Buffet lẩu hoặc buffet nướng là một hình thức ăn uống được nhiều người ưa thích, bởi vừa tiết kiệm vừa có thể ăn no và ăn ngon. Vương Phàm là nhân viên phục vụ tại một nhà hàng buffet tại tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc). Nhiều năm hoạt động trong ngành dịch vụ, Vương Phàm luôn hạnh phúc mỗi lần được thấy nụ cười hài lòng của khách hàng khi ra về sau bữa ăn ngon lành.
Một ngày nọ, như thường lệ, Vương Phàm đang đứng ở cửa để tiễn khách thì một cô bé chợt thu hút sự chú ý của cô. Thường thì bàn ăn ở nhà hàng buffet rất lộn xộn, nhưng bàn của cô bé này lại cực kỳ sạch sẽ, chẳng có mấy đồ thừa mứa và đặc biệt, túi áo của cô bé này phồng lên một cách bất thường, kể cả túi áo khoác lẫn túi quần. Phản ứng đầu tiên của Vương Phàm là đứa trẻ này đang cố gắng mang thức ăn ra khỏi nhà hàng!
Sau khi hỏi, Vương Phàm mới biết cô bé năm nay lên 7 tuổi. Khi cô nói với cô bé rằng muốn xem trong túi quần áo của cô bé có gì, cô bé tỏ ra khá do dự. Vì quy định của nhà hàng, Vương Phàm không còn cách nào khác là phải tự mình lục túi cô bé, và những gì được lấy ra khiến Vương Phàm sửng sốt. Mỗi túi áo của cô bé đều chứa đầy các loại bánh ngọt và món tráng miệng khác nhau, lạ thay tất cả đều bị cắn một miếng.
Ảnh minh họa
Những gì xảy ra chỗ Vương Phàm đứng nhanh chóng khiến các khách hàng khác để ý. Vương Phàm nhìn cô bé, hy vọng cô bé có thể đưa ra lời giải thích. Nhưng vào lúc đó, cô bé nói một câu khiến tất cả mọi người xung quanh đều khóc.
Cô bé nói, "Con muốn đem những thứ chỉ ăn một miếng này về cho mẹ. Nếu con không mang đi, những thứ mà con đã nếm cuối cùng cũng bị vứt đi thôi".
Hóa ra, mẹ của cô bé bị liệt, phải nằm trên giường, không thể di chuyển. Vì muốn mẹ được ăn thử các món ngon, cô bé đã nghĩ ra giải pháp này. Tấm lòng hiếu thảo của cô bé khiến mọi người không khỏi xúc động.
Về phần mình, dù đã biết sự thật, Vương Phàm vẫn cảm thấy khó xử. Cô cũng bị hành động của cô bé làm cảm động, nhưng nhà hàng buffet có quy định rõ ràng là khách hàng không được phép mang thức ăn ra ngoài. Dù trong hoàn cảnh nào, ai cũng phải tuân theo quy tắc. Nếu khách hàng vi phạm, đó là trách nhiệm của nhân viên. Nghĩ đến điều này, Vương Phàm cảm thấy vô cùng mâu thuẫn.
Nhưng cuối cùng, Vương Phàm vẫn quyết định để cô bé mang thức ăn đi bởi cô thấy trong ánh mắt của cô bé là một trái tim hiếu thảo. Với nữ nhân viên này, bị ông chủ trách phạt không quan trọng, cô không muốn để lòng hiếu thảo của cô bé bị những thứ gọi là quy tắc phá vỡ.
Sau khi câu chuyện trên được chia sẻ lên MXH, ai nấy cũng khen ngợi cô bé 7 tuổi vì lòng hiếu thảo, và đương nhiên, mọi người cũng không quên tán dương hành động của Vương Phàm. Vậy làm cha mẹ, chúng taphải làm thế nào để nuôi dạy một đứa trẻ hiếu thảo?
Làm gương
Làm gương rất quan trọng. Cha mẹ nên hiếu thảo với người lớn tuổi, và trẻ con có thể bắt chước hành vi mà chúng thấy ở người lớn, đó là cách lòng hiếu thảo được kế thừa. Cái gọi là lòng hiếu thảo không nhất thiết phải là báo đáp cao sang, đơn giản chỉ là dành thời gian ghé thăm những người lớn tuổi vào cuối tuần hay vào dịp lễ Tết, ăn cơm, phụ họ việc nhà, gọi điện hỏi han thường xuyên… Tất cả những điều này góp phần tạo nên không khí gia đình tôn trọng và yêu thương người già.
Thông qua sự ảnh hưởng tinh tế này, trẻ em sẽ trở nên thông minh và biết quan tâm đến cha mẹ, ông bà hơn.
Ảnh minh họa
Phê bình đúng lúc
Trẻ em cần được khích lệ, khen ngợi và đánh giá cao, nhưng chúng cũng cần phê bình và sửa sai.
Nếu trẻ em có thiếu sót, cha mẹ nên chỉ ra ngay lập tức, để trẻ cảm nhận được rằng cha mẹ vừa là bạn vừa là thầy cô. Người xưa nói "Thương cho roi cho vọt", nhưng tất nhiên, chúng ta không thể chỉ đánh con mình một cách vô cớ suốt ngày. Điều này sẽ gây ra tổn thương tâm lý lâu dài cho trẻ, và vô hình trung sẽ dựng lên một bức tường phân cách giữa cha mẹ và con cái, khiến mối quan hệ đôi bên trở nên xa cách.
Khi một đứa trẻ liên tục làm điều sai và không nghe lời, người lớn có thể trách phạt một cách phù hợp. Có thể đánh mắng song cần có chừng mực, để trẻ chịu đau da thịt một chút và nhận ra lỗi lầm của mình, từ đó xây dựng tiêu chuẩn hành vi đúng đắn.
Dạy về lòng biết ơn
Hãy nói với con bạn rằng không ai có thể thành công một cách dễ dàng nếu chỉ có một mình. Người lớn nên dạy trẻ nói "cảm ơn" với cả những việc đơn giản như khi cha mẹ nấu ăn, giặt quần áo và làm việc nhà thay trẻ. Trẻ cần học cách nói "cảm ơn" với cha mẹ và những người lạ.
Hãy để trẻ phát triển thói quen biết ơn một cách tinh tế, biết ơn cha mẹ, biết ơn người thân, biết ơn xã hội, và cố gắng trở thành một người có ích có thể đền đáp lại xã hội.
Thường xuyên làm việc nhà
Trẻ em học hành căng thẳng, thời gian biểu đầy ắp nên cha mẹ thường không muốn để con cái làm việc nhà. Khi trẻ em quen với việc cơm nước đưa đến tận miệng, chúng sẽ không biết công việc nhà vất vả thế nào. Bạn có thể để trẻ làm một số công việc nhà đơn giản như cắm cơm, bày bát đĩa, quét nhà. Quan trọng là phải có ý thức làm việc nhà.
Trẻ em có thể cảm thấy chán nản và mệt mỏi khi làm những việc này nhưng chỉ khi chúng tự mình trải nghiệm, chúng mới hiểu nỗi vất vả của cha mẹ. Còn khi cha mẹ mệt mỏi, cha mẹ có thể nhờ con cái đấm lưng, bóp vai, dạy chúng cách chăm sóc cha mẹ theo sức của mình.
Mỗi đứa trẻ đều vốn dĩ ngây thơ và tốt bụng, liệu chúng có hiếu thảo hay không chủ yếu phụ thuộc vào cách dạy dỗ, định hướng của cha mẹ, nhớ nhé!
Nguồn: Toutiao