên thị trường smartphone Mỹ với 6% thị phần, xếp sau Windows Mobile OS (11%), BlackBerry RIM OS (22%) và iPhone OS (50%).
Mặc dù doanh số bán hàng chỉ ở mức khá nhưng tất cả mọi người đều có chung một đánh giá về Dream. Một số người khen thông số ấn tượng của Dream và mức độ hiệu quả của nó khi mang hệ sinh thái Google tới thị trường di động. Những người khác lại chê thiết kế của nó nhạt nhẽo, tuổi thọ pin kém (chỉ hơn 5 tiếng nói chuyện) và số lượng ứng dụng hạn chế trên Android Market khi ra mắt.
Tuy nhiên, chủ đề phổ biến nhất khi mọi người nói về Dream chính là Android. Gần như tất cả mọi người đều đồng ý rằng đây là một hệ điều hành đầy hứa hẹn và có thể trở thành một thế lực trong ngành công nghiệp di động.
Kể từ khi Dream ra mắt tới nay đã mười năm và Android đang chiếm lĩnh thị trường với hơn 75% thị phần và hàng trăm đối tác phát triển các thiết bị Android. Với Dream, cuộc đời của nó kết thúc êm đẹp vào năm 2010 sau khi HTC ngừng sản xuất. Android 1.6 Donut là bản cập nhật cuối cùng của Dream.
Dream là một phần trong lịch sử phát triển của Android và những ảnh hưởng của nó chúng ta vẫn có thể thấy trên các mẫu smartphone Galaxy, Pixel, Mate và nhiều mẫu smartphone khác mà chúng ta thấy hiện tại.
Vì vậy, mỗi khi cầm trên tay chiếc smartphone Android, bạn hãy dành vài giây nhớ về Dream, chiếc smartphone huyền thoại, khởi đầu của tất cả những gì chúng ta có ngày nay.