Bà mẹ Việt cho con trải nghiệm 2 trường mầm non công lập ở Thụy Điển

Hiểu Đan, Theo Phụ nữ Việt Nam 14:22 23/11/2022

Không phải cơ sở vật chất, không phải chương trình học... theo chị Giang, điều quan trọng nhất khi chọn trường cho con nằm ở yếu tố khác.

Chị Giang (Hải Phòng) tốt nghiệp Kinh tế Đối Ngoại ĐH Ngoại thương, được một tập đoàn tư vấn ở Nhật mời sang làm việc sau khi tốt nghiệp. Sau đó chị làm trợ lý giám đốc và phát triển dự án ở 1 công ty Nhật với các đối tác nước ngoài. Chị chuyển sang Thuỵ Điển, sinh con, ở nhà tập trung nuôi dạy con trong 2 năm và học lập trình. Hiện tại chị Giang là kỹ sư phần mềm tại một công ty ở Thuỵ Điển.

Con trai chị ở nhà có biệt danh là Mũi Tẹt. Hai tuổi, Tẹt bắt đầu đi học. Vốn tiếng Thụy Điển của con khi đó gần như số 0. Tẹt đi học ở một trường nguyện vọng 2 (NV2), cũng là một trường mẫu giáo công lập, trong khi chờ có chỗ ở trường NV1. Tẹt đã học ở trường NV2 trong 3 tháng, rồi chuyển qua trường NV1.

Trải nghiệm cả hai trường mầm non, chị Giang nhận thấy sự khác biệt rõ rệt của con và rút ra nhiều điều.

Bà mẹ Việt cho con trải nghiệm 2 trường mầm non công lập ở Thụy Điển - Ảnh 1.

Bé Mũi Tẹt sinh ra trong gia đình đa văn hoá và đa ngôn ngữ.

Chuyện đáng nói ở đây là, sự khác biệt của Tẹt khi ở 2 ngôi trường. Cụ thể, khi ở trường NV2, ngày nào bố mẹ tới đón cũng thấy Tẹt ngồi một mình sát cạnh hàng rào, nơi gần cổng trường nhất có thể, ánh mắt khắc khoải chờ được đón về. Cô giáo đã bày tỏ lo lắng khi 3 tháng rồi mà Tẹt có vẻ không chịu nói tiếng Thụy Điển.

"Một hôm, lúc ngủ trưa Tẹt hơi sốt, nên cô giáo gọi bố mẹ đến đón về. Hôm đó là ngày lễ bánh kem, một dịp hiếm hoi trong năm bếp nhà trường sẽ chuẩn bị cho mỗi bạn một miếng bánh kem trong bữa phụ đầu chiều. Mình tất tả chạy đến trường đúng vào giờ ăn bữa phụ, lúc cả lớp sung sướng hò reo khi thấy bánh kem, niềm vui hân hoan khó giấu trên những khuôn mặt thiên thần. Nhưng rồi tim mình thắt lại khi thấy Tẹt đang ngồi một mình một góc, cách ly với cả lớp. Con nói:"Con cũng muốn ăn bánh". Nhưng đám đông kia chẳng có ai nghe thấy con. Con nói bằng tiếng Nhật, nên xung quanh cũng đâu có ai hiểu con", chị Giang kể.

Ngược lại, từ khi chuyển qua trường mới, Tẹt rất vui vẻ hoạt bát, và trong 3 tháng có thể giao tiếp cơ bản bằng tiếng Thụy Điển. Con yêu trường lớp và tự tin giao tiếp với giáo viên và bạn bè. Khi Tẹt hơn 3 tuổi, con có thể giao tiếp bằng 3 ngôn ngữ, Việt - Nhật - Thụy Điển và hiểu một chút tiếng Anh.

"Chìa khóa" khơi mở

Vậy chìa khoá nào đã mở ra cơ hội để Tẹt có thể phát triển như vậy? Theo chị Giang, ở trường mới, Tẹt đã nhận được hai cái chìa khóa:

Thứ nhất, là chìa khoá yêu thương

Tẹt đi học ở trường về thường rất thơm. Đó có thể là mùi oải hương dịu nhẹ, hay mùi hoa hồng ngọt ngào giống như mùi thơm từ tóc của cô giáo con vậy. Hỏi ra mới biết vì cô hay ôm Tẹt, lúc vỗ về con lúc ngủ trưa, hay khi ôm con vào lòng đọc sách. Trẻ con rất nhạy, biết ai dịu dàng yêu quý mình thực lòng ngay.

"Tẹt tuyên bố nhóm 5 tên cướp biển của Tẹt đồng lòng yêu cô Lily vì cô vừa xinh, vừa dịu dàng lại vừa thơm nữa", chị Giang chia sẻ.

Thứ hai, là chìa khoá tự tin

Ngày đầu tiên đi học ở trường mới, Tẹt về hớn hở khoe với mẹ: "Cô giáo chào con bằng tiếng Nhật mẹ ạ!". Rồi hôm sau nữa: "Cô giáo bảo con dạy cô tiếng Nhật nên con đã dạy cô nói ‘arigatou’ đấy mẹ ạ". Rồi những tháng sau đó, cùng lúc Tẹt dạy cô giáo thêm một vài từ tiếng Nhật, thì vốn tiếng Thuỵ Điển của con cũng ngày một tiến bộ từ lúc nào:

Chị Giang tò mò hỏi cô giáo của Tẹt biết tiếng Nhật à? Cô nói: "Tôi không biết tiếng Nhật nhưng khi đọc hồ sơ của Tẹt, tôi biết con có tiếng mẹ đẻ là tiếng Nhật và tiếng Việt. Đó là một tài năng vô giá (nguyên văn ‘it is a precious gift’). Với nền tảng ấy, tôi tin là Tẹt sẽ bắt nhịp tiếng Thuỵ Điển nhanh thôi. Chỉ cần Tẹt tin tưởng và tự tin với môi trường ở đây. Vậy nên, tôi đã nhờ bạn tôi đang học tiếng Nhật chỉ cho một vài từ cơ bản để làm quen với Tẹt”. Đó là cách mà cô giáo đã giúp Tẹt tìm thấy sự tự tin để khơi dậy và phát huy những tiềm năng của con.

Bà mẹ Việt cho con trải nghiệm 2 trường mầm non công lập ở Thụy Điển - Ảnh 2.

Theo chị Giang, trường công hay tư, cơ sở vật chất không phải là nơi nuôi dưỡng con.

Theo chị Giang, trường công hay tư, cơ sở vật chất không phải là nơi nuôi dưỡng con. Có được một người thầy có tâm cho con yêu thương và sự tự tin mới là nơi nuôi dưỡng tâm hồn cho con:

"Nếu một ngày, con bạn bỗng dưng hăng say tô tô vẽ vẽ và cặm cụi cả tiếng đồng hồ tìm cách triển lãm những bức tranh đó lên tường, thì cũng đừng có quá ngạc nhiên. Có thể là vì hôm nay, có một giáo viên nào đó đã xoa đầu và nói với con bạn rằng nó vẽ như hoạ sĩ.

Thầy cô chính là người cầm tay, mở ra trí óc và chạm đến trái tim. Đừng bao giờ đánh giá thấp tầm ảnh hưởng của người thầy. Vì đôi khi, một lời động viên của thầy, có thể làm thay đổi một con người, một thế hệ hay là cả một hành tinh", chị Giang nói.