Gặp "gã khùng" Nguyễn Quang Thạch: Người giành giải Unesco sau 19 năm "miệt mài" cõng sách về làng

Thu Hường, Theo Trí Thức Trẻ 00:03 10/11/2016
Chia sẻ

19 năm cõng sách miệt mài, nhiều lần suýt chết, không ít lần bị nhạo báng, hồ nghi, người khởi xướng chương trình Sách hóa nông thôn luôn kiên trì vì anh tin rằng chính những người Việt tiến bộ sẽ cùng chung tay để 15 triệu trẻ em có sách đọc.

Chúng ta có vài chục năm cuộc đời để sống và vươn đến nhiều mục tiêu khác nhau. Bạn đang tiêu dùng quỹ thời gian, sức lực và tuổi trẻ của mình như thế nào? Chúng ta sẽ cố gắng kiếm tiền và lo lắng cho vòng tròn hẹp gồm bản thân, những người yêu dấu bên cạnh? Hay chúng ta sẽ vươn đôi tay và gánh trên vai trách nhiệm góp phần thay đổi xã hội?

Mỗi ngày lướt mạng xã hội, tôi luôn nhìn thấy rất nhiều status buồn chán, trách than hiện thực cuộc sống. Đáng tiếc là họ nhận thức được điều xấu trong xã hội, nhưng lại chưa đứng lên, hành động để thay đổi nó.

Thế mà có một người đàn ông bị hỏng mắt trái, 19 năm qua không mệt mỏi cùng với nhiều người "cõng" sách đến rất nhiều vùng nông thôn trên cả nước khiến nhiều người từng tin rằng anh là gã khùng điên. Đó là ước mơ xây dựng 300.000 tủ sách và giúp cho 15 triệu trẻ em nông thôn có cơ hội được tiếp cận với sách - tinh hoa tri thức của nhân loại. Người đó không ai khác, chính là Nguyễn Quang Thạch.

Nguyễn Quang Thạch (SN 1975), quê Sơn Lễ, Hương Sơn, Hà Tĩnh. Năm 1996, anh bị hỏng một mắt trái, mắt phải bị cận.

Năm 1999, anh tốt nghiệp ĐH Vinh (khoa tiếng Anh). Năm 1997, anh bắt đầu nghiên cứu tạo chương trình "Sách hóa nông thôn" và chính thức đưa vào thực tiễn từ năm 2007.

Dù điều kiện sức khỏe không tốt, thị lực kém nhưng năm 2010 và 2015, anh vẫn quyết định đi xe máy và đi bộ xuyên Việt để kêu gọi ủng hộ chương trình.

Sau 9 năm đi vào hoạt động thực tiễn, đến nay, "Sách hóa nông thôn đã thu hút sự tham gia của hơn 100.000 người, xây dựng được trên 10.000 tủ sách, giúp hơn 400.000 người dân nông thôn, trong đó gần 300.000 học sinh tiếp cận sách bằng học sinh con nhà khá giả của Hà Nội.

Tháng 9/2009, mô hình tủ sách dòng họ giành giải thưởng 400.000 triệu đồng trong cuộc thi "Ideas to serve the community" (Ý tưởng phục vụ cộng đồng).

Năm 2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản 6841 ngày 31/12/2015 gửi các Sở giáo dục & Đào tạo nhân rộng Tủ sách Phụ huynh/Tủ sách Lớp học đến các lớp học trên toàn quốc.

Ngày 8/9/2016, Chương trình "Sách hóa nông thôn" được UNESCO trao giải mang tên Vua Sejong về xóa mù chữ (phổ biến tri thức) thuộc hạng mục giải thưởng UNESCO International Literacy. Giải thưởng này được thành lập năm 1967 nhằm tôn vinh những sáng kiến thúc đẩy việc đọc sách. Nó gồm có hai giải chính mang tên Khổng Tử và Vua Sejong. Trong đó, giải Vua Sejong (mang tên một vị vua khai trí của Hàn Quốc) được trao từ năm 1989 với sự hỗ trợ của chính phủ Hàn Quốc.

"Nếu chỉ quan tâm xem người khác nghĩ gì về mình thì không có kết quả hôm nay"

Xin chào anh Quang Thạch, nghe nói anh mới trở về từ Pháp sau chuyến đi nhận giải thưởng mà UNESCO trao tặng, không biết cảm xúc của anh lúc này như thế nào?

