Thực phẩm ôi thiu trong mùa hè là điều mà ai cũng lo lắng. Mùa hè là thời điểm dễ gây ngộ độc thực phẩm nhất trong năm. Nguyên nhân là vì, vào mùa hè, vi khuẩn sinh sôi làm cho thực phẩm nhanh bị hỏng, ôi thiu nếu không được bảo quản đúng cách.
Khi bị ôi thiu hay bị hỏng, các phân tử mới hình thành trong quá trình oxy hóa. Thực phẩm ôi thiu cũng ít dinh dưỡng hơn vì quá trình oxy hóa phá hủy chất béo tốt và một số hàm lượng vitamin.
Nếu ăn phải thức ăn bị ôi thiu, bạn có thể gặp phải các vấn đề về tiêu hóa. Trong trường hợp nặng có thể dẫn đến tình trạng ngộ độc như khó tiêu, đau bụng dữ dội, nôn mửa, tiêu chảy… Đặc biệt, những người có sức đề kháng yếu như trẻ em, người lớn tuổi hay phụ nữ mang thai lại càng dễ nguy hiểm đến tính mạng hơn. Nguy hiểm hơn, vi khuẩn thương hàn Salmonella sẽ tạo nên các biến chứng nguy hiểm như chảy máu đường ruột, thủng ruột hoặc nhiễm trùng huyết.
Theo BS Trịnh Trang, BS chuyên về dinh dưỡng tại Bệnh viện YHCT Thái Bình, chúng ta có thể nhận biết các thực phẩm bị hỏng bằng các cách sau đây.
Mẹo nhận biết thực phẩm ôi thiu trong mùa hè
Cách thứ nhất: Nhận biết thực phẩm bị hỏng qua quan sát
Bằng cách quan sát, nếu thấy thực phẩm có những dấu hiệu sau đây thì mọi người nên bỏ đi, đừng cố sử dụng kẻo hại sức khỏe.
- Thực phẩm nổi bong bóng: Bình thường khi nấu ăn mới thấy có bong bóng xuất hiện. Nếu bảo quản mà cũng thấy bong bóng xuất hiện thì chứng tỏ vi khuẩn đã bắt đầu phát triển và sinh hơi. Với những thực phẩm này nên bỏ đi.
- Thực phẩm nổi váng trắng: Trong mùa hè thường có món dưa, cà muối. Những món này khi nổi váng trắng thì là biểu hiện vi khuẩn đã xâm nhập rồi chứ không phải là vi khuẩn có lợi nữa. Khi đó, nên bỏ đi chứ nếu chỉ vớt bỏ váng trắng và vẫn ăn thì có thể có nguy cơ ngộ độc.
- Thực phẩm có dấu hiệu mốc màu trắng, vàng, đen: Đây là dấu hiệu thực phẩm đã bị nhiễm nấm rồi, mình nên bỏ đi. Nếu cố ăn có thể gây hại cho dạ dày và đại tràng.
Cách thứ 2: Nhận biết thực phẩm hỏng qua ngửi
Nếu thực phẩm có mùi bất thường, ôi thiu, mùi thối... thì nên bỏ đi vì khi đó thực phẩm có vi khuẩn xâm nhập. Tùy theo đặc trưng của từng loại vi khuẩn vì sẽ sinh ra mùi đặc trưng.
Cách thứ 3: Nhận biết thực phẩm hỏng qua sờ vào
Nếu sờ vào thấy cấu trúc thực phẩm thay đổi, mềm nhũn hoặc chảy nước... thì chứng tỏ thực phẩm không còn đủ chất lượng để sử dụng. Đặc biệt, với các loại rau, củ, quả, nếu sờ vào thấy mềm nhũn, chảy nước thì nên bỏ đi luôn vì như vậy là đã bị hỏng.
1. Bảo quản hoa quả đúng cách
- Các loại rau, củ, quả nên bảo quản trong tủ lạnh: Táo, mơ, bông cải xanh, mận, dưa chuột, dưa vàng, súp lơ, rau diếp. Tham khảo thêm cách bảo quản trái cây trong tủ lạnh tươi lâu.
- Các loại rau, củ, quả nên bảo quản bên ngoài: Đào, bơ, quả xuân đào, chuối, dưa hấu (chưa bổ), cà chua.
- Các loại rau, củ, quả nên để ở nơi ít ánh sáng và thoáng mát: Khoai tây, hành tây, tỏi. Nếu đặt trong tủ thì nên để riêng với nhau để chúng không bị hấp thụ mùi lẫn nhau.
2. Bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh
- Thịt và rau sống nên được bảo quản ở 5 độ C hoặc thấp hơn để tươi lâu. Ngăn mát tủ lạnh nên để dưới 5oC và ngăn đá từ -15 đến -18oC, thùng giữ lạnh nên dùng đá sạch hoặc túi đá khô.
- Để riêng thực phẩm chín và sống.
- Không chất đầy đủ lạnh. Loại tủ lạnh nào cũng vậy cũng cần một số khoảng trống để tủ lạnh có thể hoạt động tốt và hiệu quả hơn.