Từ Quan Cự sinh năm 1961 ở Tiêu Sơn, Chiết Giang, Trung Quốc là con thứ 2 trong một gia đình làm nghề ươm cây. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, ông không đỗ được vào trường đại học mong muốn nên quyết định làm việc tại một xưởng sản xuất ở địa phương.
Năm 24 tuổi, Từ Quan Cự phát hiện bị mắc chứng thiếu máu huyết tán hiếm gặp. Theo các bác sĩ, ông chỉ có thể sống thêm 10 năm hoặc thậm chí ít hơn bởi căn bệnh này lúc bấy giờ là một loại bệnh nan y, không có thuốc chữa khỏi. Không chấp nhận số phận mà cuộc đời sắp đặt cho con trai, bố ông là Từ Truyền Hoa đã không quản khó nhọc, đưa con trai đến các bệnh viện lớn trên cả nước để tìm kiếm một cơ hội chữa trị dù mong manh.
Từ Quan Cự (ở giữa). Ảnh: Toutiao
May mắn thay, sau nhiều lần tìm hiểu, gia đình biết được có một bác sĩ ở Cáp Nhĩ Tân chữa bệnh này rất giỏi, vậy là bố ông lại lặn lội đưa con trai lên phía bắc để chữa bệnh mà không hề đắn đo. Mấy năm sau đó, Từ Quan Cự phải uống không biết bao nhiêu loại thuốc, cuối cùng bệnh tình cũng được kiểm soát nhưng lại khiến cả nhà cũng phải gánh theo khoản nợ 26.000 NDT.
Theo hồi ức của Từ Quan Cự, có một khoảng thời gian nhà ông thường có rất nhiều đoàn người đến đòi nợ, cứ nhóm này đi thì nhóm kia lại đến. Để giúp ông ấy cảm thấy thoải mái và hồi phục, gia đình quyết định đưa ông đến nơi khác để sinh sống.
Vào thời điểm đó, do dư thừa cây giống trên cả nước, giá cây ươm giảm mạnh, vườn ươm bán không được bao nhiêu khiến nguồn thu nhập chính của gia đình ông bị giảm thiểu đáng kể. Chưa hết, nhà máy sản xuất phân lân nơi bố Từ Quan Cự làm việc phải đóng cửa do quản lý yếu kém. Người bố lúc đó đã ngoài 50 tuổi buộc phải nghỉ hưu với số tiền lương hưu ít ỏi hàng tháng là 52 NDT. Khó khăn cứ thế bủa vây nhưng nợ vẫn phải trả, gia đình ông loay hoay không biết phải làm gì.
Nếu tính theo mức thu nhập của một gia đình bình thường vào những năm 1980 thì khoản nợ 26.000 NDT phải mất hơn mười năm mới có thể trả hết. Vào thời điểm đó, Từ Quan Cự vẫn đang phải nghỉ ngơi để hồi phục nên chưa có việc làm, mọi chi tiêu trong gia đình đều đổ lên vai người bố khiến ông rất buồn phiền.
Một lần đi ngang qua chợ, Từ Quan Cự thấy một nhóm người đứng xem và chỉ trỏ về một cái gì đó. Không giấu nổi sự tò mò, ông cũng chen vào xem thì thấy đó là nơi bán xà phòng nước. Khi đó, người bán hàng đang làm thí nghiệm với một mảnh vải bị dính dầu. Anh ta cho mảnh vải vào chậu, đổ xà phòng lỏng vào chà chà và một lúc sau vết dầu đã được loại bỏ. Điều này khiến Từ Quan Cự và mọi người xung quanh đều rất ngạc nhiên.
Sau khi trở về nhà, Từ Quan Cự kể cho bố nghe những điều đã thấy. Hai bố con bàn bạc một hồi lâu rồi quyết định thử làm ra loại xà phòng nước này để bán. Năm 1986, họ sử dụng 2.000 NDT còn lại trong nhà để làm xà phòng nước. Xưởng gia đình này chính là tiền thân của Transfar Group trong tương lai.
Lúc đầu, hai bố con không biết nhiều về cách làm xà phòng nước, vì vậy họ đã thuê một bậc thầy có tay nghề cao về làm. Tuy nhiên, người này không muốn tiết lộ công thức bí mật của mình mà chỉ dạy họ một số phương pháp làm cơ bản. Vào tháng 12 năm 1986, thùng xà phòng nước đầu tiên của gia đình họ Từ "ra lò". Ban đêm họ làm, ban ngày họ đạp xe rong ruổi bán hàng trên đường phố.
Ảnh: Toutiao
Sau thành công bước đầu, hai cha con nhà họ Từ thử nghiên cứu cách sản xuất mới và làm ra được một loại xà phòng nước với số lượng lớn lại có thể bán với giá cao. Thông qua cách tiếp thị, xà phòng nước do "Xưởng nhà họ Từ" về cơ bản đã được bán hết ngay khi rời khỏi xưởng. Đến năm thứ hai, doanh số bán hàng của xưởng này đạt 330.000 NDT khiến Từ Quan Cự cuối cùng cũng thở phào nhẹ nhõm vì cuối cùng cũng có thể trả được nợ.
Tuy nhiên, thành công như thế là chưa đủ với ông. Từ Quan Cự cho rằng nếu không làm chủ được công nghệ then chốt, cứ phải nhờ vào người khác không phải là giải pháp lâu dài. Hơn nữa, theo quan sát của ông, công thức làm xà phòng của "cao nhân được thuê" dường như không có gì đặc biệt. Vậy là ông quyết định "mua đứt" công thức bí mật của vị cao nhân đó với giá 2.000 NDT. Tuy nhiên, khi về nhà mở "kho báu" ra xem thì chỉ thấy một túi muối công nghiệp khiến cả nhà chết lặng.
Cú lừa này khiến cha của ông là Từ Truyền Hoa vô cùng tức giận, song đây là động lực để Từ Quan Cực khám phá ra cách làm xà phòng mới. Sau đó, ông bắt đầu hỏi ý kiến chuyên gia rồi lao đầu vào nghiên cứu và làm thí nghiệm. Cuối cùng đã phát triển ra hai chất tẩy rửa là 105 và 209.
Ảnh: Toutiao
Trước đây, sản phẩm của ông Từ chủ yếu được bán lẻ. Sau khi hai sản phẩm này xuất hiện, một xưởng in và nhuộm đã trực tiếp liên hệ đặt hàng để mua tổng cộng 3 tấn sản phẩm, mở ra doanh số bán hàng kỉ lục cho xưởng. Từ đó mang lại cho Từ Quan Cự sự tự tin trong việc nghiên cứu và phát triển thêm.
Năm 1988, với sự hỗ trợ của ủy ban thôn, bố ông thuê thêm 3 mẫu đất để xây dựng lại nhà máy Transfar Group và bắt đầu phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh. Hai năm sau đó, Từ Quan Cự tiếp tục nghiên cứu và cho ra đời một sản phẩm mang tính bước ngoặt cho Transfar Group là "901 Special Effect Oil Removing Spirit".
Vào thời điểm đó, khả năng khử nhiễm của các sản phẩm cùng loại trên thị trường chỉ là 10, trong khi "901 Special Effect Oil Removing Spirit" có thể đạt tới 55, khiến sản phẩm này gây bão thị trường thời điểm đó. Sau thành công vang dội đó, Từ Quan Cự quyết định mở rộng thị trường, tiến hành đi tiếp thị sản phẩm trên toàn quốc. Không dừng lại ở đó, ông còn mang sản phẩm tham gia Triển lãm Sáng chế Quốc tế Bắc Kinh và giành được huy chương vàng.
Nói về sản phẩm của mình, tại thời điểm đó Từ Quan Cự cho biết: "Trong 18 năm qua, không có sản phẩm tương tự nào có thể vượt qua "901 Special Effect Oil Removing Spirit".
Năm 1995 chính xác là năm thứ 10 mà vị bác sĩ ngày xưa đã nói đến khi Từ Quan Cự mắc bệnh hiểm nghèo. Nhớ lại câu nói của bác sĩ 10 năm trước, ông tràn đầy xúc động vì bản thân không chỉ sống sót mà còn có một bước nhảy vọt trong cả cuộc đời.
Từ lúc thành lập cho đến thời điểm đó, "Xưởng họ Từ" đã có những đột phá trong ngành công nghiệp hóa chất và chạy đua trên hơn 10 lĩnh vực như dệt may, hậu cần và nông nghiệp hiện đại. Năm 2000, doanh thu của Transfar Group lần đầu tiên vượt quá 100 triệu NDT.
Ảnh: Toutiao
Năm 2003, Từ Quang Cự nhận thấy rằng doanh số bán hàng giảm đáng kể mà lượng đơn đặt hàng vẫn gia tăng. Sau khi tìm hiểu nguyên nhân, ông phát hiện ra rằng việc vận chuyển hàng hóa đã bị chặn lại. Ông gấp rút liên hệ với một đội vận chuyển, hy vọng bên kia có thể nhanh chóng chuyển một lô hàng nhưng muốn thế thì phải trả thêm 20% tiền cước cho họ. Điều này lại khiến Từ Quan Cự nảy sinh ý tưởng thành lập công ty hậu cần.
Hiện nay, mạng lưới hậu cần đường cao tốc của ông phủ khắp cả nước và kết nối 4 triệu nguồn lực vận tải đã được hình thành.
Năm 2015, giá trị thị trường của Transfar Group (11 năm sau khi niêm yết trên sàn chứng khoán Thâm Quyến) đã vượt quá 60 tỷ NDT. Năm 2017, Tập đoàn Transfar hợp tác với Tập đoàn Geely tham gia vào lĩnh vực xe năng lượng mới và có kế hoạch chế tạo các phương tiện hậu cần năng lượng mới. Năm 2018, tập đoàn này hợp tác với công ty dầu khí nổi tiếng thế giới ExxonMobil (Trung Quốc) để tạo ra một hệ thống dịch vụ hoàn thiện hơn.
Vào năm 2022, Từ Quan Cự đứng thứ 2.000 trong danh sách người giàu nhất toàn cầu Hurun Global Rich List 2022 với giá trị tài sản 12 tỷ NDT.
Nhìn lại cuộc đời của mình, tỷ phú này cho rằng đó là một hành trình đấu tranh chống chọi với số phận, một cuộc đời "bất chấp" để "thay đổi mệnh". Lời nói của bác sĩ năm 24 tuổi không làm ông nản chí mà còn khơi dậy nghị lực sống của ông. Nhờ tình thương của người bố cùng với ý chí kiên cường của bản thân, Từ Quan Cự thành công "thoát bệnh" và còn trở thành tỷ phú thành công, giàu có.
Người ta thường nói, qua cơn bĩ cực đến hồi thái lai. Vượt qua được bóng đen của bệnh tật và cái nghèo cũng là lúc Từ Quan Cự có một cuộc đời huy hoàng.
(Theo Toutiao)