Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cho biết trong báo cáo phát hành tháng 6/2024, doanh thu của ngành hàng không toàn cầu sẽ đạt mức cao kỷ lục là 996 tỷ USD năm 2024. Lợi nhuận ròng năm 2024 đạt 30,5 tỷ - tăng 3,1 tỷ USD so với năm 2023.
William M. Walsh - Tổng giám đốc của IATA cho biết, với kỷ lục 5 tỷ hành khách hàng không năm 2024, nhu cầu bay của con người chưa bao giờ mạnh mẽ hơn thế. Nhờ đó, các hãng hàng không tiếp tục củng cố lợi nhuận của mình. Khả năng sinh lời cho phép ngành đầu tư vào các sản phẩm đáp ứng nhu cầu của khách hàng và vào các giải pháp bền vững mà ngành hàng không cần để đạt được mục tiêu Net Zero (phát thải ròng bằng 0) vào năm 2050.
Thực tế, vận tải hàng không chiếm khoảng 2-3% lượng khí thải nhà kính do con người gây ra trên toàn cầu. Trong gần một thế kỷ, máy bay đã được tiếp nhiên liệu bằng dầu hỏa. Đã đến lúc nhân loại bứt phá với loại nhiên liệu mới thân thiện với môi trường hơn.
Chúng ta đang nói đến một thế hệ nhiên liệu hàng không bền vững mới có khả năng giảm một nửa lượng khí thải carbon của ngành hàng không vào năm 2050. Đó chính là Nhiên liệu hàng không bền vững (SAF).
Và họ cần dầu mỡ thải (loại dầu thực vật và mỡ đã qua sử dụng) - một trong những nguyên liệu đầu vào - thông qua quá trình xử lý công nghệ cao - để tạo nên SAF. Và đây mới chỉ là một phần trong câu chuyện "xanh hóa" ngành hàng không.
Đối mặt với một hành tinh đang ngày càng nóng lên, kéo theo đó là các hiện tượng thời tiết cực đoan khiến sinh mạng và sinh kế đều bị tác động sâu sắc, nửa sau thế kỷ 21 này, nhân loại cần phải chặn đứng hiện tượng nóng lên toàn cầu. Bằng Net Zero. Chỉ với Net Zero (phát thải ròng bằng 0) vào năm 2050, mức nhiệt toàn cầu mới được kìm giữ ở 1,5 độ C.
Đây là xu thế không thể khác của nhân loại. Nhìn vi mô hơn, ngành hàng không thế giới cần có biện pháp gì để góp phần đạt Net Zero. Câu trả lời chính là SAF.
Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cho biết, SAF là giải pháp duy nhất đã được chứng minh có thể thay thế dầu hỏa truyền thống cho máy bay khi SAF dự kiến sẽ đóng góp 65% nỗ lực để ngành đạt mục tiêu Net Zero năm 2050. Do đó, việc tăng tốc sử dụng SAF lớn nhất dự kiến sẽ diễn ra vào những năm 2030 khi chính sách hỗ trợ trở nên đồng nhất trên toàn cầu.
1. Trước tiên cần hiểu nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) là gì?
Không giống như nhiên liệu phản lực truyền thống có nguồn gốc hoàn toàn từ tài nguyên hóa thạch, SAF ngày nay là hỗn hợp nhiên liệu hóa thạch thông thường cộng với các thành phần tổng hợp được làm từ nhiều loại "nguyên liệu đầu vào" tái tạo (như dầu ăn/mỡ đã qua sử dụng; rác thải xanh; chất thải đô thị, nông nghiệp và lâm nghiệp).
SAF "bền vững" vì nguyên liệu thô không cạnh tranh với cây lương thực hoặc nguồn cung cấp nước, hoặc chịu trách nhiệm cho sự suy thoái rừng. Trong khi nhiên liệu hóa thạch làm tăng mức CO2 tổng thể bằng cách thải ra carbon đã bị khóa trước đó, SAF tái chế CO2 đã được hấp thụ bởi sinh khối được sử dụng trong nguyên liệu trong suốt quá trình tồn tại của nó.
2. Ba trong số những cách phổ biến nhất để tạo SAF là:
- HEFA (Ester và Axit béo được xử lý bằng hydro): Quy trình HEFA tinh chế dầu thực vật, mỡ thải hoặc chất béo thành SAF thông qua quá trình xử lý bằng hydro và thủy chế.
- Alcohol to Jet: Alcohol to Jet (AtJ) chuyển đổi các loại rượu như ethanol và iso-butanol thành SAF bằng cách loại bỏ oxy và liên kết các phân tử với nhau.
- eFuel: SAF có thể được sản xuất bằng cách sử dụng hydro xanh, thu giữ CO2 và sử dụng điện tái tạo để tạo ra nhiên liệu tổng hợp. Loại SAF này đôi khi được gọi là eFuel hoặc Power-to-Liquid (PtL).
3. SAF giảm lượng khí thải carbon của ngành hàng không như thế nào?
Trung bình, SAF có thể giảm 80% lượng khí thải CO2 so với nhiên liệu phản lực truyền thống. Hiện, SAF đang được phát triển để cuối cùng trở thành nguồn cung cấp năng lượng 100% cho máy bay. Tất cả đóng vai trò rất quan trọng đối với tiến trình khử carbon của ngành hàng không thế giới.
Nói rõ hơn, chìa khóa cho tác động giảm CO2 của SAF nằm ở vòng đời của nó. Khi bị đốt cháy, SAF vẫn tạo ra khí thải tương tự như khí thải từ nhiên liệu hóa thạch. Nhưng không giống như nhiên liệu phản lực thông thường, lấy tài nguyên hóa thạch từ lòng đất và thải carbon đã lưu trữ trước đó vào khí quyển, SAF chủ yếu sử dụng carbon là một phần của chu trình carbon hiện tại trong nhiều nguyên liệu đầu vào khác nhau.
Điều này có nghĩa là CO2 thải ra trong quá trình bay của máy bay được hấp thụ lại bởi sinh khối (sinh vật sống) được sử dụng trong quá trình sản xuất SAF.
3. Thách thức là gì?
Hệ sinh thái SAF đang trong giai đoạn sơ khai. Năm 2023, khối lượng SAF đạt hơn 600 triệu lít, gấp đôi so với 300 triệu lít được sản xuất vào năm 2022 nhưng vẫn chỉ chiếm 0,2% tổng lượng nhiên liệu hàng không trong năm. Khối lượng hạn chế đồng nghĩa việc SAF đắt hơn nhiều so với nhiên liệu máy bay thông thường: Giá SAF cao gấp 2 đến 4 lần giá dầu hỏa.
Một trong hạn chế khiến SAF còn nhiều thách thức là tiền công và tiền tư vẫn tiếp tục chảy mạnh vào lĩnh vực năng lượng hóa thạch – hơn 1.000 tỷ USD vào năm 2023.
Trong tương lai, khi SAF được sản xuất mở rộng, nó có thể cạnh tranh về giá với dầu hỏa, nhưng điều này không phải là điều chắc chắn; nó đòi hỏi sự hợp tác giữa các chính phủ, ngành công nghiệp và cơ quan quản lý trên phạm vi toàn cầu.
IATA đang kêu gọi Nam Phi huy động kinh nghiệm, nguồn lực và cơ sở hạ tầng của mình để đẩy nhanh quá trình phát triển sản xuất SAF. Không chỉ có tiềm năng to lớn để trở thành nhà sản xuất SAF top đầu thế giới, nước này còn có một thị trường đang chờ đợi sử dụng SAF vì các hãng hàng không nước này đều nỗ lực cho mục tiêu Net Zero 2050.
4. 10 hãng hàng không bền vững nhất thế giới
Tạp chí Sustainability Magazine hồi tháng 6/2024 đăng tải 10 hãng hàng không bền vững nhất thế giới, với việc sử dụng SAF thường xuyên, nhằm đạt được mục tiêu Net Zero 2050.
Có thể kể đến một số cái tên đình đám như: Top 1 là United Airlines (Mỹ), top 2 là Delta Air Lines (Mỹ), top 5 là British Airways (Anh), Air Canada đứng top 8.
Vừa cách đây 1 tháng, United Airlines cho ra mắt mẫu máy bay Boeing 787 Dreamliner mới với màu sơn đặc biệt nhằm thúc đẩy sử dụng SAF cùng thông điệp phát triển bền vững cho hàng không Mỹ nói riêng và hàng không thế giới nói chung.
Theo hãng, Boeing 787 Dreamliner mới được coi là máy bay thân rộng tiết kiệm nhiên liệu nhất của United Airlines, tiêu thụ ít hơn 20-25% nhiên liệu so với các máy bay tương đương cùng loại, nhờ đó giúp giảm 25% lượng khí thải phát ra môi trường.
Đây mới chỉ là một trong những hành động chiến lược của hãng nhằm đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050. Cho đến nay, United Airlines đã đầu tư vào SAF nhiều hơn so với bất kỳ hãng hàng không nào khác trên thế giới; đồng thời tự hào là hãng hàng không đầu tiên cam kết phát thải khí nhà kính ròng bằng 0 vào năm 2050 mà không cần dựa vào bù trừ carbon.
Đây thực sự là tín hiệu cực kỳ đáng mừng trong ngành hàng không quốc tế.
Tham khảo: Airbus, IATA, Sustainability Magazine