Vợ chồng chị Hân cùng quê Thái Bình. Anh chị cưới năm 2015, vì cả hai đều ở tỉnh lẻ, học xong trụ lại thành phố lập nghiệp, gia đình bố mẹ hai bên không có điều kiện để đỡ đần nhiều nên sau cưới anh chị phải đi thuê nhà.
Mức lương của anh chị khi đó khá eo hẹp. Chị làm văn phòng lương tháng 7 triệu, còn anh làm sale lương cứng được 6 triệu, cộng thêm doanh số bán hàng tính ra trung bình mỗi tháng được khoảng 13 triệu. Tổng thu nhập của anh chị là 20 triệu/tháng.
Tiết kiệm hết cỡ
Chị Hân kể: "Cưới xong mình sinh con ngay, nhà lại đi thuê nên cuộc sống khá vất vả. Lương tháng của hai vợ chồng chỉ dao động ngần ấy. Thậm chí có thể rút đi nếu chồng mình không đạt doanh số bán hàng. Vậy nên ngay từ khi bước chân vào cuộc sống hôn nhân, mình đã phải có kế hoạch chi tiêu thật tiết kiệm với mục tiêu kiểu gì cũng phải mua được nhà trong vòng 3 năm.
Các khoản chi tiêu của mình như sau:
- Tiền nhà + điện nước: 2.5 triệu
- Tiền ăn: 3 triệu
- Bỉm sữa cho con: 2.5 triệu
- Tiền xăng xe: 400k
- Đối nội đối ngoại: 500k
"Bình quân một tháng mình sẽ tiêu hết 9 triệu, số còn lại mình bỏ tiết kiệm. Kể cả nuôi con thơ mình vẫn hạn chế tối đa việc chi tiêu. Chẳng hạn sữa bỉm cho con mình chỉ mua hàng bình dân, nội địa. Quần áo sắm cho con chỉ đủ dùng. Mùa đông nhiều hơn 1 chút vì thời tiết ẩm ướt, ra tết hay mưa phùn gió rét quần áo lâu khô nên mình phải chuẩn bị nhiều bộ đồ cho con hơn. Còn mùa hè mình sắm ít đi.
Mùa đông chị Hân sắm đồ cho con nhiều hơn mùa hè. (Ảnh minh họa)
Đặc biệt, trong cơ quan nhiều chị em làm cùng cũng nuôi con nhỏ, lớn hơn con mình khoảng 1, 2 tuổi, mình hay xin lại đồ cũ của các bé nhà chị ấy cho con mặc vì trẻ con mau lớn. Mua nhiều đồ rất lãng phí, trong khi hoàn cảnh nhà mình lại không dư dả gì nên tiết kiệm được khoản nào tốt khoản đó".
Chị Hân không ngại xin quần áo cũ cho con mặc từ bạn bè, đồng nghiệp vì trẻ con mau lớn. Mua sắm nhiều không dùng hết sẽ lãng phí. (Ảnh minh họa)
Cùng với việc tiết kiệm, vợ chồng mình tích cực kêu gọi sự hỗ trợ của bố mẹ hai bên.
"Trên thành phố mọi thứ đều đắt đỏ, từ củ hành, củ tỏi, quả chanh đều phải dùng tới tiền mới có. Ngược lại những thứ đó dưới quê rất rẻ, bố mẹ tự sản xuất ra nên mỗi lần về quê mình thường xin bố mẹ rau dưa, củ quả, cả gạo nữa.
Nếu mình không về được, bố mẹ sẽ gửi theo xe lên trên này. Nhìn vậy thôi chứ 1 tháng cũng tiết kiệm được 1 khoản không hề nhỏ. Thi thoảng vợ chồng mình vẫn nói vui với nhau: 'Sách lược tăng xin – giảm mua – tiết hiệm hết cỡ' này hiệu quả không ngờ ấy chứ" - Chị Hân vui vẻ chia sẻ.
Thực phẩm sạch bố mẹ dưới quê gửi lên cho vợ chồng chị Hân. (Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)
Thực hiện đúng theo kế hoạch đề ra. Một tháng vợ chồng chị Hân tiết kiệm được 11 triệu, một năm cả cộng cả lương thưởng các ngày nữa là anh chị để ra được hơn 170 triệu. Năm 2018 vợ chồng chị Hân quyết định mua căn chung cư cũ của một người bạn với diện tích rộng 65m giá 900 triệu. Tuy nhà đã qua sử dụng nhưng chất lượng hạ tầng bên trong rất ổn, sạch sẽ thoáng mát, view đẹp. Quan trọng là giấy tờ đầy đủ.
Căn hộ mua lại của vợ chồng chị Hân. (Ảnh minh họa)
"Cũng may chị gái mình có điều kiện, thấy em mua nhà liền chuyển cho vay 200 triệu. Còn lại mình về vay bố mẹ chồng, ông bà có 1 tài khoản tiết kiệm ngân hàng trị giá 300 triệu. Vợ chồng mình vay lại cuốn sổ đó, hàng tháng trả 2 cụ theo lãi ngân hàng. Vì căn hộ mình mua khá kiên cố. Trước kia bạn mình mua đã sửa lại toàn bộ nội thất bên trong. Lúc chuyển đi họ cho mình hết từ bàn ghế, tủ giả, kệ tivi nên hầu như mình không phải mua sắm gì thêm.
Có nhà cửa rồi, tinh thần mình thoải mái hẳn. Song vì còn nợ nên vợ chồng vẫn giữ nguyên mức chi tiêu như thế. Rồi lương vợ chồng cũng cao hơn nên trong vòng 2 năm mình đã trả được hết nợ. Hiện tại, cuộc sống của gia đình mình thoải mái hơn nhiều. Ngẫm lại thấy các cụ nói không sai: 'An cư mới lạc nghiệp'", chị Hân vui vẻ kể.