Áng thơ tình nước Ý "Call Me By Your Name" đừng hòng có cửa chạm tượng vàng Oscar?

AA, Theo Trí Thức Trẻ 05:45 04/03/2018

Mới đây, các tín đồ điện ảnh chờ đợi kết quả Oscar 2018 đổ dồn sự chú ý vào một phát ngôn trên Facebook cho rằng khả năng "Call Me By Your Name" được tượng vàng Oscar là 0% với các luận điểm gây tranh cãi.

Chỉ còn chưa đến 48 giờ nữa, những cái tên quan trọng sẽ được xướng lên trong lễ trao giải Oscar lần thứ 90. Thế trận năm nay được cho là khó đoán và dàn trải ngay hạng mục đề cử quan trọng nhất, từ giới điệu mộ đến các tín đồ mê phim, người ta đặt cửa loạn xạ cho các tác phẩm hạng mục Phim xuất sắc nhất. Trong lúc đó, các mọt phim Việt Nam cũng đang háo hức "đặt cược" với bộ phim yêu thích của mình. Giữa các nhận định trước giờ G, có một ý kiến cho rằng tác phẩm Call Me By Your Name "có 0% cơ hội thắng tượng vàng Oscar" ở hạng mục Phim xuất sắc nhất.

Áng thơ tình nước Ý Call Me By Your Name đừng hòng có cửa chạm tượng vàng Oscar? - Ảnh 1.
Áng thơ tình nước Ý Call Me By Your Name đừng hòng có cửa chạm tượng vàng Oscar? - Ảnh 2.

Ý kiến này sẽ chẳng có vấn đề gì bởi bên cạnh câu chuyện tình thơ mộng miền Bắc nước Ý, các đề cử khác cùng hạng mục rõ ràng sở hữu nhiều phẩm chất thắng giải danh giá này hơn. Tuy nhiên, với phát ngôn kèm theo rằng "Call Me By Your Name không nên được đề cử ngay từ đầu" vì cách yêu và màn gọi tên nhau giữa Elio và Oliver là "độc hại", việc đạo diễn Luca Guadagnino chọn hai diễn viên trai thẳng vào thể hiện mối tình đồng tính là "trêu ngươi cộng đồng LGBTQ", còn việc bộ phim quá trắng sáng đến mức chẳng có một diễn viên da màu được xem là "phân biệt màu da".

Bạn nghĩ sao về phát ngôn chính cũng như những luận điểm này?

Áng thơ tình nước Ý Call Me By Your Name đừng hòng có cửa chạm tượng vàng Oscar? - Ảnh 3.

Đọc lại toàn bộ bài phát biểu của nhân vật Siêu Nguyễn đang được các mọt phim quan tâm:

'CALL ME BY YOUR NAME' CÓ 0% CƠ HỘI THẮNG TƯỢNG VÀNG OSCAR CHO PHIM HAY NHẤT. ĐÂY LÀ 3 LÝ DO TẠI SAO.

Xin chia buồn với các fan của Call Me By Your Name, bộ phim này chắc chắn sẽ không thể thắng hạng mục cao nhất trong lễ trao giảo Oscar diễn ra Chủ Nhật này. Nói chia buồn không phải vì cái thất bại được báo trước ấy, mà vì hình như khiếu thẩm mĩ của các bạn đang hơi đi lạc đường. Nếu các bạn mê mẩn bộ phim này đến mức nghĩ rằng nó xứng đáng được vinh danh là bộ phim hay nhất năm, thì tôi khuyên các bạn nên ra rạp nhiều hơn để thưởng thức những tác phẩm điện ảnh xuất sắc hơn, sẽ rất tốt cho việc định hình và bổ túc khiếu thẩm mĩ (nếu có). Call Me By Your Name không có cửa thắng Best Picture là một chuyện, nhưng đáng ra nó không nên được đề cử ngay từ đầu. Tại sao ư? Vì đây là một bộ phim tồi.

Cái tồi thứ #1:

Hãy nhắm mắt và tưởng tượng một cặp đôi nào đó đang dành thời gian bên nhau. Lấy Châu Bùi và Decao ra làm ví dụ nhé. OK. Hãy tưởng tượng họ đang nằm mặt đối mặt trên giường. Châu Bùi lấy tay vuốt má Decao thật dịu dàng, nở một nụ cười tình tứ, nhìn sâu vào mắt Decao và nói: "Châu Bùi! Châu Bùi! Châu Bùi! Châu Bùi!" Decao cũng không kém cạnh, nhìn Châu Bùi với ánh mắt tràn ngập sự yêu thương và bắt đầu tự gọi tên mình: "Decao! Decao! Decao! Decao!" Trong sự tĩnh lặng của mùa hè, họ không rời mắt khỏi nhau, miệng không ngừng tự phát âm tên của mình như một điệp khúc.

