Amazon không “đơn độc”, cả hành tinh oằn mình trong những đám cháy dữ dội

Minh Đức, Theo Helino 17:13 01/09/2019

Những đám cháy xuất hiện tại nhiều châu lục trên toàn thế giới làm dấy lên nỗi lo về diễn biến tiêu cực của biến đổi khí hậu. Amazon không “đơn độc”, theo một cách không ai mong muốn. Tuy nhiên, cũng có những đám cháy diễn ra mang lại điều tích cực cho khu vực.

Tại Nam Mỹ, cả vùng đồng bằng Amazon đang chìm trong biển lửa. Cách đó nửa vòng trái đất tại trung Phi, những dặm dài thảo nguyên cũng đang bừng bừng bốc cháy. Và cả trên vòng cực bắc, những cánh rừng tại Siberia cũng đang oằn mình trong lửa.

Trong khi những vụ cháy rừng tại Brazil đang thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế - như một cuộc khủng hoảng thì đúng hơn, người ta đã quên mất những vụ cháy khác cũng đang bùng lên khắp thế giới. Sự tăng nhanh về mức độ nghiêm trọng cũng như diện tích cháy đã khiến người ta đặt câu hỏi về mức độ nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Những vụ cháy liên tiếp và đồng nhất như vậy quả thực là câu chuyện “vô tiền khoáng hậu”.

“Nhiệt độ cao hơn cùng khí hậu khô hanh làm tăng nguy cơ cháy rừng”, John Abatzoglou, một giáo sư tại khoa địa chất trường đại học Idaho cho biết. Ông miêu tả nguy cơ về những đám cháy trên khắp hành tinh không thể dập tắt nếu tình trạng ấm lên toàn cầu tiếp diễn.

Các vụ hỏa hoạn cũng tác động đến biến đổi khí hậu khi nó không chỉ thải ra khí CO2 mà còn phá hủy các mảng xanh giúp lọc không khí tại nhiều vùng trên thế giới. 2019 cũng là năm thế giới chứng kiến những vụ cháy kinh hoàng trên vùng cực bắc - một điều gần như rất ít khi xảy ra trước đây.

Kể từ tháng 7, những đám cháy đã quét qua khoảng 6 triệu hecta rừng tại Siberia - diện tích ngang ngửa với bang Vermont của Mỹ. Tại Alaska, những đám cháy đã bao trùm một vùng rộng hơn 2,5 triệu hecta lãnh nguyên và rừng lá kim. Các nhà nghiên cứu lo lắng rằng sự kết hợp của biến đổi khí hậu và cháy rừng có thể thay đổi vĩnh viễn các khu rừng tại khu vực này.

Vùng Cực bắc đang ấm lên với tốc độ nhanh gấp đôi các phần còn lại của hành tinh. Một vài nghiên cứu còn đưa ra cảnh báo “khả năng sẽ có nhiều sét đánh hơn”, Abatzoglou cho biết. Tại nhiều vùng hẻo lánh, sét là nguyên nhân chính gây ra hỏa hoạn.

Amazon không “đơn độc”, cả hành tinh oằn mình trong những đám cháy dữ dội - Ảnh 1.

Mặc dù nhiều người vẫn tin rằng, Amazon như một lá phổi của thế giới, những cánh rừng tại Siberia hay vùng cực bắc cũng quan trọng không kém gì các cánh rừng nhiệt đới. Một điều khiến nhiều người quan tâm tới các đám cháy ở vùng cực bắc là việc bên cạnh cây bụi và các cây lớn cháy, than bùn trong đất cũng cháy thải ra nhiều khí CO2 hơn mức thông thường. Trước đây, việc than bùn bốc cháy ở vùng cực bắc rất hiếm gặp khi độ ẩm không khí cao. Tuy nhiên, với tình trạng nóng hơn và khô cằn hơn, việc than bùn bốc cháy là điều dễ hiểu.

Với nhiều nguyên nhân về địa chất, kinh tế, chính trị và cả khí hậu, không có cách nào để phân loại nguyên nhân các đám cháy một cách triệt để - mỗi đám cháy lớn xảy ra không bao giờ vì một nguyên nhân duy nhất.

“Có những đám cháy cố tình được tạo ra để dọn quang đất đai. Có những đám cháy xảy ra tại các khu vực hẻo lánh mà không ai ngờ tới, ít nhất với mức độ nghiêm trọng như vậy, vì biến đổi khí hậu”, giáo sư Abatzoglou cho biết.

Tại các vùng khác nhau trên thế giới, những nguyên nhân xung đột với nhau theo cách khác biệt.

Amazon và Indonesia: Những ngọn lửa có chủ đích

Khủng hoảng tại Amazon là một ví dụ về những đám cháy có chủ đích. Người dân đốt quang các khu vực để dọn sạch đất đai, phục vụ cho canh tác và chăn nuôi. Tại Brazil, nhu cầu trồng đậu tương và chăn nuôi gia súc ngày càng tăng. Trong khoảng từ năm 2004 đến 2012, tỷ lệ phá rừng tại Brazil đã giảm đi rõ rệt nhưng bắt đầu tăng trở lại từ năm 2013 do một số chính sách của nhà nước. 

Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã đẩy Trung Quốc phải tìm các nguồn nhập khẩu đậu tương khác để thay thế cho Mỹ, và Brazil là quốc gia được chọn. Chính vì vậy, nhu cầu lấy đất rừng làm đất nông nghiệp lại càng tăng cao. 

Các cộng đồng bản địa tại Amazon đã đốt rừng làm nông nghiệp qua nhiều thế kỷ nhưng thường trên quy mô nhỏ, trồng xen canh đa dạng. Sau vài năm, họ sẽ để đất cho rừng phát triển lại. Người bản địa biết cách để kiểm soát những đám cháy, trong khi hiện tại thì không. Hoạt động nông nghiệp ngày càng chuyên môn hóa không có chỗ cho những mảnh đất nông nghiệp phục hồi, một khi đã chuyển đổi thì sẽ mãi mãi không hồi sinh.

Amazon không “đơn độc”, cả hành tinh oằn mình trong những đám cháy dữ dội - Ảnh 2.
Amazon không “đơn độc”, cả hành tinh oằn mình trong những đám cháy dữ dội - Ảnh 3.

Tại Đông Nam Á, khoảng 71% diện tích rừng đầm lầy than bùn đã biến mất tại các hòn đảo như Sumatra, Borneo và bán đảo Malaysia từ năm 1990 tới 2015. Các cánh rừng nhiệt đới phải nhường chỗ cho các đồn điền trồng cọ ngút ngàn - một trong những loại cây quan trọng nhất của khu vực. Vào năm 2015, những đám khói nghiêm trọng từ các vụ đốt rừng được cho là nguyên nhân cho cái chết của 100,000 người, theo một báo cáo được công bố một năm sau đó. Tuy chính phủ đã có những động thái can thiệp nhưng năm nay, những đám khói đốt rừng lại xuất hiện.

Vùng Cực bắc: Một mồi lửa mới

Dù đều liên quan tới việc đốt than bùn, những đám cháy ở Indonesia có phần khác biệt so với những gì đang diễn ra tại vùng cực bắc. Mùa hè này, những đám cháy xảy ra khắp khu vực - từ Alaska, Greenland cho tới Siberia. Đây đều là những vùng ít khi xảy ra cháy.

Những đám cháy xảy ra do nhiệt độ tăng cao khiến cho những khu rừng khô hạn dễ bắt lửa. Nhiều nhà nghiên cứu đã miêu tả nền nhiệt cao như một dấu hiệu của biến đổi khí hậu tại một khu vực đang ấm nhanh hơn bất cứ phần nào trên thế giới. Nhiệt độ trong hè tại nhiều vùng của Alaska đã đẩy lên mức kỷ lục 90 độ F (4/7) trong khi nhiệt độ trung bình tháng 7 chỉ vào khoảng 75 độ F.

Amazon không “đơn độc”, cả hành tinh oằn mình trong những đám cháy dữ dội - Ảnh 4.
Amazon không “đơn độc”, cả hành tinh oằn mình trong những đám cháy dữ dội - Ảnh 5.

Lượng CO2 thải vào không khí cũng đạt mức kỷ lục kể từ khi việc đo đếm bằng vệ tinh được tiến hành từ năm 2003. Chỉ trong vòng 18 ngày đầu tiên của tháng 8, các đám cháy ở vùng Cực bắc đã thải ra 42 triệu tấn CO2. Cộng lại với tháng 6, tháng 7 và phần đầu tháng 8 đã lên tới 180 triệu tấn, gấp 3,5 lần lượng khí CO2 một quốc gia như Thụy Điển thải ra mỗi năm. 

Những đám cháy không chỉ được coi là dấu hiệu của biến đổi khí hậu, nó còn làm trầm trọng hơn tình trạng ấm lên toàn cầu. Khi bồ hóng từ than bùn phát tán trong không khí, đặc biệt là tới các khu vực sông bắc, nó sẽ hấp thụ nhiệt của mặt trời nhiều hơn thay vì phản chiếu lại, dẫn đến tình trạng tan băng nhanh hơn.

California và châu Phi: Những đám cháy theo mùa 

Tuy các đám cháy tại vùng Cực bắc có phần bất thường, không phải đám cháy nào cũng như vậy. Tại nhiều khu vực, các đám cháy theo mùa xảy ra đóng một vai trò quan trọng. Vùng bờ tây Mỹ là một ví dụ. 

Tại khu vực California cùng nhiều bang lân cận của Mỹ, các đám cháy rừng xảy ra hàng năm tại những khu hệ sinh thái đã thích nghi với lửa. Nói theo cách khác, nhiều cánh rừng không chỉ chống chọi được với cháy rừng mà còn cần tới những đám cháy. Ví dụ, những cây thông vỏ trắng Bắc Mỹ cần nhiệt từ những đám cháy để có thể phát tán hạt. 

Điều tương tự cũng diễn ra tại khu vực cận Sahara khi những đám cháy xảy ra ở đây cứ 2-3 năm/lần. “Đây là một hệ sinh thái chống chọi lại được với lửa. Điều kiện ở đây đủ khô để những đám cháy xảy ra nhưng cũng đủ ẩm để các đám cháy có thể kiểm soát”, tiến sĩ Abatzoglou cho biết.