Ngày 8/1/1937, vào lúc 8h sáng gần Tháp Hồ Ly (Bắc Kinh, Trung Quốc), 2 phu kéo xe địa phương đi làm sớm thấy một đàn chó hoang châu đầu vào chiếc bọc nằm dưới con mương, cạnh bức tường thành. Họ tiến đến gần xem có cái gì, và thất kinh hồn vía. Trong chiếc bọc là thi thể một thiếu nữ châu Âu bị đâm nát.
Pamela Werner là cô gái gốc Âu không rõ xuất xứ, mồ côi từ nhỏ và được Werner nhận nuôi
Nghe thông báo, đại tá Han Shih Chung (Trung Quốc) - cảnh sát Bắc Kinh vội vã đến hiện trường. Ban đầu, ông cứ nghĩ nạn nhân là người Nga và tự sát. Tuy nhiên, các vết thương quá lớn và nhiều khiến ông phải xem xét lại. Sợ mình không đủ thẩm quyền để gánh vác, Han gọi báo cho W.P. Thomas (Anh) - Ủy viên Khu phố Legation (phố người nước ngoài ở Bắc Kinh) đến hiện trường.
Trong lúc cả Han và Thomas vẫn chưa biết nạn nhân là ai, nhà ngoại giao Edward Theodore Chalmers Werner (Anh), sống trong Khu phố Legation bất ngờ xuất hiện. Ông rẽ đám đông hiếu kỳ bước vào, nhìn mặt thi thể và kêu lên thảm thiết "Ôi, Pamela ơi!". Trước các nhà điều tra, Werner xác nhận người chết là Pamela Werner - con gái nuôi của ông. Cô đã mất tích từ tối hôm trước (7/1).
Tháp Hồ Ly, nơi thi thể Pamela Werner được phát hiện
E.T.C Werner (1864-1954) đến Trung Quốc vào thập niên 1880, làm việc tại Bộ Ngoại giao. Ông thông thạo cả 2 ngôn ngữ, Anh và Trung Quốc, từng làm thông dịch viên một thời gian trước khi trở thành nhà nghiên cứu tín ngưỡng dân gian Trung Hoa.
Năm 1911, Werner kết hôn với Gladys Nina Ravenshaw (1886-1922). Năm 1919, vợ chồng Werner ghé trại trẻ mồ côi tại Bắc Kinh. Họ nhận cô bé không rõ lai lịch mới 2 tuổi làm con nuôi, đặt tên là Pamela. Werner vô cùng yêu thương Pamela. Sau khi Gladys qua đời vì sử dụng ma túy quá liều vào năm 1922, ông một mình chăm sóc con gái nuôi.
Nhà ngoại giao Edward Theodore Chalmers Werner, chuyên nghiên cứu văn hóa dân gian Trung Quốc
Pamela được cha dạy tiếng Hán và văn hóa Trung Hoa. Khu phố Legation, nơi cô bé lớn lên là địa điểm tập trung của người nước ngoài tại Bắc Kinh. Nó khá chật hẹp, diện tích chỉ khoảng 1km2, nhưng giàu có. Khi Pamela đến tuổi đi học, Werner gửi con gái đến trường tư thục danh giá ở thành phố Thiên Tân.
Năm 1936, Pamela dính phải tin đồn có quan hệ với hiệu trưởng nơi cô theo học và phải nghỉ ngang. Werner lo làm thủ tục cho con gái chuyển tới Anh. Ngày 7/1/1937, Pamela có một buổi hẹn khám răng. Buổi sáng, cô tới nha khoa rồi về nhà. Trước khi tiếp tục ra ngoài vào tầm 3h chiều, cô nói với người hầu 7h30 sẽ về, dặn họ nấu cơm và làm món thịt chiên.
Các thám tử Đông - Tây đã kết hợp, nhưng không phá được vụ án Pamela Werner
Sau khi rời nhà, Pamela đến Khách sạn Wagons-Lits, gặp Ethel Gurevitch - cô bạn người Nga và cùng nhau tới sân trượt băng. Họ rủ thêm một người bạn Nga khác là Lillian Marinovski, vào sân chơi một lúc. Khoảng 7h30, Pamela tạm biệt 2 bạn đi về. Vì trời đã tối, Lillian lo lắng hỏi "Cậu đi một mình có được không đấy?". Pamela trả lời mình đã là "thổ địa" của vùng này. Cô tự tin khoác đôi giày trượt băng lên vai, trèo lên xe đạp và vui vẻ đạp đi.
8h tối, Werner vẫn chưa thấy con gái về. Ông đợi thêm đến 10h30 thì sai người hầu đến sân băng tìm. Không thấy Pamela, Werner tự xách đèn ra ngoài, kiếm ngược xuôi đến tận 1h sáng.
Khám nghiệm tử thi cho thấy, Pamela tử vong vì xuất huyết não. Cô bị đánh nhiều cú bằng đồ vật cùn vào đầu, mạnh đến vỡ xương sọ. Xét khoảng cách và lực tác động, các nhà khám nghiệm kết luận kẻ tấn công phải là người quen biết.
Sau khi giết chết Pamela, hung thủ tiếp tục đập gãy tay cô, dùng đoản kiếm tầm 10cm phá hủy thi thể. Toàn bộ các bó cơ trên người Pamela đều bị cắt đứt, nội tạng mất sạch. Kẻ thủ ác đưa đoản kiếm rất chính xác và thành thạo, suy đoán phải là dân phẫu thuật. Xương lồng ngực của Pamela bị bẻ gãy từ bên trong, còn quả tim thì biến mất. Hung thủ cũng dùng đoản kiếm đâm vào bộ phận sinh dục, nghiêm trọng đến nỗi không thể xác định nạn nhân có bị tấn công tình dục trước khi giết hay là không.
Trừ quần lót của Pamela, tất cả trang phục cô mặc trước khi rời sân băng đều còn nguyên, trang sức cũng vậy. Cô bị sát hại ở nơi khác, sau đó đem đến gần Tháp Hồ Ly phi tang.
Trong trường hợp cái chết của Pamela, cả cảnh sát Trung Quốc lẫn Đại sứ quán Anh đều có quyền điều tra. Tuy nhiên, địa vị xã hội của Pamela lại khiến cả 2 bên cùng có khả năng gặp rắc rối. Đại tá Han sợ báo chí làm rùm beng, cố ý giấu kết quả khám nghiệm tử thi. Thomas thì lo tiếng tăm của người Anh tại Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng, tiến cử Richard Dennis - Cục trưởng Cục Cảnh sát Anh tại Thiên Tân thay mình hợp tác với Han.
Trong quá trình điều tra, Han và Dennis bắt giữ một nghi phạm là Pinfold (lính Canada đào ngũ). Tuy nhiên vì không đủ bằng chứng, họ bắt buộc phải thả hắn. Cuộc điều tra đi vào ngõ cụt, Dennis phải quay lại Thiên Tân còn Han bị cuốn vào vụ án khác.
Từ đầu năm 1937, toàn Bắc Kinh đã biết thời gian yên bình sẽ không kéo dài lâu. Chiến tranh nổ ra, trừ Werner, không còn ai bận tâm đến cái chết của Pamela. Ông kiên trì bám trụ, tự điều tra bất chấp tình hình chiến sự căng thẳng. Ông nghi ngờ Wentworth Prentice, nha sĩ đã khám răng cho Pamela vào buổi sáng ngày 7/1/1937 là hung thủ.
Werner liên tục trình đơn và các bằng chứng mới, yêu cầu tái điều tra, nhưng Bộ Ngoại giao Anh ở Trung Quốc kiên quyết từ chối. Tháng 3/1943, toàn bộ người gốc Âu bị đuổi sạch ra khỏi Khu phố Legation. Trong quá trình dời đi, Werner đôi lần chạm mặt Prentice. Ông cũng tình cờ gặp lại Han, được vị đại tá chân thành xin lỗi vì "lực bất tòng tâm".
Năm 1945, chiến tranh kết thúc. Werner quay lại Bắc Kinh, tiếp tục xin mở lại cuộc điều tra nhưng không thành. Năm 1952, ông buông xuôi và trở về Anh, bỏ lại mộ phần của vợ và con gái nuôi tại nghĩa trang dành cho người Anh ở Trung Quốc.
Tham khảo: Pamela Murder, Wiki