Thành phố Tuyền Thành thuộc tỉnh An Huy, Trung Quốc từng là nơi đúc đồng nổi tiếng thời nhà Thương. Trong thế kỷ trước, nhiều di vật văn hóa đã được phát hiện ở khắp đất nước tỷ dân. Tuy nhiên, điều kỳ lạ là ở Tuyền Thành lại chưa từng xuất hiện một di vật văn hóa nào. Hơn nữa, vì nơi này cách khá xa cung điện của các triều đại cũ nên người dân lại càng có thêm lý do để không nuôi hy vọng về việc tìm được bảo vật ở khu vực này. Thế nhưng, một sự việc xảy ra tại thị trấn Dưỡng Hiền, thành phố Tuyền Thành vào năm 1999 đã khiến mọi người thay đổi suy nghĩ.
Ảnh minh họa: Sohu
Năm đó, anh nông dân họ Trần đang đào bùn ở ao làng thì phát hiện ánh sáng vàng lấp lánh ở dưới đáy ao. Vì tò mò, người đàn ông này vội dùng xẻng đào. Quả nhiên, anh đào được một vật thể màu vàng nặng hơn 20kg, có hình dáng kỳ lạ và hoa văn được chạm khắc rất tinh xảo. Cho rằng đây là một món bảo vật được làm bằng vàng, anh Trần lặng lẽ mang nó về nhà mà không biết rằng chuyện anh đào được “báu vật” đã lan truyền khắp làng.
Vài ngày sau đó, một số chuyên gia ở bảo tàng địa phương nghe tin đã tìm đến nhà anh Trần để mục sở thị “kho báu bằng vàng”. Tuy nhiên, họ đã bị gia chủ từ chối đón tiếp. Không bỏ cuộc, nhóm chuyên gia này còn đến nhà người đàn ông này thêm vài lần nữa nhưng đều không có kết quả. Mãi đến khi được hàng xóm cho biết có một số người buôn bán đồ cổ thường lui đến nhà anh Trần thì các chuyên gia mới dám khẳng định kho báu mà người này đào lên quả thực là di vật văn hóa.
Lo lắng món đồ quý giá sẽ bị bán đi, các chuyên gia vội tìm đến sự giúp đỡ của cảnh sát địa phương. Trước yêu cầu của phía cảnh sát, anh Trần cuối cùng cũng chịu khai báo sự việc và đưa “báu vật” kia cho các chuyên gia thẩm định.
Sau quá trình nghiên cứu, các chuyên gia cho biết món đồ này là một loại nhạc cụ thuộc triều đại nhà Thương cách đây 3.000 năm, được coi là bảo vật quý hiếm của Trung Quốc. Tuy nhiên, chiếc chũm chọe này không được làm bằng vàng như nhiều người vẫn nghĩ. Thực chất, nó được tạo ra từ nhiều chất liệu, màu vàng của nhạc cụ này là kết quả của việc thêm đồng, chì và thiếc trong quá trình đúc. Màu sắc của nó không bị biến đổi theo thời gian là nhờ nằm sâu dưới bùn.
"Báu vật" được tìm thấy năm 1999 đã được trưng bày tại Bảo tàng Tuyền Thành, An Huy, Trung Quốc. Ảnh: Sohu
Sau khi xác định được nguồn gốc, di vật văn hóa này được mang đi và trưng bày ở bảo tàng Tuyền Thành. Về phần “chủ nhân” của nó, anh nông dân họ Trần ban đầu không có ý định giao nộp báu vật tìm được. Tuy nhiên sau khi được cảnh sát và các chuyên gia khuyên nhủ, người đàn ông này mới hiểu ra hành vi cố tình mua bán hay phá hủy di vật văn hóa là vi phạm pháp luật, có thể bị phạt hay truy cứu trách nhiệm trước pháp luật.
Theo quy định của pháp luật Trung Quốc, mọi di tích văn hóa còn sót lại trong lòng đất, nội thủy và lãnh hải ở nước này đều thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc. Vì vậy, khi người dân vô tình phát hiện ra chúng, thay vì giữ làm của riêng, hãy báo cáo các chuyên gia, các cấp hay ban ngành liên quan để giúp xác định rõ nguồn gốc và bảo tồn những món đồ đó.
Nguồn: Sohu