Thực chất, một số loại rau củ quả chúng ta vẫn thường ăn ngày nay mang giá trị lịch sử và câu chuyện vô cùng thú vị về cách chúng biến đổi theo thời gian. Ai chẳng biết cà rốt có màu cam, cà tím thì dĩ nhiên phải có màu tím, hay dưa hấu sở hữu vị ngọt lịm cuốn hút. Tuy nhiên, đó chỉ là chúng của ngày nay thôi!
Cùng nhìn về quá khứ của một số loại trái cây, rau củ để xem chúng đã thay đổi theo thời gian như thế nào nhé!
Những quả dưa leo (dưa chuột) ban đầu là loại cây mọc hoang dã và độc đến mức không thể nào ăn được. Tuy nhiên, loại dưa chuột này được người từ Ấn Độ gây trồng và sử dụng để làm thuốc là chủ yếu. Dưa chuột chúng ta ăn ngày nay phát triển dài hơn và chứa hàm lượng nước cao, hiện nay cực kỳ phổ biến trong những bữa ăn hằng ngày.
Sở dĩ người ta đặt tên tiếng Anh cho cà tím là "eggplants" bởi tại thời điểm ban đầu, chúng trông giống như một quả trứng mọc ra từ thân cây. Những quả cà tím sớm nhất có nhiều màu sắc khác nhau như trắng, vàng và xanh chứ không phải tím. Chúng cũng có nhiều hình dạng như tròn và hình bầu dục. Đặc biệt khi xưa, thân của chúng từng có đầy gai nhỏ.
Vào những năm 1700, một số người châu Âu thực sự sợ ăn cà chua và họ gọi chúng là "táo độc" vì lúc đó trông nó khá giống với quả táo. Họ nghĩ rằng những người giàu đã chết khi ăn chúng. Hoá ra, sự thật là cà chua có tính axit cao, khi được đặt trên những tấm thiếc làm bằng chì thường được dùng trong các gia đình vương giả sẽ gây ra hiện tượng ngộ độc tai hại. Đến nay, loại trái cây này cũng phổ biến chẳng kém gì dưa leo.
Trong những thế kỷ trước, cà rốt vốn có màu trắng và tím. Nhiều giả thuyết cho rằng cà rốt đã bị người Hà Lan chuyển sang màu cam vì lý do chính trị. Câu chuyện kể rằng để tôn vinh ngài William của xứ Orange, một nhà lãnh đạo cách mạng và nông dân Hà Lan đã nhân giống cà rốt màu cam (orange – đúng với tên gọi vùng đất ngự trị của William thời ấy).
Trước kia, ngô là một cây lương thực có nguồn gốc từ teosinte (một loại chi cỏ ngô ở Mexico). Nó có ít hạt và vỏ cứng hơn bây giờ rất nhiều, khiến cho việc tiêu thụ chúng trở nên khó khăn, hầu như không thể ăn được. Qua nhiều năm chọn lọc và thuần hóa, bắp dần trở nên lớn hơn nhiều, dễ trồng và cũng dễ ăn hơn.
Chuối hoang ngày xưa thường rất cứng và chúng chứa nhiều hạt lớn bên trong. Những quả chuối mà chúng ta có được ngày nay thực sự đến từ 2 giống chuối hoang dã, được phát triển thành một loại bổ dưỡng và thơm ngon hơn. Một số giống chứa hạt nhỏ hơn, một số hầu như không có hạt như ta vẫn ăn thường ngày.
"Tổ tiên" của loài táo là táo dại, chúng thực sự rất nhỏ. Điều đặc biệt nữa là trong một cây táo dại sẽ có rất nhiều quả với màu sắc, kích cỡ và hương vị khác nhau. Khoảng 4.000 năm trước, táo đã được thuần hóa và trồng để cải thiện kích thước và hương vị, mang đến cho chúng ta một loại trái cây thơm ngon như ngày nay.
Bơ mọc hoang dại ngày xưa có kích thước nhỏ hơn, đã vậy phần hạt của chúng còn chiếm đến gần như 90% bên trong. Vì nó quá nhỏ, bạn sẽ cần đến 10 quả bơ dại ngày xưa để làm được một ly sinh tố tương đương với 1 quả bơ ngày nay!
Trước đây, mỗi quả đào chỉ có kích thước nhỏ xíu như 1 trái cherry ngày nay, phần ăn được cũng rất ít. Được biết, người Trung Quốc cổ đại là những người đầu tiên thuần hóa thành công đào dại. Sau khi trải qua hàng ngàn năm để nhân giống chọn lọc, quả đào bây giờ đã lớn hơn, mọng nước và ngọt hơn rất nhiều.
Dưa hấu là loại trái cây có nguồn gốc từ Ai Cập cổ đại vào khoảng 5.000 năm trước. Khi đó, chúng rất nhỏ và có vị rất đắng, lớp vỏ ngoài cũng như phần ruột bên trong đều nhạt màu hơn, chứa ít thịt trong khi hạt thì lại rất nhiều. Thông qua việc canh tác bằng cách sử dụng quy trình nhân giống chọn lọc, dưa hấu giờ đây có phần ruột đỏ ngọt, mọng nước và vỏ của chúng cũng bớt dày hơn xưa.
Nguồn: Brightside