Phố 19/12 là một phố ngắn nằm cạnh Tòa án Nhân dân Hà Nội, một đầu thông ra phố Lý Thường Kiệt, đầu kia thông ra phố Hai Bà Trưng. Đây là một con phố khá đặc biệt khi hầu như suốt chiều dài của nó, không có căn nhà nào mở cửa hướng ra mặt đường.
Trước kia, tuyến đường này nổi tiếng với danh xưng "chợ Âm phủ" bởi hàng ngày, phiên chợ này đều họp và được người dân biết tới nhờ món thịt chó. Lâu nay, vị trí chợ "Âm phủ" đã xây dựng vườn hoa và con đường cũ đã đổi tên thành phố 19/12.
Đoạn đường nhỏ không quá đông xe cộ đi lại này được tận dụng làm bãi đỗ xe. Hầu như các ngày trong năm, dọc 2 bên đường, luôn luôn nhìn thấy những chiếc xe máy, ô tô đỗ ngang dọc. Nhiều người vẫn nghĩ, có lẽ phố 19/12 sẽ giữ mãi dáng vẻ như thế. Nhưng không, mới đây, con phố này lại một lần nữa "lột xác", trở thành phố sách đầu tiên ở Thủ đô.
Lối vào của phố sách.
Đây là lần đầu tiên, ở Hà Nội có một khu phố toàn sách, được xây dựng khang trang, đẹp đẽ như vậy.
Không gian đọc sách hòa lẫn với thiên nhiên xanh.
Những ai đã quen với diện mạo cũ của con đường 19/12 nhỏ bé này, giờ đây khi nhìn lại, có lẽ sẽ không khỏi ngạc nhiên. Từ bãi đỗ xe, nó đã khoác lên mình một màu sắc trang nhã, yên tĩnh và đẹp đẽ hơn. Hai bên đường không còn bóng dáng xe cộ, tất cả đã thay thế bằng những gian hàng sách được thiết kế theo hướng hoài cổ, thơ mộng.
Giữa bộn bề phố xá, tìm thấy một không gian yên tĩnh, nhiều cây xanh, bóng râm... để đọc và mua sách, có lẽ là điều không dễ dàng. Trước nay, người yêu sách Thủ đô dường như chỉ có các hiệu, quán cafe sách làm bạn. Vậy nhưng đến đó, người ta cũng chủ yếu để mua hay đọc vội rồi đi.
Nhưng từ ngày 1/5, mọi thứ đã thay đổi. Phố sách 19/12 không chỉ được thiết kế đẹp mắt, hoành tráng mà còn yên tĩnh, phong phú đủ các loại sách đến từ nhiều NXB khác nhau. Đến đây, người dân có thể thỏa sức ôm một quyển sách cả ngày ngồi ở ghế gỗ, dưới bóng cây xanh để đọc. Họ có thể ngồi như thế hàng giờ vì yên tâm rằng, những chiếc ghế đó đều là không gian công cộng, vốn dĩ là dành cho tất cả mọi người. Và nếu đói bụng, họ có thể tìm đến các hàng quán kế bên được mở ra ngay tại con đường sách này.
Ở giữa phố sách còn có bảng tra cứu thông tin điện tử. Người dân vừa có thể tìm hiểu về lịch sử, văn hóa Hà Nội, vừa có thể tìm kiếm đầu sách dễ dàng. Một không gian vốn tưởng nhỏ nhưng khi trở mình thành phố sách, nó lại có quá nhiều điều hấp dẫn để khám phá. Từ việc tìm kiếm các đầu sách yêu thích cho đến chuyện check-in ở những góc cảnh "sống ảo" đẹp đẽ.
Không gian chung để người dân ngồi đọc sách.
Nhìn bên ngoài, phong cách thiết kế ở đây khá hoài cổ.
Những gian hàng ngập sách.
Phù hợp cho mọi lứa tuổi.
Nơi đọc sách thoáng rộng...
...Và có ô che nắng.
Khu vực phục vụ đồ ăn ở phố sách.
Có lẽ, đây sẽ là địa chỉ thú vị để người dân Thủ đô lui tới mỗi khi rảnh rỗi, nhất là dịp cuối tuần.
Quá nhiều góc cảnh để bạn trẻ check-in những bức ảnh lãng mạn.
Hoặc đơn giản là nắm tay nhau đi dạo như thế này.
Mở cửa từ hôm 1/5 nhưng sau kỳ nghỉ lễ, phố sách vẫn thu hút khá đông người đến tham quan, trải nghiệm. Chị Vân Anh (Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ: "Đây là lần đầu tiên mình đến phố sách đẹp như vậy. Trước kia muốn mua hay đọc sách toàn lên Đinh Lễ nhưng có lẽ từ bây giờ sẽ có thêm địa chỉ mới".
Trong khi đó, anh Quang (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng cho biết: "Phố sách nhìn rất lãng mạn. Mình nghĩ nếu Hà Nội có thêm nhiều nơi như thế này, chắc chắn sẽ đẩy mạnh được văn hóa đọc sách của người dân".
Phố sách 19/12 về đêm trở nên yên tĩnh, tạo cảm giác thoải mái cho những người yêu sách khi tới đây. Ảnh: Tùng Shark
Những quán ăn hoạt động từ sáng tới tối để phục vụ nhu cầu của người dân khi tới đây. Ảnh: Tùng Shark
Khuôn viên phố sách gồm 16 gian hàng thuộc nhiều NXB khác nhau như như Nhà xuất bản Hà Nội, Nhà xuất bản Phụ nữ, nhà sách Nhã Nam, Phương Nam, Minh Long... Ảnh: Tùng Shark
Phố sách được mở cửa từ 8h đến 22h hàng ngày, nên nhiều người dân tranh thủ tới đây vào buổi tối để lựa sách. Ảnh: Tùng Shark
Những gian sách với nhiều thể loại đa dạng như văn học, tiểu thuyết, kỹ năng để phục vụ nhu cầu của độc giả. Ảnh: Tùng Shark