Nói về cảm xúc khi được vinh danh, tôi vui vì đó là giải thưởng dành cho hơn 100.000 người Việt đã tham gia tạo lập các tủ sách cho nông thôn.

Tuy nhiên niềm vui ấy nhanh chóng qua đi vì tôi biết trước mắt vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Khi tôi tham quan thư viện của Đức, Ba Lan, tôi nhận thấy tiêu chuẩn thư viện ở Việt Nam vẫn còn rất thấp. Tại Ba Lan, một quận đã có tới 28 thư viện và mỗi thư viện lại có cả không gian cho gia đình vui chơi cùng sách. Còn ở Đức, mọi thứ đều được tự động hóa... Tôi nhìn thấy điều ấy và tôi khát khao một ngày nào đó, thư viện ở nước mình cũng đạt tiêu chuẩn như vậy.

Gặp gã khùng Nguyễn Quang Thạch: Người giành giải Unesco sau 19 năm miệt mài cõng sách về làng - Ảnh 2.

Nguyễn Quang Thạch - người sáng lập chương trình "Sách hóa nông thôn".

Ngày anh sang Pháp nhận giải thưởng cũng là lúc trên mạng xã hội xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều, cho rằng danh hiệu mà anh và các cộng sự mới nhận được thực chất lại là một giải có quy mô không hề lớn. Anh nghĩ sao về điều này?

Tôi không bận tâm vì điều ấy. Tôi và những người tạo nên "Sách hóa nông thôn" không làm tủ sách vì giải thưởng mà vì muốn trẻ em nông thôn có sách để đọc. Chúng tôi nộp hồ sơ tham gia tranh giải không ngoài mục đích nào khác là chia sẻ kinh nghiệm cho những nước thiếu sách như Việt Nam, muốn người Việt hành động vì xã hội của mình.

19 năm qua, chặng đường cảm xúc của tôi là một hình sin kéo dài. Niềm vui, nỗi buồn ở tận cùng xúc cảm, tôi nghĩ mình đều đã đi qua. Giây phút tôi tìm ra cách thức vận hành ý tưởng "sách hóa nông thôn", lúc những người nông dân tham gia làm tủ sách cho con họ, khi Bộ giáo dục & Đào tạo ra công văn nhân rộng tủ sách đến các lớp học... tôi chắc chắn mình đã vui hơn rất nhiều khi nghĩ đến việc sang Pháp và nhận giải thưởng của UNESCO.

Gặp gã khùng Nguyễn Quang Thạch: Người giành giải Unesco sau 19 năm miệt mài cõng sách về làng - Ảnh 3.

Giải thường Vua Sejong về xóa mù chữ (phổ biến tri thức) thuộc hạng mục giải thưởng UNESCO International Literacy.

Gặp gã khùng Nguyễn Quang Thạch: Người giành giải Unesco sau 19 năm miệt mài cõng sách về làng - Ảnh 4.

Tôi cũng đã trải qua rất nhiều nỗi buồn, thậm chí là đi qua miệng vực cái chết. Năm 2010, khi tôi chạy xe máy băng qua bao cung đường để thực hiện hành trình xuyên Việt, vì thị lực kém nên đã 4 lần suýt mất mạng. Năm 2015, tôi đi bộ từ Hà Nội vào Sài Gòn và lúc mọi người hỏi tôi rằng chuyến đi có thành công không, tôi nhìn họ và thành thật nói rằng: "Thành công chứ, thành công lớn nhất là tôi còn sống và có thể tiếp tục xây dựng tủ sách".

19 năm qua, tôi đã nghe thấy nhiều lời đàm tiếu, nhận thấy nhiều ánh mắt hồ nghi, câu chuyện bịa đặt và thêu dệt. Những năm trước, khi làm những tủ sách ở Hà Tĩnh và sau đó là Thái Bình, biết bao người đã nói tôi có vấn đề... nhưng tôi không bận tâm và Sách hóa Nông thôn vẫn tiến về phía trước.

Nếu tôi dừng lại, chắc sẽ có nhiều người hả hê và nói rằng, "Nguyễn Quang Thạch thực chất chỉ có như vậy mà thôi", nhưng rồi ai trong số họ sẽ đưa sách về nông thôn, nơi mà nhiều em nhỏ, quanh năm chỉ biết đến quyển sách giáo khoa?

Vậy tại sao anh lại quyết định dừng nhận tài trợ và hạch toán lại chi tiêu? Điều này không phải do anh chịu áp lực từ những thái độ hoài nghi của dư luận?

Chương trình "Sách hóa nông thôn" bắt đầu hoạt động từ năm 2007 nhưng phải đến năm 2011, tôi mới chính thức phát động các chiến dịch kêu gọi chia sẻ trách nhiệm xã hội. Tính đến nay đã được 5 năm và tôi muốn hạch toán lại chi tiêu, minh bạch tài chính để mọi người được biết, 5 năm qua, chương trình đã hoạt động hiệu quả ra sao.

Gặp gã khùng Nguyễn Quang Thạch: Người giành giải Unesco sau 19 năm miệt mài cõng sách về làng - Ảnh 5.

Việc dừng nhận tài trợ có làm ảnh hưởng đến hoạt động của chương trình không và anh dự định sẽ kéo dài việc này bao lâu?

Dự kiến đến tháng 11 chúng tôi sẽ tiếp tục nhận hỗ trợ. Thời gian tạm ngưng, mọi thứ vẫn diễn ra bình thường. Cả chục năm trước, tôi tự bỏ tiền túi và nhiều thời gian vì chương trình. Trong 5 năm qua, tôi phải ứng sách đưa về khi việc kêu gọi chưa hiệu quả. Vì thế, việc dừng nhận tài trợ một thời gian không phải vấn đề nghiêm trọng.

Quay trở lại với giải thưởng của UNESCO, anh dự định sẽ tiêu dùng số tiền thưởng 20.000 USD ra sao?

Tôi sẽ dùng nó để tiếp tục xây dựng các tủ sách và trả lương cho cả chính mình nữa. Từ khi nghỉ việc lần 3 để dành 100% thời gian cho "Sách hóa nông thôn", tôi đặt ra quy định không bao giờ cho phép mức lương của tôi vượt qua 750 USD khi tôi nghỉ việc vào tháng 10/2011.

Gặp gã khùng Nguyễn Quang Thạch: Người giành giải Unesco sau 19 năm miệt mài cõng sách về làng - Ảnh 6.

Tất cả chi tiêu, tôi đều có báo cáo công khai minh bạch theo lộ trình 2 năm, 3 năm và sắp tới sẽ là 5 năm. Tôi tự đặt ra những tiêu chí khắt khe cho chính mình. Tôi nghĩ nếu mình không sử dụng hiệu quả nguồn tài chính, không công khai minh bạch được mọi thứ, thì nên từ bỏ "Sách hóa Nông thôn".

Tôi nghe nói anh định sang Ấn Độ áp dụng "Sách hóa nông thôn" và đi bộ để kêu gọi xã hội Ấn Độ nhân rộng? Có người nói đó là một ý tưởng "điên rồ" khi trong nước vẫn còn rất thiếu những tủ sách miễn phí thì anh lại vươn mình, lo chuyện ở thế giới. Anh nghĩ sao về ý kiến đó?

Tôi từng đọc báo về trường hợp một cô gái từng bị cưỡng hiếp đến chết ở Ấn Độ. Lúc đó lồng ngực tôi quặn thắt lại. Tôi chợt nghĩ nếu đàn ông Ấn Độ đọc nhiều sách, hiểu biết hơn, có lẽ bi kịch đó đã không xảy ra. Từ đó, trong tôi chợt nảy ra mơ ước đưa sách đến quốc gia này.

Gặp gã khùng Nguyễn Quang Thạch: Người giành giải Unesco sau 19 năm miệt mài cõng sách về làng - Ảnh 7.

Ngày 8/9 vừa qua, tôi đã gặp Bộ trưởng Nhân lực Ấn Độ và bày tỏ mong muốn của mình. Nếu họ đồng ý, tôi sẽ xây dựng một số tủ sách ở đó trước rồi tôi sẽ đi bộ để kêu gọi ủng hộ.

Tôi biết sức khỏe tôi đang yếu dần đi nhưng khát khao, ý chí trong tôi luôn thôi thúc tôi tiến về phía trước. Tôi nghĩ khi mình đã có tình yêu thương con người, mình không chỉ yêu người Việt Nam mà còn thương cho tất cả những người ở các quốc gia khác nhau.

Tôi muốn làm một điều gì đó vì lương tâm của tôi thúc giục. Tôi muốn thế giới biết rằng, người Việt Nam cũng luôn mong muốn và cố gắng đóng góp cho nhân loại.

