Bài toán lớp 4 yêu cầu tính bằng cách thuận tiện: "207 x 67 + 345 x 33" khiến nhiều phụ huynh loay hoay cả tối không ra

Trang Vũ, Theo Đời sống & Pháp luật 06:29 11/01/2025
Chia sẻ

Toán tiểu học nhưng thách đố cả kiến thức tính nhanh của người lớn.

Môn toán ở cấp 1 được thiết kế để giúp các em nhỏ làm quen với các phép tính cơ bản và phát triển tư duy logic. Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy, có rất nhiều bài toán xuất hiện với độ “đánh đố” không chỉ thách thức học sinh tiểu học mà còn khiến nhiều người lớn cũng phải đau đầu.

Mới đây, trong group “Hội phụ huynh TP. Hồ Chí Minh” đã xuất hiện một bài toán như thế. Dù đề bài chỉ yêu cầu tìm cách tính thuận tiện nhất cho một phép tính lớp 4 nhưng đã khiến nhiều người lớn phải ngồi “học online” toán tiểu học cả tối vẫn chưa ra.

Nội dung bài toán như sau:

Tính bằng cách thuận tiện: 207 x 67 + 345 x 33

Bài toán lớp 4 yêu cầu tính bằng cách thuận tiện: "207 x 67 + 345 x 33" khiến nhiều phụ huynh loay hoay cả tối không ra- Ảnh 1.

Bài toán tiểu học đơn giản khiến nhiều người lớn loay hoay

Tính bằng cách thuận tiện nhất là một dạng toán thường gặp ở cấp tiểu học, nhất là trong dạng bài tính giá trị biểu thức phức tạp của chương trình toán lớp 4. Bản chất của dạng toán này là việc áp dụng các tính chất của phép cộng, phép trừ, phép nhân, phép chia... vào việc giải bài toán tính giá trị một cách nhanh chóng, hợp lý và chính xác nhất.

Có 4 cách tính thường được học sinh tiểu học sử dụng đối với dạng bài này:

- Cách 1: Nhóm hoặc tách các số trong biểu thức thành từng nhóm có tổng hoặc hiệu là các số tròn chục, tròn trăm, tròn nghìn,...

- Cách 2: Vận dụng các tính chất của các phép toán cộng, trừ, nhân, chia.

- Cách 3: Vận dụng các tính chất của các số đặc biệt.

- Cách 4: Tính thuận tiện với biểu thức có phân số.

Tuy nhiên, trong trường hợp của bài toán này, nhiều người đã thử đủ cả 4 cách nhưng vẫn chưa thể tìm ra đâu mới là cách tính thuận tiện nhất cho biểu thức.

Một số bài làm của dân mạng được để lại dưới bài viết:

- Theo tôi làm thì có thể có 2 cách này:

Cách 1: 207 x 67 + 345 x 33

= 3 x 3 x 23 x 67 + 3 x 5 x 23 x 3 x 11

= 3 x 3 x 23 x (67+ 5 x 11)

= 207 x 122

Cách 2:

= 207 x (66 + 1) + 345 x 3 x 11

= 3 x 3 x 23 x 6 x 11+3 x 5 x 23 x 3 x 11 + 207

= 3 x 3 x 23 x 11 x (6 + 5) + 207

= 207 x 11 x 11+ 207

- Bài này tính ra đơn giản mà ta, lòng vòng gì đâu nhỉ:

(200+7) x 67 + (200 + 100 + 45) x 33

= 200 x (67 + 33) + 100 x 33 + 67 x 7+45 x 33

Cái này là mình làm tắt chút, còn các bé có thể tách nhỏ hơn cái phần sau, vì mình không rành giờ các bé được dạy sao. Nhưng cách giải thì như tương tự như thế này.

- Mình nghĩ tính kết quả của hai phép nhân rồi cộng lại là ngắn gọn nhất rồi.

- Thuận tiện nhất chắc chỉ có thể là bấm máy tính thôi.

Bên cạnh đó, cũng có một số ý kiến riêng cho rằng giáo viên đưa ra đề bài này hình như đã có sự nhầm lẫn:

- Bé mình học lớp 4, bài toán “cách thuận tiện” là gom lại số hạng chung vào trong ngoặc, rồi nhân. Nhưng mà bài này giống ghi nhầm rồi. Ví dụ 207 x 67 + 207 x 33 hoặc 345 x 67 + 345 x 33 thì có thể sẽ đúng hơn.

- Bài này sai đề, chắc cô giáo đánh nhầm số 345 thành 207 á.

- Sách giáo khoa hay nâng cao đây anh chị? Theo em thì đề sai (ít nhất với học sinh lớp 4).

- Đề này của lớp 4 thật ạ? Thấy hoang mang ghê.

Còn bạn, bạn nghĩ đề bài này đúng hay sai? Nếu không sai, cách giải của bạn là như thế nào?

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày