Theo Live Science, thời gian trước, nhà khảo cổ tình nguyện Wolfgang Herkt đã vô tình phát hiện một kho đồng vàng của người Celt ở bang Brandenburg, đông bắc nước Đức.
Được biết, kho báu này có tổng cộng 41 đồng xu - được đúc cách đây 2.000 năm và là kho vàng đầu tiên của người Celt được tìm thấy tại Brandenburg, Sở Văn hóa Brandenburg cho biết. Nó được đánh giá là có “giá trị cực khủng”.
Sau khi tìm thấy, Herkt đã thông báo cho Bảo tàng Khảo cổ và Quản lý Di sản Bang Brandenburg (BLDAM).
Cụ thể, các đồng xu được uốn cong - đặc điểm “đặc biệt” mang lại cho chúng tên gọi "regenbogenschüsselchen" trong tiếng Đức, nghĩa là "cốc cầu vồng".
"Giống như truyền thuyết cho rằng có một chiếc hũ đựng vàng phía cuối cầu vồng. Theo quan điểm của người xưa, những chiếc cốc cầu vồng sẽ xuất hiện ở nơi cầu vồng chạm vào Trái Đất", Marjanko Pilekić, nhà nghiên cứu tại tổ chức Schloss Friedenstein Gotha giải thích.
Một truyền thuyết khác là những chiếc cốc cầu vồng rơi trực tiếp từ trên trời xuống, được coi là bùa may mắn và có tác dụng chữa bệnh, Pilekić bổ sung. Nguyên nhân có thể là do nông dân nhiều lần tìm thấy những đồng vàng cổ trên cánh đồng sau mưa - “không có bụi bẩn và sáng bóng”.
Bằng cách so sánh trọng lượng và kích thước số xu phát hiện ở Brandenburg với những chiếc “cốc cầu vồng” cổ đại khác, Pilekić xác định chúng tồn tại từ năm 125 đến năm 30 trước Công nguyên, cuối thời kỳ Đồ Sắt.
Trong 41 đồng vàng, 19 đồng thuộc loại stater với đường kính 2cm, trọng lượng trung bình là 7,3 gram. 22 đồng thuộc loại 1/4 stater với đường kính 1,4 cm, trọng lượng trung bình 1,8 gram. Toàn bộ đều không có hình khắc, nghĩa là cốc cầu vồng trơn, Pilekić nhận định.
Những đồng vàng trông giống nhau nên có khả năng chúng được tích trữ cùng một lúc, ông nói. Tuy nhiên, điều bí ẩn là tại sao số vàng này - “kho báu cốc cầu vồng trơn” lớn thứ hai từng được tìm thấy lại xuất hiện ở Brandenburg. Điều này đã khiến nhiều nhà khoa học phải nghiên cứu và tìm hiểu kỹ hơn.
Tham khảo Live Science