Có đứa nào bị thần kinh mà làm như thế không? Xin lỗi bác André Aciman, nhưng đây chắc là cái ý tưởng yêu đương kỳ quặc và thiếu lãng mạn nhất thế giới. Tôi rùng hết cả mình khi tưởng tượng ra việc mình nằm cạnh người yêu và bắt đầu gọi tên… chính mình. Ngôn ngữ của tình yêu là nói ít, làm nhiều, là cử chỉ, là ánh mắt, là những nụ hôn. Nếu giao tiếp bằng lời nói thì cũng nên ngắn gọn, súc tích, chứ đừng bày trò này trò nọ, "call me by your name," chỉ thấy mơn mởn một sự sống sượng chứ chẳng chân thành chút nào. Ngôn ngữ của tình yêu phải chân thành, phải "thật," còn cái trò nhìn mặt người khác xong tự gọi tên mình này quá lố bịch và "sân khấu."

Có người nói, "call me by your name" – gọi tên người yêu bằng tên chính mình – chỉ là một hành động ẩn dụ cho việc khi yêu thì hai cá thể hoà vào làm một, yêu nhau quá mãnh liệt nên người này dường như sở hữu người kia và ngược lại, hai trở thành một, anh là em và em cũng là anh. Xin lỗi, đây là tình yêu chứ không phải cám, muốn trộn cái gì hỗn tạp cũng được. Cách yêu văn minh nhất là yêu người khác nhưng vẫn giữ nguyên được bản ngã của mình, vẫn có sự tự chủ trong mọi mặt cuộc sống. Yêu cuồng si tới mức sở hữu nhau, tới mức "hoà làm một" là sự đánh mất mình chứ không phải yêu. Những người quen yêu kiểu này hãy nên tự xem lại mình, và những bộ phim như Call Me By Your Name làm ơn đừng cổ xuý những cách yêu độc hại như thế này nữa.

Cái tồi thứ #2:

Luca Guadagnino ơi, chắc chú định trêu ngươi cộng đồng LGBTQ khi quyết định để hai thằng trai thẳng đóng Elio và Oliver. Những người đồng tính/song tính trong cuộc sống đã thiệt thòi hơn người dị tính về rất nhiều mặt, trong đó có cơ hội việc làm, vì dù xã hội đã tiến bộ hơn nhiều nhưng họ vẫn bị kỳ thị và nghi ngờ về khả năng, sức hút. Một chuyện tình đẹp như Call Me By Your Name là cơ hội rất lớn cho những diễn viên đồng tính/song tính được đóng vai diễn là chính mình trên màn ảnh rộng, cho khán giả thấy được xu hướng tính dục không định nghĩa tài năng. Và vâng, một Armie Hammer cứng ngắc và một Timothée Chalamet tưởng-gay-mà-không-phải lại là lựa chọn cho hai vai này, cướp đi cơ hội của nhiều người vẫn đang miệt mài tìm cho mình một cánh cửa vào Hollywood. Timothée Chalamet không phải không có tài, nhưng có bao nhiêu cơ hội cho bạn ở những bộ phim cần trai thẳng như Dunkirk và có thể nói hầu hết các bộ phim khác, vâng. Hãy nhường cơ hội ngủ với đàn ông trên màn ảnh rộng cho một người thật sự ngủ với đàn ông ngoài đời.

Armie Hammer thì, khỏi nói. Đừng hỏi tại sao sau những The Social Network, The Lone Ranger và The Man from U.N.C.L.E, vẫn chẳng ai nhớ tên anh này. Vì ảnh không diễn được, thế thôi. Ít nhất Timothée Chalamet còn diễn đủ thuyết phục để khán giả nhận ra xu hướng tính dục của nhân vật, chứ cách diễn vô hồn của Armie Hammer như hét vào mặt người xem: "tôi là trai thẳng nhưng đang cố diễn vai gay." What’s the point of acting when your performance screams ‘fake’? Khi Call Me By Your Name mới ra mắt đại chúng, nhà báo Anne Helen Peterson đã đăng một bài viết với tựa đề "Ten Long Years Of Trying To Make Armie Hammer Happen: How many second chances does a handsome white male star get?", chỉ ra rằng Hollywood đã quá ưu ái cho những chàng trai thẳng da trắng như Armie Hammer khi hết lần này tới lần khác cho họ cơ hội thứ hai, dù tài năng của họ không quá nổi trội. Đây không phải là một lời công kích cá nhân, mà là một ý kiến phê bình nghệ thuật với lý lẽ và dẫn chứng xác đáng, nhưng Armie Hammer đã ngay lập tức "dỗi" và bỏ dùng Twitter, không chịu tiếp nhận. Một diễn viên như vậy có thể tiến xa? Khi cần "đàn bà" thì lại cứ "đàn ông" mà khi cần "đàn ông" lại hành xử như "đàn bà," là sao anh?

Năm 2005, bộ phim Brokeback Mountain dù đột phá tới bao nhiêu, vẫn phải chịu ý kiến phê bình gay gắt rằng để hai người đàn ông dị tính, Heath Ledger và Jake Gyllenhaal, đóng vai hai chàng gay cowboy. Khác với Call Me By Your Name, Brokeback Mountain có thể lấy cớ đó là năm 2005, vấn đề giới tính vẫn chưa phủ rộng như bây giờ. 13 năm trôi qua, Luca Guadagnino quyết định làm một bộ phim y hệt như thế, vẫn là hai chàng trai yêu nhau trong bí mật, vẫn là họ phải chia tay trong đoạn kết để về nhà lấy vợ, và vẫn cho hai diễn viên là trai thẳng đóng trai gay. Từng ấy năm trôi qua mà lời phê bình đó vẫn không được tiếp nhận và sửa đổi, Call Me By Your Name của năm 2018 nên tự gọi tên mình là một phiên bản lỗi của Brokeback Mountain thì hơn.

Cái tồi thứ #3:

Nếu bạn đang thở phào nhẹ nhõm vì "chắc lần này Siêu không lải nhải về sự phân biệt chủng tộc nữa," xin chia buồn. Tôi sẽ còn lải nhải về vấn đề này cho tới khi các bạn ngừng che ô và bôi quá nhiều kem chống nắng vào mùa hè để tránh bị đen da. Như đại bộ phận chúng ta có lẽ đều đã biết, người da trắng được hưởng nhiều đặc quyền mà người da màu không có, và cũng chịu ít sự kỳ thị, gặp ít khó khăn hơn trong cuộc sống. Những người da trắng thuộc cộng đồng LGBTQ cũng không phải ngoại lệ. Dù họ có phần thiệt thòi hơn người dị tính, song tôi có thể kết luận từ trải nghiệm sống ở Mỹ của mình là, cuộc sống của họ ở năm 2018 đã dễ dàng hơn rất, rất nhiều những người thuộc cộng đồng LGBTQ là người da màu. Một bộ phim chiến thắng Oscar thường hội ngộ hai yếu tố: kịch tính và tầm quan trọng. Yếu tố thứ hai nói về giá trị của bộ phim trong bối cảnh xã hội đương thời. Call Me By Your Name nói thẳng ra không có giá trị đến vậy, vì những chàng trai đồng tính/song tính da trắng vẫn còn sung sướng chán so với phụ nữ, so với người da màu, so với người chuyển giới, chưa kể Elio và Oliver trong phim này đều là những kẻ giàu có, không phải lo lắng về vấn đề tài chính. Ở năm 2018, cái chủ đề không thể come out mà phải cưới vợ đối với đối tượng này đã cũ rích rồi. Không ai cấm Luca Guadagnino và James Ivory vung tiền làm một bộ phim như Call Me By Your Name, nhưng thế giới không cần thêm một bộ phim về cách những người da trắng tận hưởng cuộc sống vương giả của họ. Nào là đạp xe giữa mùa hè tại Italy, nào là đeo kính râm phơi nắng giữa hồ bơi, nào là nếu thích thì có thể ngay lập tức nhảy lên xe buýt đi du lịch ở nơi hoang dã, nào là thức ăn trong nhà thừa mứa tới mức phải thủ dâm vào một quả đào. Có lẽ ngoài việc Elio và Oliver không thể come out với gia đình về xu hướng tính dục của mình, họ chả có gì thiệt thòi trong cuộc sống. Tại sao chúng ta không làm một bộ phim về những người yếu thế hơn, về những câu chuyện khó khăn hơn, về những mảnh đời thiệt thòi hơn? Có lẽ chính vì thế mà khi xem tới cảnh Oliver chuẩn bị lấy vợ, tôi không có chút mảy may cảm xúc gì, vì về cuối ngày anh ta vẫn có tất cả mọi thứ, và nếu có "lộ" ra mình gay thì cũng không phải đi đến cùng của sự tuyệt vọng như bao người.

