Apple thử nghiệm công nghệ điều khiển iPhone bằng "suy nghĩ"

Nguyễn Nghĩa, Theo doisongphapluat.nguoiduatin.vn 21:22 14/05/2025
Chia sẻ

Một ngày không xa, bạn sẽ mở iPhone chỉ bằng… một ý nghĩ. Apple đang âm thầm chuẩn bị cho điều đó.

Không còn giới hạn ở thao tác chạm, vuốt hay ra lệnh bằng giọng nói, Apple đang hướng tới một cấp độ hoàn toàn mới: điều khiển thiết bị bằng trí não. Theo tiết lộ mới nhất từ The Wall Street Journal, Táo Khuyết đang hợp tác với các đối tác công nghệ thần kinh để phát triển giao diện não – máy tính, biến những tín hiệu thần kinh thành hành động trực tiếp trên iPhone, iPad và cả máy Mac.

Mục tiêu ban đầu của Apple không phải là khoa học viễn tưởng, mà là hiện thực nhân đạo. Họ tin rằng công nghệ này có thể thay đổi hoàn toàn cuộc sống của những người bị liệt hoặc mắc các bệnh thoái hóa thần kinh như ALS. Nhờ bộ cấy mang tên Stentrode, một thiết bị siêu nhỏ giống stent được đặt lên vỏ não. Từ đó, các tín hiệu não được ghi lại, giải mã và truyền tới iPhone như thể người dùng đang sử dụng chuột hay ngón tay. Người dùng chỉ cần “nghĩ” là có thể mở ứng dụng, cuộn màn hình hay gửi tin nhắn.

Đây không còn là lý thuyết. Một người đàn ông tên Mark Jackson, bệnh nhân ALS ở Pittsburgh, đã thử nghiệm công nghệ này. Dù không thể đứng dậy hay rời khỏi nhà, ông có thể “đứng” trên một vách núi ở dãy Alps Thụy Sĩ thông qua Vision Pro và điều khiển các thiết bị Apple bằng tín hiệu não bộ thông qua Stentrode. Ông không dùng tay, ông dùng ý nghĩ.

Apple thử nghiệm công nghệ điều khiển iPhone bằng "suy nghĩ"- Ảnh 1.

Thiết bị Stentrode được cấy vào não người dùng. Ảnh: NeuroNews

Apple hiện đang hợp tác với công ty Synchron, đơn vị đã cấy ghép Stentrode cho 10 bệnh nhân kể từ 2019. Mỗi thiết bị có 16 điện cực gắn ngoài não để ghi nhận hoạt động thần kinh. Tuy nhiên, Elon Musk với Neuralink đã đi xa hơn khi đưa hẳn 1.000 điện cực vào sâu trong não, thu thập dữ liệu phong phú hơn và cho phép người dùng điều khiển con trỏ nhanh hơn cả chuột truyền thống.

Cuộc chạy đua đang diễn ra giữa hai triết lý: hỗ trợ người khuyết tật cải thiện chất lượng sống, hay mở rộng năng lực con người để “đấu” lại trí tuệ nhân tạo siêu cấp. Musk tin rằng công nghệ cấy ghép não không chỉ dành cho người bệnh mà sẽ giúp nhân loại tiến hóa. Trong khi đó, Apple, ít phô trương hơn, lại đang đặt nền móng cho một chuẩn kết nối thần kinh chính thức, dự kiến ra mắt cuối năm nay.

Apple thử nghiệm công nghệ điều khiển iPhone bằng "suy nghĩ"- Ảnh 2.

Một bệnh nhân sử dụng chip Neuralink để điều khiển laptop. Ảnh: New Scientist

Theo Morgan Stanley, tại Mỹ có khoảng 150.000 người mắc chứng suy yếu vận động tay nghiêm trọng, những người đầu tiên có thể được hưởng lợi từ công nghệ này. Dù vậy, thời điểm thương mại hóa vẫn chưa cận kề. Các chuyên gia dự đoán sẽ không có sản phẩm nào được phê duyệt chính thức trước năm 2030. Nhưng CEO Synchron, Tom Oxley, tin rằng họ sẽ đi trước mốc đó.

Từ ý nghĩ đến hành động, từ não đến màn hình, Apple đang dần biến điều không tưởng thành có thể. Và một ngày nào đó, bạn sẽ không cần chạm vào iPhone để dùng nó nữa, bạn chỉ cần nghĩ về nó.

Theo The Wall Street Journal

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày