Bà mẹ là cựu học sinh giỏi Tỉnh chê bài đọc trong SGK, hội phụ huynh ngán ngẩm: Chị đã mất 1 phần tuổi thơ!

Hiểu Đan, Theo Phụ nữ mới 19:20 18/02/2025
Chia sẻ

Nhiều người ngạc nhiên khi thấy bà mẹ lại chỉ trích bài tập đọc này.

Chuyện các phụ huynh có con học tiểu học "bắt lỗi" sách giáo khoa không phải là chuyện mới. Thỉnh thoảng, trong các hội nhóm dành cho cha mẹ học sinh lại có người đăng đàn chê bài này dở, bài kia không phù hợp. Tất nhiên, bàn tay còn có ngón ngắn dài, quan điểm của hàng ngàn người hẳn là không ai giống ai. Đó là lí do, phía dưới mỗi bài đăng như vậy, thường dân tình sẽ chia làm 2 "phe" tranh cãi, bên đồng tình, bên phản đối.

Tuy nhiên mới đây, một trường hợp khá "hi hữu" vừa gây "sóng gió" trong một hội nhóm lớn. Đó là khi một phụ huynh "bóc phốt" bài tập đọc trong sách giáo khoa dùng từ không chính xác, 100% phụ huynh sau đó đều phản đối. Nguyên nhân do đâu?

Hãy xem chia sẻ của bà mẹ này: "Em vừa dạy con học bài, thấy trang sách này mà em cảm thấy chán chất lượng sách giáo khoa quá các bác ạ. Hồi đi học em học Văn cũng khá, nhất tỉnh môn Lịch sử thì khả năng diễn văn không tệ, cũng top đầu vào của trường đại học diện top, mà bản thân em đọc bài văn lớp 1 này nhiều câu khó hiểu và sai chính tả.

Gần 40 tuổi em mới nghe thấy câu: 'Buổi mai hôm ấy' thay vì buổi sớm mai hay buổi sáng sớm hôm ấy cho các cháu dễ hiểu; Xong lại: 'chung quanh' chứ không phải 'xung quanh'. Em không hiểu SGK cải tiến hay cải lùi nữa".

Bà mẹ là cựu học sinh giỏi Tỉnh chê bài đọc trong SGK, hội phụ huynh ngán ngẩm: Chị đã mất 1 phần tuổi thơ!- Ảnh 1.

Không hề xa lạ, đây chính là tác phẩm nổi tiếng, làm thổn thức hàng triệu con tim qua bao thế hệ: Tôi Đi Học của nhà văn Thanh Tịnh.

Chưa kể đến chuyện một "học sinh giỏi" Văn - Sử nhưng viết sai chính tả, viết in hoa vô tội vạ… thì bài tập đọc mà phụ huynh này trích dẫn khiến ai nấy quá ngạc nhiên. Không hề xa lạ, đây chính là tác phẩm nổi tiếng, làm thổn thức hàng triệu con tim qua bao thế hệ: Tôi Đi Học của nhà văn Thanh Tịnh.

"Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm mơn man của buổi tựu trường..." - những câu văn nhẹ nhàng của nhà văn Thanh Tịnh luôn làm rung động trái tim bao nhiêu thế hệ học sinh. Có lẽ, với những thế hệ ngày trước và cả bây giờ, không một ai chưa từng nghe qua những câu văn này. Nếu tính từ ngày đầu đi học của nhà văn (sinh 1911), "buổi mai hôm ấy" đến nay cũng đã hơn 100 năm.

Tôi Đi Học là truyện ngắn mang màu sắc hoài niệm và đậm đà chất thơ của nhà văn Thanh Tịnh in trong tập Quê Mẹ xuất bản năm 1941. Theo dòng hồi tưởng, tác giả kể lại những kỷ niệm mơn man, êm đềm sâu sắc của tuổi thơ trong buổi tựu trường đầu tiên trong đời. Tác phẩm vẫn sống và còn sống mãi.

Theo ý kiến của nhiều cư dân mạng, không biết bà mẹ này đã quên, hay thực sự chưa từng nghe qua, nhưng cách chị phản ảnh thì cho thấy: Bài văn này với chị hoàn toàn không có trong ký ức, vì thế, chị "đổ lỗi" cho sự xuống cấp của chất lượng sách giáo khoa hiện nay. Thêm vào đó, dù có không phải là tác phẩm kinh điển đi nữa thì những từ tác giả dùng như "buổi mai", "chung quanh" không hề sai.

Một số phụ huynh để lại ý kiến:

- Sách trích từ bài văn chứ không phải sai chính tả. Tác giả sử dụng từ địa phương, nhiều khi họ biến tấu đi. Học tiếng Việt thì các con cũng phải nắm được việc từ ngữ rất phong phú.

- Từ "buổi mai" tác giả dùng hay như thế. Tôi năm nay 30 tuổi mà từ lúc học lớp 2 đến giờ vẫn thuộc làu đoạn văn này. Quá hay quá cảm xúc như thế!

- Đây là trích đoạn văn học, và bài Tôi Đi Học này có trong sách giáo khoa từ thời cũ chứ không phải mới đây. Cá nhân em thấy đây là trích đoạn hay, sử dụng từ ngữ phong phú và giúp bổ sung vốn từ đa dạng cho các con ạ.

- Bác học khá Văn vậy có biết bài đọc này đã có từ chương trình cũ, lời văn có lẽ nhiều người thế hệ trước thuộc lòng. Văn chương là nghệ thuật, các em đọc để cảm nhận vẻ đẹp ngôn từ, chứ không phải cái gì dễ hiểu, rõ ràng hẳn như ý bác mới là hay.

Được biết, trước sự công kích của hội phụ huynh, bà mẹ này sau đó đã phải xoá bài viết.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày