Bài hát thiếu nhi bị cấm ở tất cả các trường mẫu giáo Trung Quốc, nguyên nhân chỉ vì 1 câu hát

An Nhiên, Theo Pháp luật và Bạn đọc 23:00 11/03/2022
Chia sẻ

Bài hát này từng nổi đình nổi đám, mọi đứa trẻ Trung Quốc đều thuộc làu làu. Thế nhưng sau nhiều năm phát hành, người ta mới nhận ra ca từ của nó có điều bất ổn.

Dưới thời đại truyền thông đa phương tiện ngày một phát triển, những sản phẩm nghệ thuật ngày càng có khả năng ảnh hưởng đến nhận thức người nghe, đặc biệt khi đối tượng là trẻ em.

Tại Trung Quốc, một bài hát đã bị cấm phát và giảng dạy ở tất cả các trường mẫu giáo và các nơi công cộng chỉ vì ảnh hưởng của nó đến trẻ em thông qua một câu hát duy nhất.

Bài hát được nói đến có tên “Trên thế gian chỉ có mẹ là tốt nhất” với ý nghĩa ngợi ca tình mẫu tử. Bài hát xuất hiện lần đầu tiên với vai trò là nhạc nền cho một bộ phim có nội dung về bi kịch gia đình có tên “Mẹ hãy yêu con thêm lần nữa” phát sóng năm 1988.

Bộ phim kể về hành trình gian nan để đoàn tụ với người mẹ sau nhiều năm xa cách của nhân vật chính. Cùng với bối cảnh của bộ phim, bài hát đã góp phần truyền tải được cảm xúc của người con cũng như thông điệp về tình mẫu tử thiêng liêng, lấy đi nhiều nước mắt của người xem lúc bấy giờ.

Bài hát thiếu nhi bị cấm ở tất cả các trường mẫu giáo Trung Quốc, nguyên nhân chỉ vì 1 câu hát - Ảnh 1.

Phân cảnh cậu bé hát bài “Trên thế gian chỉ có mẹ là tốt nhất” trong phim. Ảnh: Baidu

Ca từ gây tranh cãi

Tuy nhiên, bài hát thiếu nhi này lại bị cấm phát sóng ở các trường mẫu giáo tại đất nước tỷ dân do những lo ngại rằng bài hát có thể ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ. Từng có người chia sẻ rằng nhiều đứa trẻ khi học hát bài này cũng đã không kìm được nước mắt trước những ca từ da diết, xúc động.

Thế nhưng nguyên nhân chính dẫn đến việc bị cấm phát sóng tại các trường mẫu giáo là do bài hát có chứa lời ca như sau: “Trên thế gian này chỉ có mẹ là tốt nhất, con có mẹ như một viên ngọc quý, con không mẹ chỉ là ngọn cỏ thôi”

Lời bài hát này nếu như đặt trong bối cảnh của bộ phim thì đã làm rất tốt vai trò truyền tải sự đau buồn, nhớ nhung, trân trọng của người con đối với mẹ của mình. Thế nhưng khi thoát ly khỏi giới hạn của một bộ phim và đặt vào cuộc sống hiện tại, câu hát đã chạm đến vết thương lòng của nhiều đứa trẻ không có mẹ bên cạnh.

Bài hát thiếu nhi bị cấm ở tất cả các trường mẫu giáo Trung Quốc, nguyên nhân chỉ vì 1 câu hát - Ảnh 3.

Bài hát bị cấm vì lo sợ ảnh hưởng đến tâm lý của những đứa trẻ không có mẹ. Ảnh minh họa: Google

Nguyên nhân khiến những đứa trẻ không được chung sống với mẹ rất đa dạng: Có những đứa trẻ không may mất mẹ, có những đứa trẻ chọn sống cùng cha sau khi bố mẹ ly hôn, ngoài ra còn rất nhiều đứa trẻ khác bị bỏ rơi và phải sống trong các tổ chức xã hội.

Bản thân những đứa trẻ này đã phải chịu đựng nhiều thiếu thốn về mặt tình cảm, vì vậy nhiều chuyên gia về tâm lý trẻ em lo ngại nếu như các em nghe được những từ như “con không mẹ chỉ là ngọn cỏ” sẽ nảy sinh những cảm xúc tiêu cực, ảnh hưởng đến lối suy nghĩ sau này.

Những ý kiến trái chiều xung quanh

Trước quy định cấm phát sóng bài hát này, nhiều ý kiến phản đối đã được đưa ra vì cho rằng đây chỉ đơn thuần là một bài hát và không hề có mục đích công kích, ngoài ra trường hợp những trẻ em không có mẹ không đáng kể so với những đứa trẻ lớn lên trong một gia đình đầy đủ.

Nhiều câu hỏi đưa ra rằng, 90% bài hát về tình yêu có nên bị cấm theo vì những bài hát này có khả năng đả động đến tâm lý của nhiều người hơn nữa.

Tuy nhiên, nhiều nhân viên hoạt động trong lĩnh vực giáo dục tin rằng, không thể so sánh hai nội dung có phạm vi hoàn toàn khác nhau như vậy. Cụ thể, những bài hát về tình yêu đôi lứa có đối tượng hướng đến chủ yếu là người trưởng thành, đã đầy đủ khả năng nhận thức và phân biệt.

Bài hát thiếu nhi bị cấm ở tất cả các trường mẫu giáo Trung Quốc, nguyên nhân chỉ vì 1 câu hát - Ảnh 4.

Trẻ em là đối tượng dễ bị tác động tâm lý hơn. Ảnh minh họa: Google

Ngược lại, bài hát “Trên thế gian chỉ có mẹ là tốt nhất” nhắm đến đối tượng chính là trẻ em dưới 10 tuổi, lúc này các em đang trong độ tuổi phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần, nếu trong giai đoạn này các em chịu đựng cảm xúc tiêu cực, rất dễ hình thành “bóng ma tâm lý” đi theo các em suốt cuộc đời sau này.

Vì vậy, dù tỷ lệ chỉ là 1/100 em chịu ảnh hưởng do bài hát, việc không để bài phát được phát sóng rộng rãi trong môi trường giáo dục vẫn được xem là điều cần thiết để đảm bảo sự an toàn tất cả trẻ em.

Quy định cấm phát sóng này không chỉ nhằm mục đích bảo vệ trẻ em khỏi bị tổn thương tinh thần mà còn mang ý nghĩa nhắc nhở những bậc làm cha mẹ cần có ý thức và trách nhiệm hơn đối với trẻ nhỏ.

Hãy cố gắng vun đắp, xây dựng một gia đình hoàn chỉnh, tránh vì những hành động bồng bột, nóng vội của bản thân mà để một đứa trẻ lớn lên trong một gia đình không hoàn chỉnh, thiếu đi tình thương trọn vẹn.

https://soha.vn/bai-hat-thieu-nhi-bi-cam-o-tat-ca-cac-truong-mau-giao-tq-nguyen-nhan-chi-vi-1-cau-hat-20220311154324078.htm
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày