Ăn chặn tiền từ thiện, người giàu trục lợi ở máy "ATM gạo" dành cho người nghèo: Có bị xử phạt?

Luật sư Phạm Thanh Hữu, Theo Nhịp Sống Việt 07:00 11/04/2020
Chia sẻ

Nếu những người khá giả vẫn gian dối để qua mặt nhà hảo tâm nhằm nhận quà, gạo, tiền từ thiện đặc biệt trong đợt dịch bệnh Covid-19 thì tuỳ vào mức độ, tính chất vi phạm mà sẽ bị xử lý về lỗi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trước tình hình khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra, nhiều người đã ra sức kêu gọi mạnh thường quân đóng góp cũng như bản thân chi số tiền lớn để giúp những người túng thiếu, có hoàn cảnh khó khăn (công nhân, phụ hồ bị thất nghiệp; người bán vé số; người cơ nhỡ…) thoát cảnh đói khổ.

Ăn chặn tiền từ thiện, người giàu trục lợi ở máy ATM gạo dành cho người nghèo: Có bị xử phạt? - Ảnh 1.

Việc làm ấy thể hiện truyền thống tốt đẹp để không ai bị bỏ lại phía sau. Tuy nhiên, lại có một bộ phận xấu lợi dụng tình hình khó khăn của đồng bào, kêu gọi quyên góp từ thiện để lấy số tiền đó tiêu xài cá nhân; cũng như những người giàu có đi lấy gạo tại các ATM gạo dành cho người nghèo, gây bức xúc cho dư luận.

Trước thực tế nêu trên, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật sư Phạm Thanh Hữu, Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh nhằm giúp mọi người hiểu rõ những kẻ xấu lợi dụng cơ hội nêu trên sẽ bị gánh lấy chế tài gì.

PV: Những người thực hiện quyên góp tiền của người khác với cớ làm từ thiện nhưng lại không dùng khoản tiền đó cho mục đích từ thiện mà chiếm lấy để tiêu xài cho bản thân thì có bị xử phạt gì hay không, thưa luật sư?

Luật sư Phạm Thanh Hữu: Những người có hành vi nêu trên sẽ bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng vì có thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác theo điểm c khoản 1 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP.

Đối với trường hợp chiếm đoạt tài sản của người khác từ 2 triệu đồng trở lên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017). Khi đó, khung hình phạt thấp nhất là bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

PV: Thời gian qua, trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh có những cây ATM gạo do những người hảo tâm quyên góp dành cho người nghèo (có để bảng ghi rõ "điểm phát gạo dành cho người nghèo") nhưng nhiều người giàu có, khá giả vẫn vào lấy gạo thì có bị xử phạt gì không, thưa luật sư?

Luật sư Phạm Thanh Hữu: Rõ ràng hành vi của những người giàu có, khá giả như trên thể hiện sự xuống cấp của đạo đức, giành miếng ăn của người nghèo, và đáng để xã hội lên án. Tuy nhiên, dưới góc độ pháp luật thì hiện tại chưa có quy định nào xử phạt hành vi này.

Ăn chặn tiền từ thiện, người giàu trục lợi ở máy ATM gạo dành cho người nghèo: Có bị xử phạt? - Ảnh 2.

Chủ nhân máy "ATM nhả gạo" rất phấn khởi khi nhận được sự đóng góp của các mạnh thường quân hỗ trợ giúp người nghèo.

Bởi vậy, để đảm bảo lợi ích tối đa của người nghèo (không bị người có đời sống kinh tế ổn định, khá giả giành phần) thì các nhà hảo tâm nên có biện pháp kiểm soát chặt chẽ việc này; như là, yêu cầu người nghèo tới nhận quà, gạo, tiền từ thiện… mang theo sổ hộ nghèo hoặc giấy xác nhận của địa phương (để đơn giản, gọn nhẹ thủ tục cho người nghèo thì không nhất thiết phải là xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp xã, chỉ cần xác nhận của ấp, khu phố, tổ dân phố…) và chứng minh nhân dân/căn cước công dân để việc làm từ thiện được đúng đối tượng.

PV: Trong trường hợp nhà hảo tâm đã áp dụng cách như luật sư chia sẻ ở trên nhưng những người khá giả vẫn thực hiện hành vi gian dối để qua mặt nhà hảo tâm nhằm nhận quà, gạo, tiền từ thiện thì họ có bị xử phạt gì hay không?

Luật sư Phạm Thanh Hữu: Nếu nhà hảo tâm đã thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ để tránh bị người có đời sống kinh tế ổn định giành phần từ thiện của người nghèo; song những người khá giả vẫn gian dối để qua mặt nhà hảo tâm nhằm nhận quà, gạo, tiền từ thiện thì tuỳ vào mức độ, tính chất vi phạm mà sẽ bị xử lý về lỗi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác (như đã nêu ở trên).

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày