Bác sĩ Bùi Quang Huy: "Một tiếng ho của TP.HCM, cả nước lòng đau quặn thắt"

Huy Thịnh ghi, Theo Tiền phong 15:53 07/10/2021
Chia sẻ

"Đất nước Việt Nam ta như một cơ thể thống nhất không thể tách rời, dù trải qua bao thăng trầm lịch sử. Nếu người ta hay ví trái tim Hà Nội, khúc ruột miền Trung, thì tôi gọi TP.HCM là lá phổi. Một tiếng ho của TP.HCM, cả nước lòng đau quặn thắt", bác sĩ Bùi Quang Huy chia sẻ.

Bác sĩ Bùi Quang Huy: Một tiếng ho của TP.HCM, cả nước lòng đau quặn thắt - Ảnh 1.

Thạc sĩ, bác sĩ Bùi Quang Huy

Sáng 2/9, đoàn công tác (đợt 3) gồm 50 cán bộ y tế của Bệnh viện E do bác sĩ Bùi Quang Huy làm trưởng đoàn đã lên đường vào TP.HCM thay cho 45 cán bộ y tế của bệnh viện đang làm việc tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TP.HCM. Tại Lễ tuyên dương cán bộ công tác tăng cường và tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP.HCM hôm 6/10, bác sĩ Bùi Quang Huy đã có bài phát biểu xúc động trước khi chia tay đồng bào TP.HCM để trở về Hà Nội. Báo Tiền Phong giới thiệu toàn văn bài phát biểu của bác sĩ Bùi Quang Huy tại buổi lễ.

"Vậy là cuộc chiến quy mô lớn nhất với đại dịch COVID-19 mà chiến trường trọng tâm là TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam đã bước sang tháng thứ 4. Có thể nói đây là một cuộc chiến đặc biệt chưa hề có tiền lệ, không có tiếng súng, chỉ có tiếng monitor, máy thở nhưng mức độ khốc liệt, bi hùng của nó không hề kém những cuộc chiến tranh không trong ngoặc kép khác. COVID-19 là một loại bệnh, nhưng cuộc chiến với đại dịch COVID-19 lại không chỉ của riêng ngành y.

Đứng riêng về góc độ những nhân viên y tế từ mọi miền Bắc, Trung, Nam đến với TP.HCM, khi quyết định xung phong lên đường, chúng tôi đều xác định, không phải chỉ là hỗ trợ, mà đây thực sự là cuộc chiến của mình, phải chiến đấu bằng 200% sức lực để san sẻ với các đồng nghiệp thành phố.

Trong mấy tháng qua, chúng tôi, những nhân viên y tế cùng với lãnh đạo và nhân dân TP.HCM, các lực lượng vũ trang và các lực lượng tình nguyện khác, chúng ta đã sát cánh bên nhau chiến đấu. Theo một nghĩa rộng về cuộc chiến của con người với virus, chúng ta đã trở thành những người đồng đội thân thiết của nhau.

Như báo cáo tóm tắt của TP.HCM về diễn biến dịch, chúng ta đã cùng nhau trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, từ lo lắng, động viên nhau kiên cường bám trụ khi con số nhiễm và thương vong tăng lên; cũng như chia sẻ nhau niềm lạc quan, hy vọng, khi các con số chậm lại, giảm dần rồi sau cùng là niềm hân hoan trong ngày thành phố bắt đầu kế hoạch bình thường mới trở lại và dịch bệnh đã ở phía bên kia sườn dốc.

Bác sĩ Bùi Quang Huy: Một tiếng ho của TP.HCM, cả nước lòng đau quặn thắt - Ảnh 3.

Các y bác sĩ Bệnh viện E trước khi lên đường vào chi viện TP.HCM chống dịch COVID-19

Đứng riêng về góc độ những nhân viên y tế từ mọi miền Bắc, Trung, Nam đến với TP.HCM, khi quyết định xung phong lên đường, chúng tôi đều xác định, không phải chỉ là hỗ trợ, mà đây thực sự là cuộc chiến của mình, phải chiến đấu bằng 200% sức lực để san sẻ với các đồng nghiệp thành phố. Động lực của chúng tôi đến từ những điều giản dị. Trước hết, đó là trách nhiệm của một người làm nghề y trước bệnh tật, sau nữa là tình đồng loại trước nỗi đau của đồng bào.

Nhân nhắc tới hai từ đồng bào thân thương, tôi xin phép được dùng xen kẽ danh xưng thân mật: TP.HCM. Đất nước Việt Nam ta như một cơ thể thống nhất không thể tách rời, dù trải qua bao thăng trầm lịch sử. Nếu người ta hay ví trái tim Hà Nội, khúc ruột miền Trung, thì tôi gọi TP.HCM là lá phổi. Một tiếng ho của TP.HCM, cả nước lòng đau quặn thắt.

Đại diện cho các đồng nghiệp, các đoàn công tác, các lực lượng tham gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19, tôi xin bày tỏ sự xúc động và vinh dự trước sự ghi nhận, vinh danh của TP.HCM. Chúng tôi muốn nói lời cảm ơn đến những sự tiếp đón nồng hậu, trọng thị mà thành phố đã dành cho chúng tôi. Giữa lúc dịch bệnh căng thẳng, ngổn ngang bao nhiêu công việc, đối mặt với bao áp lực mà lãnh đạo thành phố và Sở Y tế TP.HCM vẫn cố gắng dành cho chúng tôi những sự quan tâm và điều kiện tốt nhất trong khả năng để chúng tôi yên tâm thực hiện sứ mệnh cứu người.

Về góc độ người làm chuyên môn, chúng tôi cũng bày tỏ lòng kính trọng với những nỗ lực ứng phó tiến bộ từng ngày của thành phố trước dịch bệnh.

Như chúng ta đã chứng kiến trong gần 2 năm qua, trên khắp 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, đại dịch COVID-19 đi tới đâu là tàn phá nặng nề tới đó. Nó có thể gây áp lực khủng khiếp, thậm chí làm sụp đổ cả hệ thống y tế, ngay cả những quốc gia hùng mạnh, tiềm lực hơn chúng ta rất nhiều như Mỹ, Anh, Pháp, Ý… cũng không ngoại lệ. Chúng tôi hiểu rằng, khi COVID-19 đã trở thành một đại dịch, với hơn 200 triệu ca nhiễm toàn cầu, giống như giữa một biển nước mênh mông thì làm gì có căn nhà nào không ngập, việc phải đối mặt với những đợt bùng phát của nó, chỉ là chuyện sớm, hay muộn.

Việc đổ lỗi thật là dễ, nhưng làm mới khó. Qua một quá trình đồng hành với thành phố, chúng tôi nhận thấy, sau những bối rối ban đầu, mà bất kỳ quốc gia nào cũng phải gặp, thành phố cùng với Trung ương đã nhanh chóng củng cố, bổ sung lực lượng và bộ máy của chúng ta phản ứng nhịp nhàng hơn, tiến bộ hơn qua từng trận đánh.

Thú thực, trước ngày lên đường, qua báo chí, mạng xã hội, chúng tôi đã tưởng tượng ra một TP.HCM hỗn loạn, đau thương, một hệ thống y tế bị đánh sập và vỡ trận. Nhưng không, khi vào đến nơi, tôi không thấy một Vũ Hán, một Lombardy nào ở đây cả, TP.HCM vẫn lâm nguy, nhưng không loạn.

Nơi đoàn chúng tôi làm việc, bệnh viện Hồi sức COVID-19 tại thành phố Thủ Đức là một trong những mặt trận khốc liệt, và có lẽ cũng như tất cả các mặt trận mà các đồng nghiệp ngồi đây tham gia. Dù có những hy sinh, mất mát, đã là một cuộc chiến, thương vong là điều không thể tránh.

Động lực của chúng tôi đến từ những điều giản dị. Trước hết, đó là trách nhiệm của một người làm nghề y trước bệnh tật, sau nữa là tình đồng loại trước nỗi đau của đồng bào.

Dù có lúc, áp lực từ hơn 10.000 ca nhiễm; hàng trăm ca tử vong mỗi ngày ở TP.HCM khiến cho chúng tôi phải gồng mình gấp nhiều lần. Nhưng ca trực với đầy đủ anh em đồng nghiệp Bắc, Trung, Nam vẫn đoàn kết nắm chặt tay nhau, kiên gan lì lợm giữ chặt đội hình, không có ai bi quan, nản chí.

Để có được tinh thần đó, không thể chỉ bằng nỗ lực cá nhân, mà phải đến từ cả niềm tin vào hệ thống. Chúng tôi luôn luôn biết, mình không đơn độc. Lãnh đạo TP.HCM, Sở Y tế TP.HCM luôn có mặt thường xuyên, liên tục, bám sát tình hình và sát cánh cùng chúng tôi; nhân dân thành phố luôn ủng hộ và dõi theo chúng tôi.

Bác sĩ Bùi Quang Huy: Một tiếng ho của TP.HCM, cả nước lòng đau quặn thắt - Ảnh 6.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi gắn huy hiệu TP.HCM cho các y bác sĩ tại lễ tuyên dương

Và cho tới hôm nay, không phải chỉ là niềm tin nữa, mà sự thật, hệ thống y tế của chúng ta đã đứng vững.

Cơn bão nào rồi cũng sẽ qua, trên bầu trời thành phố, mây mù đang dần tan, và những tia nắng đầu tiên đã xuất hiện, báo hiệu những bình minh trong trẻo. Dù chặng đường phía trước còn rất nhiều gian nan, như Đảng và Nhà nước đã xác định, cuộc chiến với COVID-19 không phải là tư duy chiến dịch nữa, mà là tư duy cho một cuộc trường kỳ kháng chiến. Nhưng chúng tôi tin tưởng vào các đồng chí, các đồng nghiệp. TP.HCM, thành phố mang tên Bác kính yêu sẽ đứng dậy, mạnh mẽ hơn sau giông bão.

Lời cuối cùng chúng tôi muốn nói, thưa người dân thành phố, dù lưu luyến nhưng cũng sẽ đến lúc chúng tôi phải nói lời chia tay, để trở về với nhiệm vụ thường nhật của mình. Chúng tôi sẽ gìn giữ những ký ức về những ngày tháng bi hùng này trong tâm trí, và sẽ luôn mang theo trong lòng tình cảm nồng ấm mà TP.HCM đã dành cho chúng tôi. Nhất định một ngày không xa, chúng tôi sẽ trở lại, nhưng không phải là để chiến đấu 'một cung đường, hai điểm đến' nữa, mà là để đi dạo giữa đường hoa Nguyễn Huệ, ngắm nhìn một TP.HCM trẻ trung năng động, để cảm nhận thứ đặc sản đặc trưng nhất của TP.HCM là tình người. Và chúng tôi sẽ mỉm cười nhẹ nhõm, với một niềm tự hào là mình cũng đã góp một phần nhỏ bé cho tương lai đó".

Thạc sĩ, bác sĩ Bùi Quang Huy

(Trưởng đoàn Bệnh viện E, công tác tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 thành phố Thủ Đức, TP.HCM)

Tại lễ tuyên dương hôm 6/10, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã thay mặt lãnh đạo TP.HCM trân trọng cảm ơn các tập thể, cá nhân đã tham gia cùng TP.HCM phòng chống dịch COVID-19 trong thời gian qua. Ông bày tỏ lòng trân quý, sự cảm kích và gửi lời cảm ơn sâu sắc đến hơn 12.000 y bác sĩ, nhân viên y tế và hơn 14.000 cán bộ, chiến sĩ, lực lượng vũ trang đã không ngại hiểm nguy và gian khó để kề vai sát cánh cùng TP.HCM. Cùng với đó là sự đóng góp của lực lượng tình nguyện viên đến từ các tổ chức tôn giáo đã tận tâm tham gia hỗ trợ, chăm sóc, động viên bệnh nhân mắc COVID-19 với tinh thần từ bi, bác ái của những người tu sĩ.

Chủ tịch Phan Văn Mãi cũng gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các đấng sinh thành và người dân đã động viên, san sẻ, gánh vác trách nhiệm gia đình để các anh, chị, em lên đường đến với TP.HCM và yên tâm công tác.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày