Trong phiên giao dịch ngày 21/3, giá trị vốn hóa của Apple đã có lúc tăng mạnh để đạt 916 tỷ USD, cho phép Táo Khuyết vượt mặt Microsoft để trở thành công ty có trị giá lớn nhất thế giới. Cuộc rượt đuổi giữa 2 kỳ phùng địch thủ 30 năm tranh đấu tiếp tục tỏ ra vô cùng quyết liệt khi đến cuối ngày, Microsoft lại vượt lên trên Apple với khoảng cách chỉ 3 tỷ USD.
Mặc dù chưa thể giải quyết ân oán với Apple, vị trí số 1 ngắn ngủi trong ngày 21/3 vẫn có ý nghĩa vô cùng quan trọng với Apple: quá trình trượt dốc dài kỳ kể từ giữa năm 2018 coi như đã chấm dứt. Sau sự kiện ngày 25/3 và có thể là sau đợt ra mắt iPhone vào cuối năm nay, Apple hoàn toàn có khả năng trở lại cột mốc nghìn tỷ.
Không một chiếc iPhone mới, iPad và AirPods thì ra mắt trong thầm lặng, điều gì đã giúp hồi sinh kỳ vọng của các nhà đầu tư?
Sự kiện ngày 25/3 sẽ là bước chuyển mình quan trọng cho Apple.
Khác với mọi năm, năm nay tháng 3 của Apple sẽ không được dành cho phần cứng. Ngày 11/3, công ty của Tim Cook gửi đi một tấm thiệp mời với nội dung "Đã đến giờ chiếu" cho sự kiện ngày 25/3. Theo các tin tức rò rỉ, Apple sẽ vén màn 2 dịch vụ quan trọng trong ngày 25 tới: một dịch vụ video/phim trả phí (giống Netflix) và một dịch vụ tin tức tổng hợp từ các trang báo mất phí (bao gồm Wall Street Journal).
Với iFan thông thường, các thông báo này có thể sẽ không thu hút bằng phiên bản nâng cấp của AirPods hay 2 bất ngờ mang tên iPad Air và iPad Mini. Thế nhưng, với các nhà đầu tư – và với cả Apple, các dịch vụ trả phí này của Apple lại có một ý nghĩa quan trọng: Apple sẽ chuyển mình trở thành một công ty dịch vụ thực thụ, một công ty sống bằng các nội dung được tiêu thụ trên iDevices.
Bước chuyển này vô cùng quan trọng bởi doanh số iPhone trong năm 2018 vừa qua đã chững lại. Doanh số iPad và doanh số Mac từ lâu là "chuyện đã rồi". Khi iPhone ngừng tăng trưởng, các nhà đầu tư bắt đầu phải đối diện với sự thật rằng, phép màu cao cấp không thể kéo dài mãi mãi. Nếu không có chuyển biến lớn, Apple sẽ trở thành IBM, thành Nokia, thành Microsoft (thời Steve Ballmer) tiếp theo.
iPhone sẽ trở thành bệ phóng cho nguồn thu quan trọng nhất của Táo.
Mảng kinh doanh dịch vụ chính là bước chuyển lớn mà Apple cần có. Ngay trong buổi họp cổ đông tuyên bố iPhone lần đầu suy giảm, Apple đã hé lộ một con số gây sốc: có tới 900 triệu chiếc iPhone đang được sử dụng thường xuyên. Kết hợp số iPhone này cùng những chiếc iPad thường xuyên đứng số 1 thị trường máy tính bảng, Apple đã sở hữu một lượng khách hàng tiềm năng khổng lồ cho mảng dịch vụ số. App Store, Apple Music và cả dịch vụ video, dịch vụ tin tức sắp ra mắt sẽ là con ngỗng đẻ trứng vàng thay thế cho iPhone.
Trong 3 quý tài chính gần nhất, doanh số dịch vụ của Apple đã liên tục tăng ở mức 2 chữ số. Quý 4 vừa qua, mảng này vượt mốc 10 tỷ USD. Một tương lai không quá phụ thuộc vào iPhone đã mở ra trước mắt, bảo sao các nhà đầu tư không vui mừng đưa Táo về gần mốc nghìn tỷ.