Nhân tuyến giáp là một tình trạng phổ biến, đặc biệt xuất hiện nhiều ở phụ nữ. Phần lớn những nhân này đều là lành tính và không gây hại cho sức khỏe. Tuy nhiên, không ít người lo lắng về khả năng chúng có thể phát triển thành ung thư tuyến giáp.
Gần đây, có bạn đọc để lại câu hỏi như sau: "Cách đây 6 tháng tôi đi khám có kết quả siêu âm cho thấy nhân tuyến giáp lành tính, nhưng tôi lo lắng rằng khối u càng để lâu thì sẽ bị biến đổi sang ác tính. Bởi gần nhà tôi có người phát hiện ung thư tuyến giáp sau hàng chục năm theo dõi khối u đó, vậy tôi nên làm gì?".
Hãy nghe tư vấn bởi Ths.Bs Nguyễn Xuân Tuấn (Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt, giảng viên trường Đại học Y dược - Đại học Quốc gia, Hà Nội).
Ths.Bs Nguyễn Xuân Tuấn: Một số trường hợp sau khi được chẩn đoán nhân tuyến giáp lành tính có thể phát hiện ung thư tuyến giáp trong lần kiểm tra tiếp theo. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là khối u đã chuyển từ lành sang ác, mà có thể là do một vài yếu tố.
Điển hình là chẩn đoán chưa chính xác ban đầu. Trong một số trường hợp, nhân đã có tính ác tính từ trước nhưng không được phát hiện kịp thời. Điều này có thể xảy ra do siêu âm không đủ nhạy để phát hiện đặc điểm nghi ngờ của khối u, vì siêu âm không thể xác định rõ ràng liệu nhân là lành hay ác.
Hoặc do kết quả chọc hút tế bào bằng kim nhỏ (FNA) có thể bị âm tính giả, nghĩa là tế bào lấy ra từ nhân không phản ánh được toàn bộ bản chất của khối u. Điều này có thể xảy ra khi không lấy được tế bào đúng vị trí có dấu hiệu ung thư.
Trong một số ít trường hợp, siêu âm hoặc xét nghiệm tế bào học có thể bỏ sót một khối u nhỏ nhưng có tính chất ác tính. Mặc dù các công nghệ chẩn đoán hiện đại như FNA có độ nhạy và độ chính xác cao, không phải lúc nào cũng phát hiện hết các khối u ung thư nhỏ. Khối u này có thể đã tồn tại nhưng không được nhận ra trong lần kiểm tra trước đó.
Ths.Bs Nguyễn Xuân Tuấn: Trước hết phải nói rõ lại rằng, nếu chưa cắt bỏ khối u ra và gửi đi xét nghiệm mô bệnh học thì không thể khẳng định tuyệt đối rằng khối u đó là lành hay ác tính. Tuy nhiên, không thể cứ có khối u ở tuyến giáp là mang ra phẫu thuật hết. Điều đó là vô lý và phản khoa học. Bởi hầu hết các khối u là lành tính, mà lành tính thì gần như không gây nguy hại gì.
Hơn nữa, ung thư tuyến giáp thường gặp nhất là thể nhú được coi là loại ung thư có tiên lượng cực kỳ tốt với tỉ lệ sống thêm trên 5 năm hay 10 năm là xấp xỉ 100%. Do đó, về mặt logic thì cũng không thể vì lo lắng ung thư tuyến giáp mà bất cứ khối u nào cũng được khuyên mổ.
Nếu khối u có kích thước to, chèn ép khí quản hay thực quản gây ra các triệu chứng như nuốt vướng, nuốt nghẹn, khó thở hoặc mất thẩm mỹ thì cần được can thiệp nhằm giảm kích thước hoặc loại bỏ hoàn toàn.
Một số trường hợp người bệnh có tâm lý bất an với sự tồn tại của khối u, cũng có thể chủ động loại bỏ bằng cách phẫu thuật bóc u hoặc cắt bán phần tuyến giáp mà vẫn giữ lại mô giáp lành tính, không ảnh hưởng tới chức năng tuyến giáp.
Ths.Bs Nguyễn Xuân Tuấn: Đây là câu hỏi rất phổ biến mà bệnh nhân thường thắc mắc. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể kê đơn thuốc hormone tuyến giáp levothyroxin (T4) với mục tiêu làm giảm kích thước nhân tuyến giáp hoặc ức chế sự phát triển của nó. Tuy nhiên, hiệu quả của phương pháp này vẫn đang gây tranh cãi.
Levothyroxin chỉ nên được sử dụng ở những bệnh nhân bị suy giáp hoặc có mức TSH tăng cao, tức là khi tuyến giáp không sản xuất đủ hormone và cần được bổ sung. Trong những trường hợp này, thuốc có thể giúp ổn định chức năng tuyến giáp và cải thiện các triệu chứng liên quan đến suy giáp.
Cho đến nay, chưa có loại thuốc nào khác được chứng minh là có khả năng kiểm soát hoặc thu nhỏ kích thước nhân tuyến giáp lành tính một cách an toàn và hiệu quả. Vì vậy, việc sử dụng các thuốc khác với kỳ vọng làm giảm kích thước khối u là không được khuyến cáo.
Ths.Bs Nguyễn Xuân Tuấn: Việc theo dõi định kỳ qua siêu âm là rất quan trọng. Nếu bác sĩ đánh giá rằng không cần can thiệp ngay và khối u được cho là lành tính, bệnh nhân nên tiếp tục theo dõi để đảm bảo rằng không có thay đổi đáng lo ngại. Điều này giúp phát hiện sớm nếu khối u có dấu hiệu phát triển hoặc thay đổi bất thường.
Nếu khối u thực sự là ung thư và có dấu hiệu phát triển, việc phát hiện kịp thời thông qua theo dõi định kỳ sẽ giúp can thiệp, điều trị sớm. Việc này đảm bảo tiên lượng tốt mà không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và tính mạng.
Trong phần lớn các trường hợp, nhân tuyến giáp lành tính không chuyển sang ác tính một cách nhanh chóng. Nếu bệnh nhân được chẩn đoán ban đầu là nhân lành và bác sĩ không khuyến nghị can thiệp, việc tiếp tục theo dõi định kỳ là an toàn. Trường hợp phát hiện ung thư trong lần kiểm tra tiếp theo thường là do khối u đã tồn tại từ trước nhưng không được chẩn đoán chính xác.
Cảm ơn BS đã dành thời gian trả lời phỏng vấn!