Apple vừa trở thành tập đoàn đầu tiên trên thế giới đạt vốn hoá thị trường trên 3 nghìn tỷ USD - một cột mốc phản ánh rõ mức độ ảnh hưởng và sức mạnh phục hồi của iPhone - chiếc điện thoại có khả năng làm thay đổi cuộc sống và hoạt động thương mại trên toàn cầu.
“Cổ phiếu Apple có thể còn tăng thêm nữa”, các nhà phân tích của Wedbush nhận định và ước tính mức định giá hợp lý của công ty này là 3.500 tỷ USD. “Theo kịch bản thị trường giá lên, Apple có thể cán mốc vốn hóa 4.000 tỷ USD vào năm 2025”.
Ra đời từ một nhà để xe ở California với tư cách là một công ty máy tính lập dị vào năm 1976, Apple hiện trị giá gấp đôi đối thủ lâu năm Google và gấp 7 lần Exxon Mobil - tập đoàn giữ vị thế giá trị nhất hành tinh trong nhiều năm.
Theo WSJ, Apple có mối quan hệ chặt chẽ với đời sống người tiêu dùng , đồng thời là nền tảng giành được niềm tin vững chắc từ phía các nhà đầu tư. Công ty thống trị thị trường ngay cả khi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung buộc hãng phải giảm bớt sự phụ thuộc vào quốc dân tỷ dân và dần dịch chuyển chuỗi sản xuất.
Nhu cầu từ các thị trường mới nổi như Ấn Độ cùng kế hoạch phát hành sản phẩm mới là kính thực tế ảo lần đầu tiên sau gần một thập kỷ giúp Apple gây được tiếng vang với giới truyền thông. Giám đốc điều hành Tim Cook gọi đây là một nền tảng tuyệt vời cho “điện toán không gian”.
Được biết, cổ phiếu Apple đã tăng gần 50% kể từ đầu năm nay, tức đánh bại mức tăng trưởng khoảng 30% của Chỉ số Nasdaq. Phải mất tới hơn 4 thập kỷ, hãng mới đạt mức vốn hoá 1.000 tỷ USD vào năm 2018, sau đó đạt 2.000 tỷ USD vào năm 2020 và 3.000 tỷ USD vào năm 2023.
Tháng 1/2022, Apple đã có lúc chạm mốc 3.000 tỷ USD trong phiên giao dịch song không duy trì được lâu. Mới đây, cổ phiếu kết phiên ở mức 193,97 USD, qua đó đưa định giá công ty chạm mốc hơn 3.000 tỷ USD. Theo Dan Morgan, nhà quản lý tại Synovus Trust (cổ đông của Apple), Táo khuyết là thiên đường đầu tư nhờ “dòng tiền khổng lồ và cơ sở khách hàng khổng lồ”.
Apple phục hồi trong nền kinh tế suy thoái chủ yếu nhờ sức mạnh iPhone - sản phẩm chiếm khoảng một nửa doanh thu hàng năm của hãng. Công ty đã bán được hơn 2 tỷ chiếc iPhone kể từ khi ra mắt chúng hồi năm 2007. Doanh số nay không còn tăng nhanh song vẫn đóng góp một phần quan trọng vào báo cáo kinh doanh của hãng.
Apple vừa đạt cột mốc đáng kinh ngạc trong lịch sử phát triển gần 50 năm.
Việc xây dựng một hệ sinh thái xoay quanh iPhone đã giúp Apple phục hồi nhanh hơn nhiều so với hầu hết các đối thủ công nghệ lớn thời kỳ hậu đại dịch. Từ châu Âu đến châu Á, vị trí dẫn đầu thị trường của Apple trong phân khúc cao cấp luôn rõ ràng. Các cuộc thăm dò mới đây cũng cho thấy người dùng trong độ tuổi Gen Z ngày càng coi iPhone là ‘thứ phải có’ do quá chuộng thiết kế và tính năng Airdrop gửi ảnh.
Điều này vô hình chung đặt áp lực lên Samsung Electronics trong công cuộc bảo vệ vị thế dẫn đầu thị trường điện thoại thông minh toàn cầu nói chung. Samsung mới đây ra mắt điện thoại gập trang bị camera zoom 100x trên Galaxy S23 Ultra mới nhất - thứ khiến Elon Musk từng phải thốt ‘wow’ trên Twitter.
Đằng sau Samsung - nơi điện thoại thông minh với hệ điều hành Android thống trị, sức ảnh hưởng của Apple đã tăng lên kể từ khi công ty này mở cửa hàng đầu tiên tại Hàn Quốc vào năm 2018. Apple hiện có 4 cửa hàng tại quốc gia này với hệ thống thanh toán di động Apple Pay sớm ra mắt.
Sự trỗi dậy của Apple trong giới trẻ đang giúp nâng cao vị thế của công ty Mỹ trong lĩnh vực kinh doanh điện thoại cao cấp. Theo Canalys, một nhà nghiên cứu thị trường công nghệ, thị phần Apple trong phân khúc điện thoại thông minh có giá từ 800 USD trở lên đã chạm mốc 76% vào năm ngoái, tăng từ 65% trong năm 2018. Trung Quốc là một trong những động lực tăng trưởng chính của Apple sau khi lệnh trừng phạt của Mỹ làm tê liệt hãng đối thủ là Huawei.
Theo WSJ, Apple đã vượt lên dẫn trước đối thủ lâu năm là Microsoft - công ty hiện trị giá 2.500 tỷ USD.
“iPhone thực sự là một sản phẩm toàn cầu. Hiện chúng tôi đang hoạt động tốt ở các thị trường mới nổi, qua đó vượt qua một số thách thức kinh tế vĩ mô”, Giám đốc tài chính Luca Maestri của Apple cho biết trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 5.
Với Vision Pro được công bố vào đầu tháng này, Apple đang bước vào một thị trường bận rộn với nhiều đối thủ cạnh tranh - đặc biệt Quest của Meta Platforms. Tuy nhiên, các bản demo kính thực tế ảo của Apple vẫn được chào đón rất nồng nhiệt bởi fan hâm mộ trung thành - những người đam mê VR.
Apple vừa trở thành tập đoàn đầu tiên trên thế giới đạt vốn hoá thị trường trên 3 nghìn tỷ USD
Được biết, thiết kế, độ nhạy và đồ họa sống động của cặp kính thực tế ảo mới được cho là có thể “thổi bay” sản phẩm VR mà Facebook, Sony và HTC sản xuất trước đó. Dự án này đã được ấp ủ và thực hiện trong suốt 7 năm với khoảng 2.000 nhân viên, trong đó có cả lãnh đạo trước đây từng chịu trách nhiệm phát triển VR cho NASA. Chính vì vậy, mười năm sau sự thất bại của Google Glass, cặp kính nghiễm nhiên trở thành kỳ vọng lớn của tất cả những ai yêu mến nhà Táo khuyết.
Không chỉ dừng lại ở mắt kính thực tế hỗn hợp, Apple còn nuôi tham vọng lớn hơn cho hệ sinh thái mới có tên “Reality”. Trước đó hồi năm 2017, Bloomberg từng tiết lộ Apple đang phát triển một hệ điều hành mới dựa trên iOS có tên là “rOS”, dành riêng cho thiết bị AR và VR. Đến đầu năm nay, nhiều thông tin cho rằng hệ điều hành mới còn sở hữu phiên bản AR của các ứng dụng trên iPhone.
“Khi người tiêu dùng trẻ tuổi gắn bó hơn với hệ sinh thái Apple, Samsung sẽ khó cạnh tranh với Apple hơn”, Nicole Peng, Phó chủ tịch cấp cao của Canalys cho biết.
Được biết, Apple đã dành được phần lớn sự tin tưởng của nhà đầu tư nhờ mức doanh thu khủng. Trong 5 năm, công ty này đã tạo ra gần 500 tỷ USD tiền mặt từ hoạt động kinh doanh và thay vì dùng chúng để mua lại các công ty lớn, Apple chia cổ tức và làm hài lòng các cổ đông.
“Apple lẽ ra có thể làm tất cả những điều mà ngân hàng kỳ vọng, chẳng hạn như mua Netflix hay Disney. Thay vào đó, họ trả lại vốn cho cổ đông và họ được tán dương vì điều đó”, Kimberly Forrest, người sáng lập kiêm Giám đốc đầu tư của Bokeh Capital Partners LLC, một công ty quản lý tài sản sở hữu cổ phiếu Apple, cho biết.
Kỳ vọng về lợi nhuận trong tương lai của Apple cũng có thể là một lời giải thích xứng đáng. Ước tính thu nhập trong năm 2023 trong lĩnh vực công nghệ giảm, song các nhà phân tích Phố Wall vẫn dự đoán lợi nhuận Apple sẽ tăng 2%.
“Apple so với các tên tuổi khác vẫn mang lại sự an toàn. Apple không hoàn toàn phụ thuộc vào phần cứng, vì công ty này có thể kiếm tiền định kỳ từ việc khách hàng đăng ký dịch vụ Apple Music hay Apple Arcade cho trò chơi điện tử”, Lewis Grant, nhà quản lý danh mục đầu tư cấp cao tại Federated Hermes Ltd. cho biết.
Cơ sở khách hàng trung thành của Apple là một yếu tố quan trọng. Hiện có hơn một tỷ thiết bị iPhone đang được sử dụng, song song với iPad, máy tính Macbook và đồng hồ thông minh. Bên cạnh đó, nhờ số lượng ngày càng tăng của dịch vụ, chẳng hạn như lưu trữ đám mây, Apple đã tự tạo được cho mình một hệ sinh thái bền chặt.
“Một khi bạn đã sử dụng sản phẩm và dịch vụ của Apple, rất khó để từ bỏ. Mọi người sẽ không chuyển sang Android chỉ vì không thể mua iPhone trong tháng này. Họ sẽ chấp nhận đợi”, Jason Benowitz, quản lý danh mục đầu tư cấp cao tại Roosevelt Investment Group LLC, một cổ đông của Apple, cho biết. Ngoài ra, theo Benowitz, Apple được hưởng lợi khá nhiều từ kỳ vọng rằng những khách hàng giàu có sẽ tiếp tục chi tiền cho các sản phẩm cao cấp, ngay cả trong thời kỳ suy thoái.
Theo: WSJ, Bloomberg