Một bộ phim mà căng mắt ra vẫn không thể tìm thấy một gương mặt da màu quả thật là một lựa chọn xuất chúng cho xã hội tiến bộ của năm 2018. Call Me By Your Name trắng và sáng như chính mùa hè mà nó mô tả, một mùa hè của sự giàu sang và phú quý, của những chàng trai ngoài việc không được hôn hít nơi công cộng thì cũng chẳng phải lo lắng điều gì. Đừng lấy lý do vì nước Ý năm 1983 không có người da màu mà bộ phim cũng phải miêu tả điều đó chân thực. George Washington cũng đâu phải là một Tổng thống da màu mà vở kịch Hamilton vẫn có thể truyền tải thông điệp về sự đa dạng một cách táo bạo và sáng tạo đó thôi? Chuyển thể một cuốn sách không có nghĩa là phải bê nguyên mọi thứ trong cuốn sách đó vào bộ phim, còn nếu vẫn muốn khư khư trung thành với một bối cảnh chỉ toàn người da trắng, thì tốt nhất là đừng làm bộ phim này từ đầu đi. Đây không phải là thời điểm cho một bức tranh đơn sắc như vậy.

Phim ảnh có khả năng định hình thẩm mĩ, định hình cảm giác, định hình ham muốn. Thử tưởng tượng một cậu trai mới lớn, vẫn đang khám phá về xu hướng tính dục của bản thân, sống ở một đất nước đang phát triển như Việt Nam chẳng hạn, xem những bộ phim như Call Me By Your Name hay Brokeback Mountain, để rồi bị tiêm nhiễm vào đầu rằng chuẩn mực của cái đẹp là phải trắng, phải cao, phải vạm vỡ, phải "đàn ông" như anh Oliver kia. Mê đắm vào những thứ hình ảnh xoay quanh nét đẹp phương Tây như vậy, họ sẽ bao giờ học cách tự trân trọng ngoại hình của mình, của dân tộc mình, của những người không trắng, không cao, không vạm vỡ, không "đàn ông"? Vẻ đẹp tồn tại ở nhiều thể dạng khác nhau, và trong khi thế giới đang hướng tới việc trân trọng mọi vẻ đẹp, mọi khuôn mặt, mọi dáng vóc, thì một tác phẩm mang nặng tính chất khuôn mẫu ("stereotypical") như Call Me By Your Name là một bước thụt lùi.

Có lẽ giới phê bình Mỹ năm nào cũng phải vớ được một bộ phim LGBTQ để tôn vinh, để thể hiện mình tôn trọng sự đa dạng. Call Me By Your Name được tôn vinh cũng vì lẽ đó, vì nó là bộ phim LGBTQ tốt nhất trong một năm mà chẳng có bộ phim LGBTQ nào gọi là tạm ổn, chứ không phải vì đây là một sản phẩm chất lượng một cách khách quan. Một cốt truyện nhạt và rỗng, hai nhân vật thiếu chemistry trên màn ảnh, nhiều chi tiết quá sến, tất cả tạo nên một bức tranh đẹp nhưng vô hồn, chưa kể cái ý tưởng điên rồ của việc nhìn vào mặt người mình yêu thương để rồi tự gọi tên chính mình xứng đáng được liệt kê vào "Danh sách những điều bạn không-nên làm khi yêu nhau."

Áng thơ tình nước Ý Call Me By Your Name đừng hòng có cửa chạm tượng vàng Oscar? - Ảnh 4.

Siêu Nguyễn là một bạn trẻ sinh năm hiện đang sống và làm việc tại New York với vị trí Trợ lý dựng phim cho Paramount Network, sở hữu hơn 20.000 lượt follower trên mạng xã hội.

Giải thưởng Viện Hàn lâm hay Giải Oscar là giải thưởng điện ảnh thường niên của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh (AMPAS). Lễ trao giải Oscar lần thứ 90 nhằm vinh danh các tác phẩm xuất sắc nhất trong năm 2017 sẽ diễn ra tại nhà hát Dolby Theatre, Hollywood, Los Angeles, California vào lúc 17h ngày 4/3/2018 giờ địa phương (8h sáng ngày 5/3/2018 giờ Việt Nam) và được phát sóng trên kênh truyền hình Mỹ ABC. MC, danh hài Jimmy Kimmel là người dẫn dắt lễ trao giải năm nay.