"Điều tôi hối tiếc nhất là tôi đã không có nhiều thời gian dành cho con trai"

"Sách hóa nông thôn" đến nay đã đi được chặng đường dài 19 năm, đủ để 1 thế hệ trưởng thành. Nhìn lại những gì đã qua, anh nghĩ chương trình mà mình khởi xướng đã đem lại hiệu quả như thế nào?

Tôi nghĩ điều lớn nhất mà "Sách hóa nông thôn" làm được là thay đổi nhận thức của mọi người và điều ấy đã được thể hiện thông qua hành động cụ thể của họ.

Chẳng hạn từ khi bắt đầu hoạt động, tôi nhận 400 triệu từ cuộc thi Sáng kiến vì cộng đồng và kêu gọi được gần 1 tỷ đồng trong 5 năm qua. Thế nhưng, hơn 100.000 thành viên xã hội với phần đa là cư dân nông thôn đã tự vận động xây tủ sách với số vốn lên tới gần 30 tỷ đồng.

Gặp gã khùng Nguyễn Quang Thạch: Người giành giải Unesco sau 19 năm miệt mài cõng sách về làng - Ảnh 8.

Cấp trường học, cấp huyện, cấp sở và nay là cấp bộ ra công văn nhân rộng tủ sách đến lớp học cũng như việc Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định đề cử chương trình "Sách hóa nông thôn" tham dự tranh giải UNESCO International Literacy, học sinh nông thôn được đọc 15-30 đầu sách/năm... là những minh chứng rõ ràng cho hiệu quả chương trình

Có bao giờ anh cảm thấy hài lòng với những gì mình và các cộng sự đã làm được?

Hài lòng thì không. Mỗi giai đoạn, tôi tự đặt ra những mục tiêu khác nhau. Tôi vui vì đã chiến thắng chính mình nhưng rồi tất cả nhanh chóng lắng xuống. Chặng đường phía trước của tôi còn rất dài. Mục tiêu xây dựng 300.000 tủ sách, giúp đỡ được 15 triệu học sinh nông thôn, sau gần 20 năm, đến nay mới đi được 1/30 quãng đường.

Gặp gã khùng Nguyễn Quang Thạch: Người giành giải Unesco sau 19 năm miệt mài cõng sách về làng - Ảnh 9.

Vậy trong hành trình của mình, anh có cảm thấy hối tiếc và muốn thay đổi điều gì không?

Có đôi lúc tôi suy nghĩ, nếu năm 2003 tôi bán chiếc xe máy để làm tủ sách, chắc hôm nay đã có nhiều tủ sách hơn.

Nhưng tôi vẫn chưa hiểu làm thế nào anh lại có thể kiên trì với ước mơ của mình đến vậy, lúc nào cũng đau đáu sống vì nó?

Người ngoài sẽ khó hiểu lắm. Có người cũng bảo tôi việc nhà không lo, chuyên đi lo chuyện bao đồng nhưng tôi nghĩ mỗi người, trong cuộc đời này sẽ có mục tiêu hoặc đích đến khác nhau. Rất đơn giản, tôi có những trăn trở, mối bận tâm khác với nhiều người.

Với một thái độ sống sẵn sàng vì người khác như thế, có khi nào anh nhìn lại và nhận ra mình vừa bỏ lỡ một điều gì đó ở phía sau?

Gặp gã khùng Nguyễn Quang Thạch: Người giành giải Unesco sau 19 năm miệt mài cõng sách về làng - Ảnh 10.

Điều làm tôi tiếc nuối nhất là mình đã không thể ở bên, dành nhiều thời gian hơn để chỉ bảo cho con trai.

Tôi thường an ủi bản thân rằng sự tận tâm vì xã hội của tôi sẽ là bài học tốt cho con.

Anh nói mối quan tâm của anh là khác với nhiều người, vậy điều ấy có khi nào làm anh cảm thấy cô độc?

Trước đây, tôi từng ngồi nhiều tiếng đồng hồ bên dòng sông Sepon ở Quảng Trị nghĩ về cái chết cô độc của học giả Nguyễn Văn Vĩnh và rất đồng cảm với cụ Vĩnh. Tôi thường nghĩ về các chiến sĩ bảo vệ Tổ quốc ở biên giới, hải đảo và thấy bản thân chưa vất vả, đối mặt với hiểm nguy như họ. Hành trình tôi đang đi có biết bao nhiêu người ủng hộ, đồng hành. Điều ấy làm tôi vững tin, kiên trì hơn.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày